Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân xuất khẩu gạo báo cáo khẩn

Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo.

Công văn của Bộ Công Thương nêu rõ, trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động của nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước như Ấn Độ, UAE, Nga…

Cùng với đó là hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi Thoả thuận ngũ cốc Biển Đen),…

Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo báo cáo khẩn
Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo về Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trước ngày 03/8/2023

Để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hoá; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo triển khai một số nội dung.

Cụ thể, thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, và thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu; trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp phù hợp với Bộ, ngành liên quan.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP trước ngày 03/8/2023 về Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương qua địa chỉ email: [email protected].

Tính đến chiều 1/8/2023, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết giá gạo 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan tiếp tục tăng thêm 20 USD lên mức tương ứng là 588 USD và 623 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất được ghi nhận kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử năm 2008 đến nay.

Đến hết tháng 7/2023, xuất khẩu gạo đạt 2,58 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ, giá gạo bình quân 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến cả năm 2023 sẽ xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo và thu về 4,1 tỷ USD.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để khắc phục các tồn tại, bất cập phát sinh, định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu, nhập khẩu gạo bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững và ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường và tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế.

Tại dự thảo, Bộ Công Thương đã đề xuất một số nội dung cụ thể như: Bổ sung khoản 3 Điều 3 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP như sau: Chỉ thương nhân có quyền xuất khẩu gạo mới được nhận ủy thác xuất khẩu gạo.

Hay bổ sung điểm c khoản 4 Điều 22 như sau: Bố trí nguồn kinh phí riêng hàng năm cho xúc tiến thương mại đặc thù đối với mặt hàng gạo ngoài chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương…