Giá gạo xuất khẩu lên mức cao nhất 12 năm
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan trong tuần này đã bật tăng mạnh sau khi Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chính thức cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ (không phải là gạo đồ) vào ngày 20/7 sau nhiều đồn đoán kéo dài từ tuần trước.
Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 515 - 525 USD/tấn, tăng mạnh so với mức 510-513 USD/tấn của tuần trước. Đây cũng là mức giá cao nhất của gạo xuất khẩu Việt Nam kể từ năm 2011.
Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức 545 USD/tấn, so với mức 515 USD/tấn của tuần trước. Qua đó, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.
Một thương nhận xuất khẩu gạo có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đối với gạo Việt nói riêng, các loại gạo trên thế giới nói chung đang dần tăng cao hơn khi nhiều quốc gia tăng cường dự trữ gạo trước rủi ro hiện tượng El Nino có thể tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp.
Tương tự, giới kinh doanh gạo tại Thái Lan cũng cho biết nhu cầu trên thị trường quốc tế đối với gạo nước này đang ở mức cao.
Trong khi đó, mặc dù Ấn Độ đã cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ nhưng giá gạo đồ xuất khẩu của nước này trong tuần qua tiếp tục được giữ ổn định quanh mức 421 – 428 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Đây cũng là mức giá xuất khẩu cao nhất trong 5 năm trở lại đây đối với gạo đồ Ấn Độ.
Ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành hãng xuất khẩu Satyam Balajee (Ấn Độ), cho biết mặc dù Ấn Độ cấm xuất khẩu phần lớn các loại gạo nhưng giá gạo nước này đã ở ngưỡng cao so với thị trường dẫn đến nhu cầu yếu bất chấp việc nguồn cung có xu hướng thu hẹp.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ ông BV Krishna Rao, cho biết hoạt động canh tác lúa gạo ở Ấn Độ đang thuận lợi khi mưa xuất hiện trong hai tuần qua tại nhiều vùng canh tác trọng điểm. Nhưng ông Krishna Rao nhấn mạnh việc Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ đã gây tâm lý quan ngại trên thị trường. Hiện Ấn Độ chưa có bất kỳ động thái nào về việc hạn chế xuất khẩu gạo đồ.
Cơ hội “vàng” cho gạo Việt Nam
Trong năm 2022, Ấn Độ xuất khẩu được 22,2 triệu tấn gạo – tương đương 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu; lượng gạo xuất khẩu của nước này nhiều hơn tổng xuất khẩu của 4 nước xuất khẩu gạo lớn tiếp theo cộng lại (Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Hoa Kỳ). Trong đó, các loại gạo tẻ chiếm hơn 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.
Do đó việc Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ là cơ hội “vàng” cho các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Việt Nam tăng tốc chiếm lĩnh thị phần tại các thị trường mà gạo Ấn Độ đang chi phối. Những khách hàng chính đang mua gạo tẻ của Ấn Độ gồm: Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal.
Ngay sau lệnh cấm của Ấn Độ, Bộ Công Thương Việt Nam đã ngay lập tức đưa ra một số khuyến nghị gửi đến các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong nước và Hiệp hội Lương thực Việt Nam để tổ chức phương án xuất khẩu phù hợp.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã đạt 4,2 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và 32,2% về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu gạo đến nhiều thị trường truyền thống lẫn thị trường mới ghi nhận mức tăng ấn tượng, như Angola (tăng 600%), Indonesia (tăng 1.500%), Trung Quốc (tăng 71%)…
Đồng thời, giá gạo trên thị trường quốc tế được nhận định sẽ tiếp tục tăng lên và neo ở mức cao trong khoảng thời gian dài, ít nhất cho đến khi Ấn Độ khôi phục lại hoạt động xuất khẩu gạo. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 6 vừa qua đạt 552 USD/tấn, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá của một số thương nhân kinh doanh gạo quốc tế, các khách hàng có thể chuyển sang mua gạo 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam thay vì mua gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ. Các thương nhân này cho rằng Trung Quốc và Philippines, những quốc gia thường nhập khẩu gạo Việt Nam và Thái Lan, rất có thể sẽ buộc phải mua gạo với giá cao hơn đáng kể và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan có thể lên tới 600 USD/tấn. Với những giống gạo chất lượng cao, giá gạo xuất khẩu có thể lên tới trung bình 700 USD/tấn.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ nhận định lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ có sự ảnh hưởng đến giá gạo như những gì cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã khiến giá lúa mì thế giới tăng gần gấp đôi hồi tháng 3/2022 và tốc độ ảnh hưởng lần này có thể còn diễn ra nhanh hơn.
Đáng chú ý, lệnh cấm xuất khẩu đột ngột của Ấn Độ sẽ khiến nhiều nước nhập khẩu không thể tìm kiếm các lô hàng thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Việt Nam và Thái Lan sẽ nổi lên là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng nửa cuối năm nay có thể sẽ tăng đột biến.