Những bất cập trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp - kiến nghị và Giải pháp

Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) đang được sử dụng rộng rãi trong các ngành kinh tế, đặc biệt là trong xây dựng và khai thác khoáng sản. Theo báo cáo, năm 2003, toàn quốc tiêu thụ khoảng 51.930 tấn VLN

Vừa qua, thực hiện Quyết định số 1467/QĐ-KTAT ngày 18/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, đoàn kiểm tra liên ngành Công nghiệp, Công an, Quốc phòng đã tổ chức kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng VLNCN tại một số đơn vị trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Gia Lai, Đồng Nai... Tuy chưa phải là đợt kiểm tra tổng thể trên diện rộng, nhưng kết quả cũng cho thấy còn một số bất cập trong công tác quản lý, sử dụng VLNCN.

Những tồn tại trong quản lý, sử dụng VLNCN

Có thể nói, qua kiểm tra ở 8 đơn vị kinh doanh, sử dụng VLNCN, Đoàn kiểm tra liên ngành đều thấy, các đơn vị đã có ý thức trong công tác quản lý, sử dụng VLNCN. Hồ sơ pháp lý mà các đơn vị đang sử dụng đều đầy đủ và đang có hiệu lực. Có xây dựng hệ thống thực hiện đủ thành phần cơ cấu theo qui định của Thông tư liên tịch 01/1998/TTLT-CN-NV, Thông tư 11-TT/CNCL; có văn bản bổ nhiệm lãnh đạo, thành lập đội ngũ công nhân trực tiếp liên quan đến VLNCN (thợ mìn, thủ kho, bảo vệ, áp tải), đáp ứng được nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo qui định. Tuy nhiên, cũng còn một số sai sót nhỏ như Công ty Cổ phần công trình giao thông Lào Cai, Xí nghiệp 4-789 vẫn sử dụng một số văn bản cũ, không phù hợp với các qui định hiện hành, hay Xí nghiệp Sông Thao, Xí nghiệp 4-789 chưa có bản sao hợp lệ hồ sơ pháp lý tại trụ sở điều hành, thiếu văn bản giao nhiệm vụ thực hiện công trình của cấp công ty cho các đơn vị thành viên. Hoặc Công ty Cổ phần công trình giao thông Lào Cai, Xí nghiệp Sông Thao còn phân công kiêm nhiệm chức trách không đúng qui định (thủ kho kiêm bảo vệ).

Những sai phạm các đơn vị hay mắc phải thường tập trung vào công tác cung ứng, thống kê, xuất nhập và bảo vệ phòng chống thất thoát VLNCN. Yêu cầu của các công ty kinh doanh VLNCN là thực hiện tốt các qui định về ký kết hợp đồng, quản lý hồ sơ khách hàng... Thế nhưng, Xí nghiệp VLNCN Lào Cai vẫn cung ứng VLNCN trên cơ sở công văn đề nghị của UBND tỉnh Lào Cai cho 2 khách hàng chưa có giấy phép sử dụng VLNCN là BCH Quân sự tỉnh Lào Cai và BCH Quân sự huyện Si Ma Cai không đúng với qui định của Thông tư 11-TT/CNCL. Hay trong công tác thống kê, xuất nhập VLNCN, số liệu tồn kho thực tế và số liệu trên sổ sách của Công ty Cổ phần công trình giao thông Lào Cai không khớp nhau, khi Đoàn kiểm tra về làm việc mới phát hiện ra sai phạm này.

Đối với các kho chứa VLNCN sử dụng tạm thời, các đơn vị còn thiếu trang bị vũ khí, chưa bố trí đủ bảo vệ, thiếu phương án phối hợp bảo vệ dẫn đến vụ mất 30 kg thuốc nổ, 2.594 kíp nổ các loại tại kho VLNCN tạm thời Đhâyling II ngày 20/4/2004. Đến nay đã thu hồi được 22 kg thuốc nổ và toàn bộ số kíp nổ bị mất, số thuốc còn lại được xác định đã bị đối tượng sử dụng vào việc đánh cá (biên bản thu hồi vật chứng của công an huyện Cujut). Tuy Xí nghiệp VLNCN Gia Lai đã chấm dứt việc sử dụng kho Đhâyling 2, nhưng đây là bài học cho việc quản lý, sử dụng VLNCN tại các kho chứa tạm thời.

Nhìn chung, thất thoát VLNCN hay xảy ra trong khâu sử dụng hơn ở trong kho chứa, bởi phần lớn đơn vị chưa tạo thành qui trình kiểm soát chặt chẽ, thiếu biên bản nghiệm thu lỗ khoan, thiếu biên bản ghi số lượng thuốc nổ nạp thực tế... Do vậy, khó xác định sự chênh lệch giữa số lượng thuốc nổ đã sử dụng thực tế so với số lượng thuốc nổ lập trong hộ chiếu nổ mìn. Và đây chính là sơ hở dễ xảy ra hiện tượng bớt xén, lấp cắp VLNCN mà đơn vị không kiểm soát được.

Tại mỗi tỉnh, sau khi kiểm tra các đơn vị, Đoàn kiểm tra liên ngành đều làm việc với Sở Công nghiệp. Thông qua kiểm tra thực tế, có thể thấy, công tác quản lý của địa phương còn tồn tại một số vấn đề như: Chưa đánh giá và xây dựng được kế hoạch định hướng phát triển của lĩnh vực ứng dụng VLNCN trong tình hình cụ thể của địa phương; Cấp phép sử dụng VLNCN chưa đúng đối tượng, mở rộng các điều kiện đối với đối tượng sử dụng VLNCN trái với qui định; Phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính; Chưa thực hiện tốt phối hợp giữa các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát VLNCN. Kiểm tra chồng chéo, chất lượng kiểm tra thấp, chưa làm tốt mặt hướng dẫn cho các đơn vị về biện pháp tổ chức, thực hiện các qui định của Nhà nước; Lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn thiếu, nhất là các địa phương có địa hình phức tạp, vùng sâu, vùng xa (Lào Cai, Kom Tum). Những việc này đã gây thêm khó khăn cho việc kinh doanh, sử dụng VLNCN của các đơn vị trên địa bàn.

Kiến nghị và giải pháp

Qua làm việc tại các đơn vị, đều có chung kiến nghị là các cơ quan chức năng địa phương cần có sự phối hợp, hỗ trợ các đơn vị trong công tác bảo vệ kho chứa VLNCN và bỏ các thủ tục hành chính phát sinh trong sử dụng VLNCN đối với các đơn vị thuộc công ty VLNCN khi các đơn vị này sử dụng VLNCN ở các địa phương khác. Mặt khác, sớm sửa đổi Thông tư 11-TT/CNCL và TCVN 4586:97 cho phù hợp với tiến bộ kỹ thuật và tình hình hiện nay; Có chính sách khuyến khích việc áp dụng công nghệ, phương tiện nổ mìn tiên tiến; Các đơn vị sản xuất cần có biện pháp hạ giá thành đối với phương tiện nổ hiện đại.

Hiện tại, việc quản lý, sử dụng VLNCN đã tương đối đi vào nề nếp. Tuy có những vi phạm nhất định, song mới ở mức độ nhỏ, chưa gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự xã hội và không có tính hệ thống. Do vậy, Đoàn kiểm tra đề nghị Bộ Công nghiệp xem xét một số giải pháp sau:

- Sớm sửa đổi Thông tư hướng dẫn về sản xuất, sử dụng VLNCN; Trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt hành chính về lĩnh vực VLNCN; Bộ Công nghiệp đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cho sửa đổi TCVN 4586:97 VLNCN yêu cầu an toàn về bảo quản vận chuyển và sử dụng.  

- Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình quản lý sử dụng VLNCN giai đoạn 1995-2004. Qua đó, hướng dẫn các qui định mới, đồng thời phổ biến kinh nghiệm quản lý của các địa phương quản lý tốt, quản lý có hiệu quả.

- Có văn bản định hướng cho các địa phương có kế hoạch giảm bớt số đơn vị sử dụng VLNCN có qui mô nhỏ, lẻ, hoạt động không thường xuyên. Tập trung xây dựng các đầu mối dịch vụ nổ mìn linh hoạt mang tính dịch vụ công đối với các địa phương đặc thù hoặc những công trình dân sinh không mang lại hiệu quả kinh tế cho đơn vị thi công.

- Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm về công tác quản lý, sử dụng VLNCN. /.

  • Tags: