Giá gạo xuất khẩu neo cao kỷ lục, thị trường thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 3,62 triệu tấn gạo, qua đó thu về hơn 1,9 tỷ USD, tăng 31% về lượng và tăng hơn 40% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay ước đạt trung bình 524 USD/tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng đang là vùng giá xuất khẩu cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của gạo Việt Nam; thậm chí, đã có lúc giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam, vượt giá gạo cùng loại của Thái Lan và Ấn Độ, trở thành một trong những loại gạo có giá cao nhất thế giới.
Dự kiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tiếp tục neo cao trong thời gian tới khi nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên do lo ngại ảnh hưởng của các bất ổn kinh tế, chính trị, và hiện tượng El Nino.
Về phía cầu, các thị trường truyền thống với gạo Việt Nam như Philippines, Indonesia và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để tăng dự trữ lương thực. Trong đó, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm nay để bổ sung kho dự trữ quốc gia. Philippines được dự báo sẽ phải nhập khẩu tới 2,8 triệu tấn gạo cho niên vụ 2022/2023 khi lượng dự trữ gạo của nước này đã giảm mạnh.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc cũng đã khởi sắc trở lại khi thị trường này dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Về phía nguồn cung, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan trong năm nay có thể tiếp tục bị hạn chế vì tình trạng khô hạn dưới tác động của hiện tượng El Nino. Trong đó, một số cơ quan tại Thái Lan đã khuyến cáo người dân nước này chỉ nên canh tác 1 vụ lúa gạo trong năm nay, thay vì 2 đến 3 vụ như thông lệ do lo ngại hạn hán diện rộng.
Khô hạn cũng khiến diện tích gieo cấy tại Ấn Độ sụt giảm trong năm nay. Chính phủ Ấn Độ hiện không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với gạo trắng xuất khẩu do nước này đang ưu tiên đảm bảo nguồn cung lương thực cho thị trường nội địa.
Trong khi đó, tình hình thuỷ văn tại Việt Nam, đặc biệt là các vùng canh tác lúa gạo trọng điểm ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, đang diễn ra khá ổn định, giúp duy trì sản lượng ở mức tốt. Dù khả năng hiện tượng El Nino xuất hiện tăng cao từ tháng 6 trở đi có thể khiến lượng mưa giảm xuống, nhưng Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) vẫn dự báo sản lượng lúa gạo Việt Nam năm nay vẫn đạt 29 triệu tấn, cao hơn mức sản lượng của Thái Lan.
Ngoài ra, nhiều đối tác xuất khẩu gạo có thể tìm nguồn hàng từ Việt Nam do đồng Baht của Thái Lan tăng giá, khiến biên lợi nhuận của các nhà phân phối nước ngoài bị thu hẹp.
Những yếu tố này đang tạo điều kiện thuận lợi cho gạo Việt Nam chiếm lĩnh thị phần. Theo hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (Hoa Kỳ), thị trường gạo toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 sẽ thiếu hụt nguồn cung lên đến 8,7 triệu tấn. Đây là mức thiếu hụt nghiêm trọng nhất kể từ niên vụ 2003/2004 - thời điểm thị trường thiếu hụt tới 18,6 triệu tấn gạo.
Do đó, giá gạo xuất khẩu của các nước dự kiến sẽ duy trì ở mức cao như hiện nay cho đến năm 2024, theo Fitch Solutions.
Theo dõi giá và tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam cập nhật định kỳ trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về thị trường, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành gạo Việt Nam còn đang được hỗ trợ từ việc giá phân bón năm nay giảm đáng kể so với năm 2022; đồng thời, lãi suất giảm sẽ giúp các doanh nghiệp bớt áp lực về chi phí tài chính, giúp cải thiện biên lợi nhuận hơn.
Cụ thể, Ngân hàng Thế giới dự báo giá phân bón Urê trong năm nay sẽ giảm 10% và tiếp tục giảm thêm 8% trong năm 2024 khi nguồn cung phân bón từ Nga và Trung Quốc, hai nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, tăng lên. Đồng thời, giá khí đốt – nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất phân bón trong năm nay được nhận định sẽ giảm mạnh khi mùa Đông tại châu Âu được dự báo ôn hoà hơn, và các nước tại đây đã hoàn thành kế hoạch dự trữ khí.
Về yếu tố lãi suất, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành; theo đó, lãi suất tái cấp vốn đã giảm xuống còn 4,5%. Trong ngày 29/6, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại để rà soát các thủ tục cho vay/cấp tín dụng, các loại phí nhằm tạo dư địa tối đa giảm lãi suất cho vay và tăng khả năng tiếp cận vốn.
Trong quý 1/2023, chi phí lãi vay cao là nguyên nhân chính bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành gạo niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đánh giá của VietFirst Securities, trong số các doanh nghiệp ngành gạo niêm yết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu: LTG – sàn: UPCoM) và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An, mã cổ phiếu: TAR – sàn: HNX) sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi tốt nhất khi thị trường gạo xuất khẩu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Cụ thể, trong năm nay, dự báo Tập đoàn Lộc Trời sẽ ghi nhận doanh thu hơn 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận trên 465 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và tăng 13% so với mức thực hiện của năm 2022. Qua đó, giúp chỉ tiêu EPS của cổ phiếu LTG có thể đạt 5.780 đồng/cổ phiếu.
Thị trường xuất khẩu gạo chính hiện nay của Tập đoàn Lộc Trời là Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại và sản lượng gạo nước này giảm được kỳ vọng sẽ cải thiện doanh thu cho tập đoàn này.
Đồng thời, việc Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) – Việt Nam có hiệu lực đã mở ra cơ hội cho các mặt hàng gạo của tập đoàn này thâm nhập thị trường EU. Vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời đã sáp nhập Công ty Cổ phần Lương thực Lộc Nhân, giúp tăng công suất kỳ vọng mảng lương thực của toàn tập đoàn trong năm nay. Lương thực Lộc Nhân hiện đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất với doanh thu năm 2022 ước đạt gần 8.000 tỷ đồng.
Đối với Gạo Trung An, dự báo sẽ ghi nhận doanh thu gần 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 80 tỷ đồng trong năm nay, lần lượt tăng 5,1% và 13,9% so với năm 2022. Qua đó, giúp chỉ tiêu EPS của cổ phiếu TAR đạt 1.020 đồng/cổ phiếu.
Hiện tỷ trọng xuất khẩu chiếm 15% tổng doanh thu của Gạo Trung An. Thị trường xuất khẩu chính của công ty là Hàn Quốc và các mặt hàng gạo xuất khẩu chủ lực của công ty là các loại gạo sạch, phẩm cấp cao.
Trong năm nay, Gạo Trung An sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia phát triển như EU, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore…. Đây là các thị trường khó tính nhưng có tỷ suất lợi nhuận cao. Đồng thời, công ty sẽ chuyển dần từ bán lẻ xuất khẩu sang bán buôn xuất khẩu.
Gạo Trung An hiện đặt mục tiêu đến năm 20230, sản lượng gạo của công ty sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu có giá trị gia tăng cao.