Theo nhận định mới nhất của KB Securities (KBSV), tỷ giá USD/VND sẽ chịu nhiều yếu tố tác động trái chiều trong nửa cuối năm nay và có thể tỷ giá sẽ tăng khoảng 2% trong cả năm 2023. Do đó tỷ giá liên ngân hàng tại Việt Nam có thể lên quanh mức 24.100 VND đổi 1 USD.
Với định hướng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) hiện nay, KBSV nhận định mức mất giá này sẽ không khiến SBV phải có hành động cụ thể để ổn định tỷ giá như tăng lãi suất, hay bán ra dự trữ ngoại hối.
Trên thực tế, việc Việt Nam Đồng giảm giá ở 1 mức độ vừa phải cũng sẽ mang lại tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, dù có thể phải đánh đổi với sự ổn định vĩ mô, đặc biệt liên quan đến dòng chảy vốn.
Tỷ giá USD/VND trên thực tế đã có xu hướng tăng trong giai đoạn đầu tháng 7 và áp lực tỷ giá trong 6 tháng cuối năm được KBSV nhận định là sẽ rất đáng chú ý.
Sự trái chiều về chính sách tiền tệ gây áp lực khiến tỷ giá tăng
Trong đó, xu hướng tăng của chỉ số DXY và sự trái chiều chính sách giữa SBV và Fed tiếp tục gây áp lực khiến tỷ giá tăng.
Cụ thể, chỉ số Dollar Index (DXY) – đo lường sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác được dự báo sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong nửa cuối năm do Cục Dự trữ Liên bang Hoa kỳ (Fed) sẽ tăng lãi suất ít nhất 1 lần nữa trong năm. Fed đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6/2023 nhằm mục đích đánh giá các tác động của quá trình tăng lãi suất tới nền kinh tế Hoa Kỳ, nhưng các chỉ số về tiền lương, niềm tin người tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp tại đây vẫn đang rất tích cực.
Hiện công cụ FedWatch Tool của CME Group cho thấy thị trường nhận định có đến 99,8% Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm cơ bản trong phiên họp cuối tháng 7 này. Trước đó, Fed đã cho biết sẽ có thể tăng lãi suất ít nhất 2 lần (25 điểm phần trăm cơ bản/lần).
Nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đang cho thấy sự vững mạnh hơn kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ nới lỏng của Trung Quốc và Nhật bản được dự báo tiếp tục duy trì có thể khiến giá trị đồng nội tệ của 2 nước này giảm so với đồng USD. Dù vậy, chỉ số CPI và PPI của Hoa Kỳ trong tháng 6/2023 cũng cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét. Do đó, KBSV nhận định ít có khả năng DXY sẽ tăng mạnh từ vùng giá hiện tại.
Trong khi Fed tiếp tục tăng lãi suất và duy trì nền lãi suất ở mức cao thì SBV lại đang có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ với 4 lần hạ lãi suất trong nửa đầu năm, và có thể có thêm đợt hạ lãi suất trong thời gian tới.
Diễn biến trái chiều về mặt chính sách giữa Fed và SBV sẽ khiến chênh lệch lãi suất USD và VND được nới rộng với lãi suất USD cao hơn đáng kể, kích hoạt các hoạt động giao dịch carry trade (giới đầu tư sử dụng đồng tiền lãi suất thấp để mua đồng tiền lãi suất cao). Qua đó, khiến nhu cầu mua và nắm giữ USD gia tăng và gây áp lực lên tỷ giá.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào sẽ kìm hãm đà tăng của tỷ giá
Ở chiều ngược lại, nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam trong nửa cuối năm được kỳ vọng ở mức tốt sẽ hỗ trợ tỷ giá không tăng mạnh. Trên thực tế 6 tháng đầu năm nay, bất chấp chính sách tiền tệ nới lỏng của SBV và chênh lệch lãi suất USD và VND được nới rộng, Việt Nam Đồng vẫn là một trong những đồng tiền duy trì sức mạnh tốt nhất trong khu vực do nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
KBSV đánh giá rằng lợi thế này vẫn được duy trì trong 6 tháng cuối năm, hỗ trợ tỷ giá không tăng mạnh. Nguồn cung ngoại tệ sẽ tiếp tục đến từ FDI, xuất siêu và kiều hối.
Trong đó, tổng mức FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6 đạt 13,4 tỷ USD, giảm nhẹ 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái do lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng khiến các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn trong việc đăng kí FDI mới. Đồng thời, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam cũng đang suy yếu khi nhu cầu thế giới giảm mạnh; và căng thẳng địa chính trị gia tăng, nhiều quốc gia lớn đang áp dụng chiến lược chuyển dịch sản xuất và nguồn vốn trở về quốc gia hoặc hợp tác với các đối tác gần nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng.
Dù vậy vẫn có một điểm sáng là số lượng dự án liên tục tăng phản ánh các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam đang dần hồi phục và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, giải ngân vốn FDI nửa đầu năm 2023 đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022, nhờ tỷ giá tương đối ổn định.
Do đó, dòng vốn FDI trong nửa cuối năm nay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ ổn định nhờ việc Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt, ổn định kinh tế vĩ mô và những hộ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ.
Về vấn đề xuất khẩu, mặc dù hoạt động xuất khẩu nửa đầu năm nay đã suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi nhu cầu trên toàn cầu suy yếu nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu được cải thiện dần. Tính riêng quý 2/2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,4 tỷ USD, tăng 2,9% so với quý 1/2023, cho thấy những chính sách kích thích thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp đang dần phát huy tác dụng.
Hoạt động xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm nay khi sức mua tại các thị trường xuất khẩu chủ lục của Việt Nam dần phục hồi. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại của Việt Nam tính đến 15/7 đạt xuất siêu 13,25 tỷ USD.
Bên cạnh yếu tố FDI và xuất siêu, KBSV nhận định một số thương vụ bán vốn lớn kỳ vọng có thể diễn ra ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (Ngân hàng SHB), Tập đoàn Trường Hải (THACO), Công ty Cổ phần Vincom Retail và phát hành trái phiếu quốc tế của Công ty Cổ phần Vinhomes có thể mang về nguồn ngoại tệ lớn cho hệ thống.