Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hợp tác xã của nông hộ tại tỉnh Hậu Giang

TS. Khổng Tiến Dũng (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ), ThS. Nguyễn Đỗ Như Loan (Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ), ThS. Đỗ Thị Hoài Giang (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu phân tích nhận thức và nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hợp tác xã (HTX) của nông hộ tại Hậu Giang. Thang đo Likert, t-test và mô hình Logit được dùng để phân tích. Kết quả cho thấy có khác biệt về kinh nghiệm, diện tích, tập huấn và tham gia hội giữa 2 nhóm hộ. Mô hình Logit chỉ ra có 2 nhân tố ảnh hưởng đến quyết định là diện tích và kinh nghiệm. Các hàm ý chính sách được đề xuất nhằm thúc đẩy việc tham gia HTX của nông hộ.

Từ khóa: hợp tác xã, tỉnh Hậu Giang, nhận thức, quyết định tham gia.

1. Đặt vấn đề

Hậu Giang là một tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn. Sự phát triển của HTX, nhất là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh. Tỉnh đang tập trung phát triển mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tiêu chí số 13 là phải có HTX hoạt động hiệu quả và có liên kết gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX, kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết của cấp ủy tỉnh, thành phố về phát triển kinh tế tập thể, HTX. Báo cáo tổng kết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hậu Giang đã cho thấy các chương trình, mô hình liên kết hợp tác ở tỉnh Hậu Giang đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn như còn nhỏ lẻ, phân tán, mô hình liên kết phát triển chậm, thiếu tính bền vững. Nông dân chưa mạnh dạn liên kết sản xuất tập trung theo mô hình HTX, tổ hợp tác nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi. Theo số liệu thống kê, số lượng nông dân tham gia vào HTX chưa nhiều, HTX chưa tạo được động cơ khiến nông hộ sản xuất tiêu thụ trong các mô hình liên kết. Điều này là do phần lớn các HTX hoạt động đạt lợi nhuận chưa cao, còn mang tính phong trào và hình thức. Hầu hết các HTX này có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động thiếu định hướng về kế hoạch phát triển, thiếu tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở pháp luật. Những lý do này làm cho người dân còn e ngại chưa muốn tham gia HTX. Trong đó, chủ thể chính và quan trọng nhất chính là những nông dân.

Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu nhận thức của người dân về các hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Hậu Giang, tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hợp tác xã của nông hộ, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm khuyến khích nông hộ tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp, góp phần giúp người nông dân có thu nhập ổn định, củng cố và ngày càng phát triển hơn nữa hoạt động HTX trong thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Số liệu sơ cấp phục vụ cho nghiên cứu được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 160 nông hộ sản xuất lúa trên địa bàn các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy. Các nông hộ được chọn phỏng vấn bằng phương pháp chọn mẫu phân tầng. Thực hiện phỏng vấn chủ hộ hay người trực tiếp sản xuất trong mỗi nông hộ bằng bảng câu hỏi soạn sẵn để ghi nhận các thông tin có liên quan. Ngoài ra, nghiên cứu còn sử dụng thông tin phỏng vấn chuyên gia (KIP) là cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang về các chỉ tiêu đánh giá lợi ích và cơ sở đề xuất thông tin thu thập dữ liệu.

Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để mô tả các đặc điểm, giá trị trung bình, giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của đối tượng khảo sát như tuổi, giới tính, trình độ học vấn của chủ hộ, năm kinh nghiệm, diện tích sản xuất, số nhân khẩu, tham gia tập huấn và tham gia hội nông dân. Kiểm định t-test được sử dụng nhằm kiểm định sự khác biệt về các nhân tố như tuổi, giới tính, trình độ học vấn của chủ hộ, năm kinh nghiệm, diện tích sản xuất, số nhân khẩu giữa 2 nhóm hộ tham gia và không tham gia hợp tác xã. Thang đo Likert được sử dụng nhằm đo lường nhận thức của nông hộ về các chỉ tiêu có liên quan đến lợi ích khi tham gia vào HTX, gồm 6 biến quan sát với các tiêu chí bao gồm: Thu nhập tăng thêm, tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới, được cung cấp giống chất lượng, bán được nông sản dễ dàng hơn, khả năng tiêu thụ nông sản với giá cả tốt hơn, được tập huấn kỹ thuật sản xuất nông sản. Các chỉ tiêu này dựa trên khái niệm, định nghĩa, chức năng của HTX, lược khảo tài liệu và từ phỏng vấn chuyên gia.

Nghiên cứu sử dụng mô hình nhị phân Logit để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia HTX của nông hộ. Dạng tổng quát của mô hình Logit như sau:

Ln [ ] = β + β1X1 + β2X2 + β3X3 + β4X4 + ..... + βnXn

Trong đó Ln: Log của cơ số e (e=2,714), P(Y=1) = P0 là xác suất hộ có mong muốn tham gia HTX , P(Y=0) = 1 - P0 là xác suất hộ không mong muốn tham gia HTX, b là hằng số; β1 đến βn là các hệ số ước lượng, X1 đến Xn là các biến độc lập, bao gồm các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào HTX. Cụ thể, X1 (dientich) là diện tích sản xuất của hộ (1.000m2)/hộ) (Shi Zheng, Zhigang Wang, Titus O. Awokuse, 2012); X2 (kinhnghiem) là kinh nghiệm của chủ hộ (năm) (Awotide và Diran Olawale, 2012); X3 (gioitinh) là giới tính của chủ hộ (Nam=0, Nữ=1) (Erdoğan Atmiş và cộng sự, 2008); X4 (tuoi) là tuổi của chủ hộ (năm) (Liu Yu Xiang và John Sumelius, 2007); X5 (trinhdo) là trình độ học vấn của chủ hộ (năm) (Awotide và Diran Olawale, 2012); X6 (nhankhau) là số nhân khẩu của hộ (người) (Shi Zheng, Zhigang Wang, Shunfeng Song, 2011); X7 (taphuan) thể hiện chủ hộ có tham gia tập huấn không (Có=1, Không=0) (Khưu Bảo Châu, 2017); X8 (hoinogndan) là chủ hộ có tham gia hội nông dân không (Có=1, Không=0) (Shi Zheng, Zhigang Wang, Titus O. Awokuse, 2012); và X9 thể hiện lợi ích khi tham gia HTX đo lường bằng thang đo Likert 5 mức. Trong đó, các biến X1, X2, X3 X5, X6, X7, X9 được kỳ vọng có tác động cùng chiều với Y.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Đặc điểm mẫu khảo sát

Kết quả thống kê mô tả và so sánh giữa 2 nhóm có tham gia và không tham gia HTX cho thấy sự khác biệt giữa 2 nhóm chủ yếu ở diện tích canh tác (mức ý nghĩa 1%). Các yếu tố còn lại là sự khác biệt không có ý nghĩa về mặt thống kê. Điểm đáng lưu ý là trình độ học vấn của đáp viên khá thấp chỉ nằm trong khoảng cấp 1 và cấp 2, trong khi kinh nghiệm trồng lúa rất cao (khoảng 26 năm). Đặc điểm này phù hợp với thông tin từ các cuộc khảo sát lớn như Bộ số liệu Điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê và phản ánh đúng đặc điểm của đối tượng khảo sát. Do đó, những phân tích trong bài sẽ mang tính đại diện cho tổng thể. (bảng 1)

Bảng 1. Thống kê mô tả đặc điểm kinh tế - xã hội của đáp viên giữa 2 nhóm

Khổng Tiến Dũng

Ghi chú: (***), (**) và (*) có ý nghĩa thống kê ở các mức 1%, 5% và 10%; (ns) không có ý nghĩa thống kê

Nguồn: Kết quả điều tra năm 2020

Thực tế cho thấy, đa phần nông dân rất khó tiếp cận được với kỹ thuật bởi rào cản trong trình độ học vấn, một phần là do một số nông hộ đã quen với kinh nghiệm từ lâu đời nên không quen với việc tiếp cận kỹ thuật tiên tiến. Việc tham gia tập huấn là một trong những phương pháp cần thiết trong quá trình sản xuất nông nghiệp, khi tham dự tập huấn sẽ giúp cho nông hộ trau dồi thêm kiến thức bổ ích về kinh nghiệm sử dụng lượng phân, thuốc nông dược sao cho đạt được tối thiểu hóa chi phí và đảm bảo nâng cao năng suất nông sản cho hộ nông dân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi tham gia vào HTX, nông dân có cơ hội được tập huấn nhiều hơn (85% có tham gia tập huấn so với 32% ở nhóm không tham gia) và đây chính là một trong những lợi thế trong quá trình sản xuất.

3.2. Đánh giá những lợi ích khi tham gia hợp tác xã (bảng 2)

Bảng 2. Phân tích những lợi ích xã viên nhận được khi tham gia HTX

Khổng Tiến Dũng

Nguồn: Kết quả điều tra năm 2020

Khi tham gia vào HTX, phần lớn xã viên nhận thấy thu nhập của bản thân cao hơn trước, họ đánh giá rất cao với mức cảm nhận rất hài lòng (giá trị trung bình là 4,21/5). Ngoài ra, xã viên còn được tiêu thụ nông sản với giá cả tốt. Bên cạnh đó, xã viên khi tham gia HTX còn được tập huấn về kỹ thuật sản xuất và được cung cấp giống chất lượng tốt. Được tiếp cận nhiều kỹ thuật sản xuất mới và bán được nông sản dễ dàng hơn là 2 nhân tố khiến xã viên thấy rất hài lòng, với giá trị trung bình bằng nhau là 4,22.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn nông dân cho rằng thu nhập của họ tăng lên khi tham gia HTX (80%) và có cơ hội bán được nông sản dễ dàng hơn (83%). Ngoài ra, nhận định của họ ở đây cũng phù hợp với nội dung thống kê mô tả khi 86% cho rằng họ nhận được tiếp cận kỹ thuật mới khi tham gia HTX. Chỉ một số ít đáp viên không hài lòng hoặc chưa quan tâm đến các chỉ tiêu này. Bên cạnh đó, việc tham gia HTX còn giúp họ được tiếp cận nguồn giống tốt. Tóm lại, người dân thực sự hài lòng với các lợi ích mà HTX đem lại, mức hài lòng chung là 4,15. Đây là một mức độ khá cao mà xã viên dành cho HTX. Đối với các lợi ích, kỳ vọng về thu nhập tăng thêm khi tham gia HTX là nhiều nhất. Qua kết quả ta thấy, tiếp cận được kỹ thuật sản xuất mới và bán được nông sản dễ dàng hơn là 2 nhân tố khiến xã viên hài lòng nhất trong các lợi ích được đề ra. Qua khảo sát, người dân rất yên tâm khi được HTX tìm kiếm thị trường tiêu thụ. HTX đã tích cực tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, từng bước xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo tiêu chuẩn chất lượng, giúp kết nối, tiêu thụ nông sản cho xã viên.

3.3. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia hợp tác xã

Hệ số phóng đại phương sai VIF của các biến đều nhỏ hơn 5 cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình nghiên cứu. Kết quả ước lượng mô hình Logit được trình bày trong Bảng 3.

Bảng 3. Kết quả ước lượng theo mô hình Logit

Khổng Tiến Dũng

Ghi chú: (***), (**) và (*) có ý nghĩa thống kê ở các mức 1%, 5% và 10%; (ns) không có ý nghĩa thống kê; (1)Số quan sát trong mô hình chỉ bao gồm các nông hộ chưa tham gia HTX

Nguồn: Kết quả điều tra năm 2020

Giá trị kiểm định Chi-square = 0,0631<0,1 cho thấy, mô hình phù hợp với mức ý nghĩa 10%. Hệ số hồi quy cho thấy nếu các hộ có diện tích càng lớn xác suất mong muốn tham gia HTX càng thấp. Trong khi đó, nông hộ có kinh nghiệm càng cao, xác suất mong muốn gia nhập HTX càng nhiều. Kết quả nghiên cứu này trái với kỳ vọng đối với biến diện tích nhưng phù hợp với kết quả nghiên cứu trước đây của Shi Zheng và cộng sự (2012) và Shi Zheng, Zhigang Wang, Shunfeng Song (2011). Những nông dân có kinh nghiệm lâu dễ dàng nhận thấy lợi ích của việc hợp tác thông qua HTX, trong khi các hộ có diện tích lớn còn e ngại do quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn sinh kế của họ. Kết hợp với nội dung phân tích ở trên, nghiên cứu này đề nghị cần có các giải pháp để đổi mới hình thức và hoạt động của HTX để thu hút nông dân tham gia, thực hiện đúng bản chất của HTX mà Liên minh HTX quốc tế và Tổ chức lao động Quốc tế đã khuyến cáo “HTX là tổ chức tự chủ của các cá nhân liên kết với nhau một cách tự nguyện, nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hóa, thông qua một doanh nghiệp được sở hữu chung và được kiểm soát một cách dân chủ”.

4. Kết luận và hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu về nhận thức và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia HTX cho thấy sự khác biệt chính ở 2 nhóm nông hộ có tham gia và không tham gia HTX là diện tích và số lần được tập huấn cũng như việc tham gia các tổ chức địa phương như hội nông dân. Điểm thú vị của kết quả nghiên cứu cũng chính  là yếu tố diện tích cản trở xác suất các hộ chưa tham gia HTX mong muốn tham gia HTX trong thời gian tới. Điều này phản ánh tình hình thực tế trong thời gian vừa qua đối với hoạt động và mức độ tham gia HTX tại các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL còn thấp và chưa thật sự hiệu quả. Từ kết quả nghiên cứu trên, để thúc đẩy việc tham gia vào HTX của nông hộ, các nhà làm chính sách cần ưu tiện thực hiện những giải pháp bao gồm: (i) tuyên truyền đến người dân những lợi ích khi tham gia HTX, giới thiệu các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả thông qua các lớp bồi dưỡng tập huấn ngắn hạn và các địa phương cần phải xác định nhu cầu thật sự của người dân mong muốn khi tham gia HTX; (ii) mỗi HTX cần được bố trí, sắp xếp lại tổ chức hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn lợi ích của thành viên với lợi ích của HTX, tạo động lực khuyến khích để thành viên gắn bó lâu dài; (iii) Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX bằng cách thành lập các HTX có thương hiệu riêng của tỉnh (ví dụ các HTX chuyên các sản phẩm OCOP), đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng; (iv) HTX liên kết với doanh nghiệp bằng hình thức đại lý tiêu thụ sản phẩm, vật tư đến việc bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Thông qua đó, HTX có thể liên kết với doanh nghiệp để mua đầu vào (vật tư nông nghiệp, giống, chuyển giao công nghệ), đồng thời để doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra với hợp đồng thỏa thuận với giá và phương thức thanh toán có lợi cho xã viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Atmiş, E., Günşen, H. B., Lise, B. B., & Lise, W., (2009). Factors affecting forest cooperative's participation in forestry in Turkey. Forest Policy and Economics, 11(2), 102-108.
  2. Awotide, Diran Olawale. (2012). Assessment of women’s participation in cooperative societies and its determinants in Yewa North local government area of Ogun state, Nigeria". Asian Journal of Agriculture and Rural Development. 2.393-2016-23836, 344-350.
  3. Khưu Bảo Châu, (2017). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long. Luận văn Thạc sĩ. Đại học Cần Thơ.
  4. Liu Yu Xiang và John Sumelius, (2007). Analysis of the Factors of Farmers Participation in the Management of Cooperatives in Finland. Joural of Rural Cooperation.
  5. Shi Zheng, Zhigang Wang, Titus O. Awokuse. (2012). Determinants of producer’s participation in Agricultural cooperatives: Evidence from Northern China. Applied Economic Perspectives and policy, 34(1), 167-186.
  6. Shi Zheng, Zhigang Wang, Shunfeng Song, (2011). Farmers’ behaviors and performance in cooperatives in Jilin Province of China: A case study. The Social Science Journal. 48, 449-457.

FACTORS AFFECTING THE DECISION OF FARMER HOUSEHOLDS IN HAU GIANG PROVINCE TO TAKE PART IN COOPERATIVES

Ph.D Khong Tien Dung 1

Master. Nguyen Do Nhu Loan 2

Master. Do Thi Hoai Giang 1

1 Faculty of Economics, Can Tho University

2 Faculty of Rural Development, Can Tho University

Abstract:

This study analyzed the perception and the factors affecting the decision of farmer households in Hau Giang Province to take part in cooperatives. Likert scale, t-test and Logit model were employed for analysis in this study. The results show that there are differences in experience, area, training and association between the two groups of farmer households. The Logit model reveals that there are two factors affecting the decision of farmer households to take part in cooperatives including area and experience. A number of policy implications are proposed to encourage more farmer households to join cooperatives.

Keywords: cooperative, Hau Giang Province, perception, the decision to take part in.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]