Bộ Công Thương tổng kết Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006- 2010

Hôm nay, ngày 15/12/2010, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức tổng kết Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006- 2010 và thực hiện Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm đi

Tiết kiệm hơn 4.000 triệu kWh

Sau 5 năm triển khai rộng khắp, có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Công Thương và các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chương trình đã thu được những thành công đáng khích lệ.
Trong các năm 2006-2010, kết quả tiết kiệm điện của các tỉnh, thành phố đạt được 4.093 triệu kWh, bằng 127% so với kế hoạch (bằng khoảng 1,4% tổng thương phẩm), tập trung vào các lĩnh vực sử dụng điện chủ yếu là ở các công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất – kinh doanh, sinh hoạt và dịch vụ. Năm 2010, ước tiết kiệm đạt được khoảng 1.183 triệu kWh (đạt 142% so với kế hoạch), bằng 1,41% điện thương phẩm.

Các chỉ số này càng đặc biệt có ý nghĩa bởi những năm gần đây, do điều kiện thủy văn khắc nghiệt, khô hạn kéo dài gây khó khăn cho nguồn điện. Bên cạnh đó, giai đoạn 2006-2010 phụ tải tiếp tục tăng cao về sản lượng, với tốc độ tăng nhu cầu điện hàng năm là 13,7%, tăng 2 lần so với tăng trưởng GDP. Điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2010 ước là 981 kWh/người/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2005.

Đạt được những thành công này là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ phía Bộ Công Thương. Bộ đã ban hành các chỉ thị và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cân đối và đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chương trình tiết kiệm điện, tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng. 

Triển khai đồng bộ ở đơn vị và địa phương 

Trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đã hoàn thành khảo sát hơn 500 doanh nghiệp trọng điểm, phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức kiểm toán năng lượng cho hơn 300 doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện các mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các doanh nghiệp (ISO 50001); Biên soạn và hoàn thiện tài liệu đào tạo cán bộ quản lý năng lượng; Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghiệp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Giai đoạn 2006- 2009, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường Chất lượng đã hoàn thiện 17 tiêu chuẩn (TCVN) về tiết kiệm năng lượng điện để cụ thể hóa các tiêu chuẩn, hiệu suất tiết kiệm điện. Các dòng sản phẩm bóng đèn compact, balats điện tử, quạt điện, chóa đèn chiếu sáng đường phố, điều hòa không khí, tủ lạnh, động cơ điện không đồng bộ 3 pha đã được chuẩn hóa bằng TCVN. Ngoài việc công nhận và cho dán nhãn Năng lượng đèn huỳnh quang T8, T5, chấn lưu sắt từ, chóa đèn chiếu sáng hiệu suất cao và đèn compact, Bộ đã hộ trợ các doanh nghiệp sản xuất nâng cao chất lượng các sản phẩm tiết kiệm điện. Các chương trình hỗ trợ các nhà sản xuất nâng cao sản lượng đèn compact để dần dần thay thế đèn sợi đốt. Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2009, các nhà sản xuất trong nước tiêu thụ tại thị trường nội địa hơn 35,3% triệu bóng đèn compact các loại. Mạng lưới phân phối đèn compact của EVN đã bán được gần 3 triệu bóng đèn compact. Song song với nó là thực hiện các dự án thí điểm thay thế đèn có công suất phù hợp với hệ thống chiều sáng dân lập (tại TP.Hồ Chí Minh tính đến cuối năm 2010, đã thay được 75.000/143.000 bộ đèn chiếu sáng dân lập).

Bộ Công Thương cũng triển khai mạnh mẽ việc tuyên truyền phổ biến sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Năm 2010, tiếp tục phối hợp với EVN đẩy mạnh chương trình phổ biến thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời với kinh phí hỗ trợ dự kiến là 23 tỷ đồng, trong đó, kinh phí của EVN là 20 tỷ đồng.

Có thể nói, Chương trình Tiết kiệm điện giai đoạn 2006- 2010 đã triển khai thành công, góp phần giảm căng thẳng về thiếu điện trong giai đoạn 2006- 2010, việc triển khai thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện theo quy định tại Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được các địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Trong giai đoạn tới, các ưu tiên tiết kiệm sẽ tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, khối văn phòng, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thụ hưởng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách, tòa nhà thương mại. Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Vụ trưởng Vụ Khoa hoc công nghệ - Bộ Công Thương nhấn mạnh vai trò chủ chốt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tiếp theo, các tập đoàn kinh tế cũng cần chủ động hơn nữa để tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm điện, nhằm giảm suất tiêu hao trên đơn vị sản phẩm, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, xi măng, khai khoáng, đóng tàu, hóa chất...