Theo số liệu thống kê năm 2020 của Chi Cục Thuỷ sản Thái Bình, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 260 nghìn tấn; tăng 6,53% so với năm 2019. Giá trị sản xuất thủy sản vượt mức kế hoạch đề ra, ước đạt 5.300 tỷ đồng (giá cố định năm 2010) tăng 6,51% so với năm 2019. Trong đó, giá trị khai thác thuỷ sản ước đạt gần 1.400 tỷ đồng; tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019; giá trị nuôi trồng thuỷ sản ước đạt gần 3.900 tỷ đồng; tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhận thấy, việc nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ trọng giá trị cao cho địa phương, Chi Cục Thuỷ sản đã chủ động phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đa dạng hình thức, đối tượng nuôi. Trong đó, Chi Cục Thuỷ sản xác định tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao là những đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) của Thái Bình đạt hơn 15.700 ha.
Bên cạnh đó, Chi Cục Thuỷ sản đã làm chủ quy trình và công nghệ sản xuất giống thủy sản, đặc biệt với các đối tượng chủ lực với giá trị sản xuất giống ước đạt 92,25 tỷ đồng. Năm 2020, sản lượng giống thủy sản sản xuất đạt hơn 15.500 triệu con, trong đó: ngao chiếm tỷ trọng cao nhất là (13,6 tỷ) 13.600 triệu, sò huyết 10 tỷ, hàu 756 triệu và cá chép là 87 triệu; rô phi 30 triệu (trong đó có 3,55 triệu rô phi hương)…
Song song với đó, Chi Cục Thuỷ sản thực hiện triển khai có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nhằm cảnh báo sớm cho các tổ chức, cá nhân và các địa phương chủ động trong sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Thời gian qua, Chi Cục Thuỷ sản đã thực hiện công tác điều tra thực trạng mật độ ngao nuôi bãi triều ven biển Thái Bình, rà soát quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 40 xã có vùng chuyển đổi tập trung, nuôi cá lồng trong tỉnh. Mặt khác, thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Chi Cục Thuỷ sản đã xác định nhu cầu, vị trí sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi Cục Thuỷ sản Thái Bình cho rằng, thời gian tới, việc khai thác thủy sản được ưu tiên phát triển theo hướng hiện đại, tăng cường khai thác xa bờ, nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời đẩy mạnh việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, xây dựng nghề cá phát triển bền vững. Cũng theo ông Giang, việc khai thác đi kèm với bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản là mục tiêu kép của Chi Cục Thuỷ sản.
Hàng năm, vào ngày truyền thống nghề cá Việt Nam (01/4/1959-01/4/2020), Chi cục Thuỷ sản Thái Bình đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ Thả giống thuỷ sản ra các vùng nước tự nhiên trong tỉnh. Năm 2020, Chi Cục Thuỷ sản tổ chức thả 3 đợt. Đợt 1 tại Cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, đợt 2 tại bờ sông Trà Lý, thành phố Thái Bình và đợt 3 diễn ra tại bờ Sông Hồng, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư. Số lượng của cả ba đợt lên tới hơn 320.000 con, trong đó các giống thả là cá Trắm: 7.000 con, cá Chép: 7.500 con, cá Trôi: 9.200 con, cá Vược: 2.000 con, Tôm Sú: 300.000 con…
Năm 2021, Chi cục Thủy sản Thái Bình đã xây dựng Chương trình công tác tuyên truyền, phát động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản thông qua hai đợt thả giống tái tạo. Số lượng con giống được Chi Cục Thuỷ sản thả hai đợt là 204.780 con. Theo đó, đợt 1, Chi Cục Thuỷ sản tổ chức thả cá trắm đen số lượng 1.600 con, cá Chép số lượng 1.700 con. Đợt 2, tại Cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Chi Cục Thuỷ sản tổ chức thả tôm Sú số lượng 200.000 con, cá Vược số lượng 1.480 con.
Qua những hoạt động thả giống thủy sản vào môi trường tự nhiên hướng tới mục tiêu khôi phục, phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi Cục Thuỷ sản đã đồng thời tuyên truyền cho người dân địa phương về việc bảo vệ, phát triển các nguồn lợi thủy sản, không buôn bán, đánh bắt thủy sản bằng chất nổ, xung điện, thực hiện nghiêm Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản.