Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng và chuyện thao túng chính trường nước Mỹ

Trước nay, người ta vẫn biết chuyện sản xuất vũ khí cùng các phương tiện phục vụ chiến tranh luôn là ngành công nghiệp “siêu lợi nhuận” ở Mỹ. Bên cạnh “bạn hàng” khổng lồ là Lầu Năm Góc, các tập đoàn

Lockheed Martin- Tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Mỹ.

Theo các số liệu thống kê chuyên môn, chỉ trong quý I/2006, lợi nhuận của Lockheed Martin đã tăng ít nhất 60% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 591 triệu USD, doanh  thu đạt 9,2 tỉ USD. Cũng như các nhà thầu quân sự khác, Lockheed Martin đang được hưởng lợi từ mức chi kỷ lục của Chính phủ Mỹ dành cho quốc phòng, trong đó, đáng chú ý nhất là dành cho các hoạt động ở Iraq, Afghanistan… Trước tình hình thuận lợi, Lockheed Martin đã nâng dự báo lợi nhuận năm 2006 từ 4,50-4,75 USD/cổ phiếu lên 4,65-4,85 USD/cổ phiếu và đạt doanh thu 38-39,5 tỉ USD.

Vào năm 1950, ông Charles Wilson-Tổng Giám đốc hãng xe hơi Genaral Motors được bổ nhiệm làm Bộ trưởng quốc phòng dưới thời tổng thống Dwight Eisenhower. Ông Dwight Eisenhower đã phản ứng lại những người chỉ trích, cho rằng ông và Genaral Motors có quá nhiều quyền lực: “cái gì tốt cho Genaral Motors thì cũng tốt cho nước Mỹ”. Song hiện nay, Lockheed Martin lại chính là nhà thầu quân sự lớn nhất thế giới (với khoảng 135.000 nhân viên, giá trị thị trường 33,35 tỉ USD, đứng thứ 52 trong bảng xếp hạng 500 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ năm 2006), được hình thành từ năm 1995 bởi cuộc “hôn nhân” giữa Lockheed Martin với Martin Marietta, Loral Defense và một số công ty công nghiệp quốc phòng khác.

Trong những năm gần đây, Lockheed Martin cùng các đồng minh trong ngành sản xuất vũ khí luôn luôn “ăn nên làm ra” nhờ sự ưu ái của chính phủ liên bang dưới hình thức trợ cấp đặc biệt và các hợp đồng béo bở, trong đó có xuất khẩu vũ khí và chuyển giao công nghệ quốc phòng. Người ta vẫn thường nhắc lại câu nói của Charles Wilson với một dấu hỏi: “Phải chăng cái gì tốt cho Lockheed Martin cũng tốt cho nước Mỹ”?

Có lẽ cần phải “gạch đầu dòng” rằng: Vào thời của cựu Tổng thống Bill Clinton, Bộ trưởng quốc phòng Les Aspin và Thứ trưởng William Perry từng khuyến khích các công ty công nghiệp quốc phòng liên kết và sáp nhập lại với nhau. Khi đó, chính Lầu Năm Góc cam kết tài trợ một phần cho các vụ sáp nhập trong ngành công nghiệp quốc phòng bằng cách cung cấp chi phí vận chuyển thiết bị, tháo dỡ nhà máy và cả ban thưởng cho giới lãnh đạo… Ông Norman Augustine-Tổng giám đốc Martin Marietta đã từng nhận được số tiền 8,2 triệu USD tiền thưởng trong vụ sáp nhập giữa Lockheed và Martin Marietta.

Còn Trung tâm thương mại vũ khí có cơ sở trụ tại New York (Mỹ), cũng nhờ có sự  “chiếu cố” của Lầu Năm Góc mà mỗi năm, Lockheed Martin kiếm được 105 USD từ mỗi người Mỹ đóng thuế và 228 USD từ mỗi hộ gia đình. Vào năm 2001, Tập đoàn Lockheed Martin được trao hợp đồng lớn nhất thế giới từ trước đến nay: Sản xuất 3.000 máy bay chiến đấu tổng hợp F-35, thế hệ tối tân nhất của loại máy bay tiêm kích-cường kích, theo đơn vị đặt hàng của Lầu Năm Góc với các nước khác với trị giá trên 200 tỉ USD. Năm 2003, vận may lại “mỉm cười” với Lockheed Martin khi không lực Mỹ quyết định trừng phạt hãng chế tạo máy bay Boeing vì đã tiến hành hoạt động tình báo công nghiệp chống lại đối thủ. Kết quả, Boeing bị thu hồi hợp đồng trị giá 1 tỉ USD cũng để trao lại cho Lockheed Martin. Ngoài ra, Lockheed Martin cũng được ưu ái trong các hợp đồng xuất khẩu vũ khí. Năm 2003, với khoản vay 3,8 tỉ USD từ chính phủ Mỹ, Ba Lan đã mua 48 máy bay chiến đấu F-16 của Lockheed Martin trị giá không dưới 3,5 tỉ USD.

Những cuộc đi đêm bạc tỉ đô la

Để có được những hợp đồng béo bở, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng như Lockheed Martin, Boeing… luôn phải sử dụng các mối quan hệ “đi đêm” với Điện Capitol để ép Lầu Năm Góc mua vũ khí, thậm chí không hề nằm trong yêu cầu ngân sách ban đầu. Chẳng hạn như trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Bill Clinton (1996-2000). Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrch đã dành cho Lockheed  Martin sự ưu ái bởi tập đoàn này có nhà máy gần Meretta, bang Georgia. Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện Dick Gephardt lại tích cực tìm kiếm hợp đồng cho Boeing vì đây là hãng tạo nhiều công ăn việc làm nhất ở quận St. Louis quê hương ông.

Từ năm 1994, khi Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế ở cả thượng viện lẫn hạ viện, mỗi năm, Quốc hội Mỹ đã phải chi bổ sung hàng tỉ USD ngoài yêu cầu của Bộ Quốc phòng. Theo Trung tâm Đánh giá ngân sách và Chiến lược, một cơ quan nghiên cứu chính sách công độc lập có trụ sở tại Washington, Điện Capitol đã phải chi bổ sung tổng cộng 20 tỉ USD cho Lầu Năm Góc trong những năm 1996-1998. Trong đó, ít nhất 3/4 số tiền này được đổ vào các dự án chế tạo vũ khí chỉ làm lợi cho ngành công nghiệp quốc phòng. Điển hình như từ năm 1978 đến năm 2000, không quân Mỹ chỉ đề nghị mua tổng cộng 5 máy bay vận tải C-130 do Lockheed Martin sản xuất, nhưng Quốc hội đã mua đến 256 chiếc, một con số kỷ lục trong lịch sử tiêu tiền của Chính phủ. Thượng nghị sĩ John McCain có lần còn cho rằng, Quốc hội Mỹ đã mua quá nhiều máy bay dư thừa đến nỗi số này “có thể làm nhà ở cho hầu hết những người vô gia cư ở Mỹ”. Đa phần số máy bay trên được trang bị cho lực lượng vệ binh quốc gia tại các bang của các thành viên chủ chốt trong Quốc hội. Ví dụ như trong 20 chiếc C-130 mà Quốc hội Mỹ đã bổ sung vào ngân sách trong những năm cuối thế kỷ XX, hơn một nửa được đưa vào căn cứ không quân Kessler ở bang Mississippi của lãnh đạo phe đa số tại thượng viện khi đó là Trent Lott. Cũng lưu ý rằng, C-130 chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều những món hàng không cần thiết mà các thành viên Quốc hội Mỹ đã cố nhồi nhét vào Lầu Lăm Góc.

Một chuyện khác đáng kể nhất như vào năm 1998, Thượng nghị sĩ Trent Lott yêu cầu đặt mua một hàng không mẫu hạm trị giá 1,5 tỉ USD. Lý do là vì nó được đóng tại Pascagoula, thành phố quê hương ông. Và đổi lại, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng đã tài trợ hoàn toàn cho buổi tiệc xa xỉ mà Trent Lott tổ chức hồi năm 2000 tại khuôn viên Đại học Drexel nhằm thết đãi khoảng 1.500 người ủng hộ. Riêng Lockheed Martin đã chi 60.000 USD cho buổi tiệc ấy, ngoài ra,  còn cam kết dành tặng 1 triệu USD cho “viện lãnh đạo Trent Lott” đặt tại trường Đại học Mississippi.

 Nói chung, khi bắt tay với các tập đoàn công nghiệp quốc phòng, các vị trong nghị viện Mỹ luôn có được 2 cái lợi. Thứ nhất, nâng cao uy tín vì giải quyết công ăn việc làm và trang bị vũ khí tối tân (dù không cần thiết) cho bản thân. Thứ hai, được số tiền ủng hộ lên tới hàng triệu USD trong các chiến dịch vận động tranh cử của họ. Ví dụ, vào năm 1997, Lockheed Martin đóng góp cho Đảng Dân chủ 233.000 USD, cho Đảng Cộng hòa 434.000 USD, còn Boeing là 293.000 USD và 501.000 USD.

Không chỉ làm thân  với Điện Capitol, các hãng sản xuất vũ khí còn ve vãn các nhân vật chóp bu của Nhà Trắng. Tổng thống George Bush có mối quan hệ mật thiết với Lockheed Martin từ khi ông còn là Thống đốc bang Texas. Phó chủ tịch Lockheed Martin Bruce Jackson từng phụ trách tài chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Bush. Trong giai đoạn 1998-2004, chỉ riêng bản thân ông Bush đã nhận tổng cộng 5,4 triệu USD đóng góp từ các nhà thầu quân sự. Còn Phó tổng thống Dick Cheney có 5 năm làm Tổng giám đốc Halliburton, là một trong những nhà thầu hàng đầu của Lầu Năm Góc. Sau khi từ chức năm 2000 để liên danh tranh cử với ông Bush, Cheney tiếp tục nhận được 1 triệu USD/năm từ Halliburton. Trợ lý của ngài phó tổng thống giải thích, đây là tiền “trợ cấp trả chậm” do ông Cheney không chịu nhận trợ cấp “cả gói” khi rời Halliburton. Thế nhưng, người ta vẫn nghi ngờ mối liên hệ giữa khoản tiền này với các hợp đồng khổng lồ mà Halliburton nhận được trong việc tái thiết Iraq (nhiều hợp đồng không phải qua đấu thầu). Trong 5 năm ông Cheney làm nhân vật số 2 nước Mỹ, giá trị các hợp đồng Halliburton nhận từ chính phủ đã tăng gần gấp đôi. Đổi lại, số tiền Halliburton đóng góp cho các chính đảng tăng hơn 2 lần lên 1,2 triệu USD, trong đó chủ yếu cho các ứng viên Đảng Cộng hòa.

