Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có bài phát biểu tại tổ về một số vấn đề mà Đại biểu Quốc hội quan tâm đối với dự thảo Luật.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 2/11/2022, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu tại tổ về một số vấn đề mà Đại biểu Quốc hội quan tâm đối với dự thảo Luật.

bo truong 1

Trước đó, ngày 25/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị các Đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về 7 nhóm nội dung về: (i) Tính khả thi của Dự thảo Luật; (ii) “Định vị” Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật hiện nay; (iii) Việc có bỏ đối tượng “tổ chức” trong khái niệm “người tiêu dùng” hay không; (iv) các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế; (v) cơ chế giải quyết tranh chấp; (vi) vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ chế phối hợp; (vii) vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

Phát biểu tại tổ sáng ngày 2/11, thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công Thương), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để cụ thể hóa một số quy định, bảo đảm tính khả thi và tránh việc quy định chung, khó định lượng; nghiên cứu, thu hút các quy định trong các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn vào dự thảo Luật; đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi của các quy định mới tại Điều 6, Chương III, Chương IV và Chương V của dự thảo Luật.

Trong đó, về định vị luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành như: Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, Bộ Công Thương xin tiếp thu ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội theo hướng xác định rõ Dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh dưới góc độ bảo vệ vị trí yếu thế của người tiêu dùng.

bo truong 2

Về đề xuất bỏ đối tượng tổ chức ra khỏi khái niệm người tiêu dùng, theo Bộ trưởng, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, khái niệm người tiêu dùng của Dự thảo Luật được xác định là cá nhân, không bao gồm đối tượng là tổ chức vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định người tiêu dùng là đối tượng ở vị trí yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong khi đó, đối tượng tổ chức (bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức không kinh doanh, hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận) về cơ bản đã có đầy đủ các chức năng, năng lực để tự khắc phục vị trí yếu thế của mình, ví dụ như có cơ cấu tổ chức, có nguồn lực, có tư vấn về pháp lý…

Thứ hai, hệ thống pháp luật dân sự, thương mại hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ đối tượng tổ chức trong quá trình thực hiện giao dịch với các tổ chức cá nhân kinh doanh.

Thứ ba, kinh nghiệm các nước như Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada, Nga, Nhật Bản, Malaysia… đều đang quy định khái niệm người tiêu dùng chỉ là cá nhân mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo, cũng như nhiều cơ quan, tổ chức khác quan tâm trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật.

Năm 2021, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người. Tuy nhiên, báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao. Số vụ lừa đảo tại Việt Nam năm 2021 hiện là 87.000 vụ, gây thiệt hại 374 triệu USD.

Từ thực tiễn trên, đồng thời, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố chuyển đổi số, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng, cụ thể: (i) Bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng (Điều 38, 39); (ii) Phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng (Điều 40); (iii) Quy định một số nội dung phải có trong giao kết hợp đồng từ xa (khoản 2 Điều 39; khoản 2 Điều 42); (iv) Bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số (khoản 3 Điều 17).

bo truong 3

Về phương thức thương lượng, theo Bộ trưởng, dự thảo hiện hành chỉ quy định cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội hỗ trợ người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tiến hành thương lượng qua việc hỗ trợ chuyển thông tin, không can thiệp vào nội dung thương lượng, không can thiệp vào tự do ý chí của các bên trong quá trình thương lượng.

Việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định cần thiết, kế thừa quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và có điều chỉnh để phù hợp với quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015. “Đồng thời, thủ tục nêu trên cũng phù hợp với thông lệ ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Trung Quốc, Singapore, các nước thuộc Liên minh Châu Âu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được đông đảo các đại biểu cử tri quan tâm đó là vai trò, trách nhiệm của của tổ chức xã hội, mặt trận tổ quốc việt nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ chế phối hợp. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thường được biết đến là các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với thành viên là người tiêu dùng nên không thể thu phí thành viên như các tổ chức xã hội khác dẫn đến không có nguồn quỹ thường xuyên để duy trì, đảm bảo hoạt động của Hội. Bên cạnh đó, hiện chỉ có khoảng 20 Hội trên 55 Hội được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nên các Hội đều gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ người tiêu dùng.

Từ thực tiễn nêu trên, Dự thảo Luật đã hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện tối đa để khuyến khích, phát huy hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể: (i) Xác định rõ các quyền, nghĩa vụ của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (ii) Bổ sung, làm rõ một số hoạt động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội để có căn cứ thực hiện hỗ trợ kinh phí.

bo truong 4

Đối với ý kiến cân nhắc quy định riêng một Điều về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện nội dung này.

Liên quan đến vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Dự thảo Luật đã quy định rõ hơn về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương.

“Về một số vấn đề khác, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

PV