Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc những năm 1965 - 1972, không quân Mỹ tập trung đánh phá các thành phố, thị xã, thị trấn, các cửa khẩu biên giới, các vùng đông dân, các cầu cống trên các tuyến đường bộ, đường sắt, bao vây, phong tỏa các cảng biển, uy hiếp tàu nước ngoài ra vào cảng Hải Phòng, nhằm làm cho lưu thông hàng hóa trong nội địa bị rối loạn để ngăn cản chi viện cho chiến trường miền Nam.
Mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán - đối tượng trực tiếp của không quân Mỹ, đã đối đầu thắng lợi, không ngừng lớn mạnh trong khói lửa chiến tranh, nhiều cán bộ, nhân viên thương mại quốc doanh đã anh dũng hy sinh trên mặt trận khốc liệt này.
Rất nhiều cán bộ, nhân viên thương mại quốc doanh trưởng thành từ lò lửa chiến tranh ác liệt, như Anh hùng lao động Lê Văn Phú, tổ trưởng Cửa hàng Mậu dịch quốc doanh Hướng Lập, Vĩnh Linh; Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Chỉ, Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán Thanh Ba, Vĩnh Phúc…
Có một điểm quan trọng trong thời kỳ này không thể không nói đến, đó là những chiến công trên mặt trận tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, vật tư, bảo vệ kho tàng và trực tiếp chiến đấu của các đơn vị trong ngành. Công tác quản lý kinh tế trong chiến tranh vẫn được chú trọng.
Mặc dù kho tàng, cửa hàng, hàng hóa bị đánh phá, nhiều vùng kho bị đánh đi đánh lại nhiều lần, những tài sản, hàng hóa được bảo vệ và bảo quản tốt. Số hàng hóa bị thiệt hại do địch gây ra chỉ bằng 1,6% tổng mức luân chuyển hàng hóa trong 4 năm (từ 1965 - 1968).
Ngày 01/8/1969, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Bộ Vật tư; tiếp đó, ngày 19/8/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 146/CP quy định chức năng và bộ máy của Bộ này. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Vật tư trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đảm bảo đời sống sản xuất cho nhân dân.
Bình quân mỗi năm trong giai đoạn này, Bộ Vật tư cung ứng khoảng 1.500 xe vận tải các loại, có năm tới 7.000 xe (thời kỳ 1961 - 1964 chỉ cấp khoảng 100 xe một năm) cùng với hàng chục vạn tấn xăng dầu, hàng vạn tấn kim khí, hàng vạn tấn hóa chất, hàng vạn km cáp các loại và hàng nghìn máy móc thiết bị… phục vụ sản xuất và chiến đấu.
Vào các năm 1968 - 1972, không quân Mỹ đã đánh phá hầu hết các bến cảng, bến phà, cầu cống, kho tàng của ta, đồng thời thả thủy lôi phong tỏa cửa biển và nhiều tuyến đường sông.
Trước thực trạng đó, các bộ quản lý thuộc ngành Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với quân đội và ngành giao thông vận tải mở ra nhiều cảng biển, bến phà và cầu mới, huy động đủ mọi phương tiện từ đường sắt, đường thủy, đường sông, ô tô,... để tiếp nhận hàng hóa đáp ứng nhu cầu hậu phương và tiền tuyến. Thậm chí, có nơi, có lúc phải dùng ba lô để cõng xăng dầu lên trận địa, dùng bao ni lông bọc bao tải lương thực thả trôi trên biển để cung ứng cho tuyến lửa miền Trung.
Một trong những trọng điểm đánh phá của Mỹ là kho tàng, nhất là kho xăng dầu. Ngay từ ngày 05/8/1964, kho xăng dầu Bến Thủy đã là điểm đầu tiên trên miền Bắc bị bắn phá. Hầu hết các kho xăng dầu đều bị ném bom lại nhiều lần. Kho xăng dầu Thượng Lý (Hải Phòng) bị địch đánh phá 98 lần, bình quân mỗi cán bộ công nhân viên ở đây phải hứng chịu 3 trận đánh phá với 10 quả bom Mỹ ném xuống. Để giảm tổn thất, việc phân tán và bảo vệ kho tàng hàng hóa hết sức quan trọng. Việc này đòi hỏi phải tốn rất nhiều công sức, tiền của và đây là một trong những chiến công nổi bật của toàn Ngành.
Nhờ vậy, dù bị địch phong tỏa và bị đánh phá ác liệt, ngành Công Thương vẫn đảm bảo được xăng dầu, xe máy cho quốc phòng, an ninh, giao thông vận tải hoạt động. Ngành Xăng dầu (gồm cả quân đội) đã có một hệ thống đường ống dài 4.848 km đi từ Lạng Sơn, Bãi Cháy vào tới Bù Gia Mập (Tây Ninh). Hệ thống đường ống này đã đảm nhận cung cấp 70% khối lượng xăng dầu cho mặt trận. Để góp phần cho tổng tiến công giải phóng miền Nam, đầu năm 1975, Tổng công ty Xăng dầu đã huy động lập một đoàn xe gồm 147 chiếc để chở xăng dầu ra tiền tuyến140.
Có thể nói, cuộc đối đầu giữa bom đạn và ý chí ngày càng làm tăng thêm vòng luân chuyển con người, hàng hóa, xăng dầu, vũ khí… qua đại ngàn Trường Sơn, Tây Nguyên hùng vĩ cho đến ngày thống nhất đất nước.