Công nghiệp quốc phòng Mỹ và sự chi phối các chính sách đối ngoại của Washington

Bên cạnh việc “tranh thủ” Quốc hội Mỹ ép Bộ Quốc phòng mua vũ khí và trang thiết bị quốc phòng, các nhà thầu quân sự còn góp phần định hình chính sách đối ngoại của Mỹ như việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với một số nước Mỹ La tinh hay kế hoạch mở rộng khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều có bàn tay của các tập đoàn này. Trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, các công ty Mỹ chiếm 40-50% thị trường vũ khí toàn cầu. Để tiếp tục mở rộng thị phần, họ đã xác định là phải tác động vào chính sách của chính quyền Mỹ. Do vậy, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng đã thành công trong việc vận động Washington dỡ bỏ lệnh cấm bán máy bay chiến đấu hiện đại cho các nước Mỹ La tinh kéo dài trong 20 năm. Năm 2006, các công ty này đã thông qua Bộ trưởng Bộ Quốc phòng William Perry đề nghị chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, đồng thời đưa máy bay F-16 của Không lực Mỹ tham dự hội chợ hàng không ở Santiago (Chilê). Trước khi diễn ra hội chợ, Lầu Năm Góc đã sắp xếp cho một vài vị tướng Brazil lái thử máy bay F-16 của vệ tinh quốc gia Puerto Rico. Song song đó, họ còn vận động 38 thượng nghị sĩ và 78 hạ nghị sĩ viết thư cho Ngoại trưởng Warren Christopher yêu cầu ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận. Tờ Time (Mỹ) gọi đây là “bức thư hơn triệu USD”, đổi lại, các ông này được nhận hơn 1 triệu USD từ các công ty sản xuất vũ khí. Ngoài ra, trong việc mở rộng khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), vai trò của các nhà thầu quân sự không phải là thay đổi chính sách mà “gia cố” cho một quyết định còn gây nhiều tranh cãi. Chính quyền Tổng thống Bill Clinton chủ trương mở rộng NATO với các lý do như: củng cố cải cách dân chủ ở Trung và Đông Âu, tìm thêm đồng minh để gìn giữ hòa bình ở Bosnia và các điểm nóng khác… Tuy nhiên, điều đó chưa đủ sức thuyết phục Quốc hội và công luận Mỹ, bởi mở rộng NATO cũng đồng nghĩa với việc Mỹ phải chi rất nhiều tiền của trang bị vũ khí cho các thành viên mới. Thế là các nhà thầu quân sự quyết định vào cuộc. Lockheed Martin đã cử Phó chủ tịch Bruce Jackson làm Chủ tịch Ủy ban về mở rộng NATO của Mỹ-tổ chức vận động hành lang chuyên tài trợ cho các chiến dịch quảng cáo, các cuộc họp báo, diễn thuyết, các bài viết cổ súy việc mở rộng NATO. Vào năm 1997, Ủy ban này còn cho tổ chức một buổi tiệc mà tại đó, ngoại trưởng Madeleine Albright làm thuyết khách về vấn đề mở rộng NATO trước 12 thượng nghị sĩ.

Bernard Schwartz, thành viên hội đồng quản trị của Lockheed Martin, cũng được mời dự. Schwartz là cá nhân đóng góp nhiều nhất cho Đảng Dân chủ trong mùa bầu cử 1995-1996 nên sự hiện diện của ông này ngầm “nhắc nhở” ông nghị rằng ủng hộ mở rộng NATO là làm nặng hầu bao một cách hiệu quả nhất. Vài tuần sau buổi tiệc đó, Schwartz đã gởi tấm sec trị giá 50.000 USD cho ủy ban vận động tranh cử vào thượng nghị viện của Đảng Dân chủ. Kết quả là đầu năm 1998, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua việc mở rộng NATO.

Không chỉ vận động quốc hội Mỹ, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng còn tìm cách tiếp cận chính phủ các nước muốn mở rộng thành viên NATO. Giới lãnh đạo nhiều nước đã bị họ “dụ dỗ” rằng, mua vũ khí Mỹ là cách tốt nhất để nhận được sự ủng hộ của Washington trong việc gia nhập tổ chức này. Đặc biệt trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ vào Iraq, người ta cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của các nhà thầu quân sự Mỹ mà đơn cử như Halliburton. Việc bom đạn Mỹ phá hủy cơ sở hạ tầng ở Iraq đã mang lại cho tập đoàn này các hợp đồng tái thiết lên tới 6 tỉ USD, mà phần lớn là nhờ mối quan hệ giữa họ với Phó tổng thống Dick Cheney…

  • Tags: