Theo thông báo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có dưới kỳ hạn dưới 1 tháng được giữ nguyên tại mức 0,5%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng bằng đồng Việt Nam giảm từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm; riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5% xuống 5,25%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Đồng thời, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với Tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Đây là lần thứ tư liên tiếp Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành từ đầu năm 2023 đến nay. Trong 3 lần trước, các mức lãi suất được điều chỉnh giảm từ 0,5% - 1,5%/năm trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Giảm trần lãi suất huy động và điều hành, theo Ngân hàng Nhà nước là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Đây là tín hiệu định hướng các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Quyết định này được đưa ra theo chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ nhằm giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất theo Ngân hàng Nhà nước được một số yếu tố ủng hộ như lạm phát được kiểm soát và thanh khoản của các tổ chức tín dụng đảm bảo.
Sáng nay, Thường trực Chính phủ cũng vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có ngay các giải pháp để giảm lãi suất, trong đó hạ lãi suất điều hành ngay trong tháng 6. Các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất huy động và cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.