Bộ Công Thương tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu rõ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 vừa ban hành mới đây.

Tại Nghị quyết số 77/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương nghiêm túc, khẩn trương tập trung triển khai hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phát huy kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu, bảo đảm năng lực sản xuất xăng dầu hiệu quả, đạt sản lượng cung cấp tối đa theo thiết kế của các nhà máy; chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ; trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan tham mưu xây dựng kịch bản điều hành giá xăng dầu trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 /2022.

Tập trung, chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.

Thường xuyên theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi chuyển tải hàng hóa qua Việt Nam, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại; chủ động, tích cực ứng phó hiệu quả các vụ kiện đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, có kim ngạch lớn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về xuất xứ, kiểm dịch, an toàn thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt hơn cơ hội thị trường do các hiệp định mang lại.

Nghị quyết nêu rõ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, không để ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện tích cực, quyết liệt theo thẩm quyền các giải pháp, biện pháp đồng bộ, điều hành để bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và quy định của pháp luật về giá, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, cước phí vận tải, chi phí logistics...

Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan, địa phương chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, nhất là các nông sản đang vào vụ thu hoạch.

Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan triển khai kết quả Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân năm 2022 để xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đề xuất, kiến nghị xây dựng các chương trình, đề án đưa vào chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Khánh Thy