Bộ Công Thương thúc đẩy cơ hội hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trong lĩnh vực năng lượng

Ngày 14/2/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc tiếp và làm việc với ngài Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP26) nhân dịp ông có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma

Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cùng Lãnh đạo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Dầu khí và Than, Văn phòng Bộ; Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã bày tỏ sự trân trọng với tinh thần hợp tác, ủng hộ tích cực của Đoàn Chủ tịch COP26 cũng như cá nhân Chủ tịch trong suốt thời gian trước, trong và sau Hội nghị COP26 đến nay. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 năm, Bộ Công Thương đón tiếp Chủ tịch COP26 tại trụ sở. Điều này nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của phía bạn dành cho những nỗ lực của Việt Nam nói chung và đóng góp của lĩnh vực công thương nói riêng trong việc triển khai thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ một số nỗ lực tích cực của ngành năng lượng tại Việt Nam thời gian qua. Ngay sau Hội nghị COP26, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cập nhật lại dự thảo Quy hoạch điện 8, chú trọng phát triển nguồn điện theo hướng: Đánh giá lại tính khả thi các nguồn nhiệt điện than để tiếp tục giảm điện than; Phát triển mạnh điện khí, nhất là điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng khả năng hấp thụ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo quy mô lớn; Phát triển mạnh mẽ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời; Bố trí nguồn điện đảm bảo cân đối vùng miền, tránh truyền tải xa và đảm bảo dự phòng hợp lý ở từng miền.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và hoàn hiện dự thảo Quy hoạch điện VIII để phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Tuyên bố chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về nguồn vốn ưu đãi rất lớn để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các giải pháp vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa đóng góp có hiệu quả mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do vậy, đối với các dự án đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương luôn ưu tiên hỗ trợ trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, phù hợp quy hoạch chung, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma
Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Alok Kumar Sharma ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong hoạch định Quy hoạch điện VIII và khuyến khích Việt Nam tham vọng hơn nữa với các mục tiêu về năng lượng tái tạo, tận dụng các điều kiện thiên nhiên ưu đãi; đồng thời ghi nhận sự thành công của Việt Nam - quốc gia hàng đầu trong khu vực về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là thông qua sự phát triển ấn tượng về năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Ông nhấn mạnh, kết quả báo cáo nghiên cứu do Hội đồng Chuyển dịch năng lượng COP26 (ETC) hỗ trợ thực hiện về khả năng chuyển dịch khỏi các nhà máy điện than không áp dụng các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính. Chủ tịch COP26 vui mừng được biết rằng báo cáo này đã được Bộ Công Thương cùng với các cơ quan khác thảo luận trong thời gian gần đây và mời Bộ trưởng cùng tham gia Tọa đàm lần thứ hai của ETC với Việt Nam, dự kiến vào tháng 3/2022.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Đặng Hoàng An

Đồng thời, phía bạn cho hay nhu cầu tài chính lớn để thực hiện Quy hoạch điện VIII, phù hợp với định hướng của mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và các nguồn tài chính công và tư nhân có thể huy động nhằm thực hiện cam kết đưa ra tại COP26 để đầu tư vào các dự án hạ tầng xanh. Khuyến khích Việt Nam tích cực tận dụng nguồn lực này.

Bên cạnh đó, khẳng định nguồn tài chính của Vương quốc Anh (UK) và quốc tế nhằm hỗ trợ phát triển lưới điện và hạ tầng xanh, bao gồm thông qua Quỹ Đầu tư Khí hậu (CIF - Climate Investment Fund) do Ngân hàng Thế giới quản lý, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) và Quỹ tăng trưởng sạch (CGF - Clean Growth Fund) của UK. Ông cho rằng, cần có sự tham gia của khối tư nhân để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch cho Việt Nam.

Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward
Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, tuyên bố chính trị của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã được cụ thể hóa bằng việc sửa đổi Luật Điện lực và được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 1/2022, theo đó, cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong từng thời kỳ. Sửa đổi then chốt này mở ra nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư, giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh hệ thống điện.

Bộ trưởng cho rằng, sự khẳng định về nguồn hỗ trợ tài chính từ các đối tác quốc tế nói chung và đặc biệt từ Vương quốc Anh sẽ giúp cho Việt Nam có thêm điều kiện để triển khai các mục tiêu đề ra. Bên cạnh nhu cầu về nguồn lực tài chính để phát triển các dự án giảm phát thải khí nhà kính ngành Công Thương, Việt Nam cũng rất cần được chia sẻ các hỗ trợ kỹ thuật từ các nước tiên tiến, cụ thể:

Hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để nghiên cứu các kịch bản hạn chế xây dựng các nhà máy nhiệt điện than; phát triển với tỷ trọng hợp lý các nhà máy nhiệt điện khí có hiệu suất cao, tính linh hoạt cao; xây dựng lộ trình chuyển đổi, phương án thay thế các nhà máy điện than bằng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển hệ thống lưới điện thông minh, hệ thống tích trữ năng lượng và hệ thống thu hồi, lưu giữ carbon...

Hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trong triển khai các hoạt động kiểm soát phát thải khí nhà kính ngành công thương gồm kiểm kê phát thải khí nhà kính, xây dựng và vận hành hệ thống báo cáo, đo đạc và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính.

Hỗ trợ kỹ thuật, tài chính thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho Việt Nam triển khai các cơ chế định giá carbon theo quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để nâng cao năng lực triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh trạnh, điều tiết giá điện, cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Hỗ trợ kỹ thuật, tài chính thúc đẩy nghiên cứu cơ chế tài chính quốc tế ưu đãi phục vụ quá trình chuyển dịch năng lượng và triển khai các cơ chế hợp tác về giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam cho lĩnh vực năng lượng, công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma

Bộ Công Thương đề nghị Chủ tịch COP26 kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điện lực Việt Nam tiếp cận được các nguồn tài chính của Anh và quốc tế để phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện (lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối) nhằm các mục đích cung cấp khả năng kết nối năng lượng tái tạo, nâng cao độ tin cậy và chất lượng điện năng, giảm tổn thất điện năng, góp phần đạt được các mục tiêu cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ COP26. 

“Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính của Vương quốc Anh và quốc tế thúc đẩy các cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thảo Hường