Kết hợp rfid và blockchain để xây dựng mô hình hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long

NGUYỄN AN PHÚ - LÊ THỊ CẨM TÚ - NGUYỄN THỦY TIÊN (Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng)

TÓM TẮT:

Thủy sản là mặt hàng đóng vai trò chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị gia tăng mặt hàng thủy sản của Việt Nam hiện nay vẫn thấp do sự cạnh tranh gay gắt trước tác động hội nhập kinh tế quốc tế cũng như vấn đề khai thác thủy sản quá mức, khai thác bất hợp pháp và nuôi trồng thiếu kiểm soát. Để cải thiện chuỗi giá trị thủy sản, xây dựng uy tín, thương hiệu ngành Thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, chúng ta phải giảm sản lượng khai thác, tăng diện tích nuôi biển và xây dựng, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản. Kết hợp kinh nghiệm nước ngoài và tình hình thực tế ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình kết hợp công nghệ RFID và blockchain để xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Mô hình sẽ được thí điểm tại một số khu vực tại đồng bằng sông Cửu Long trước khi áp dụng cho toàn quốc.

Từ khóa: RFID, blockchain, thủy sản, truy xuất nguồn gốc.

1. Tổng quan tình hình thủy sản Việt Nam và tính tất yếu của việc kết hợp RFID và blockchain để xây dựng mô hình hệ thống truy xuất nguồn gốc

Trong cơ cấu thị trường hàng xuất khẩu của Việt Nam, thủy sản là một trong các mặt hàng chủ lực đóng góp tích cực cho việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện để giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong nước. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam là nơi có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi về môi trường, địa lý và ngày càng quan trọng đối với thị trường thế giới về việc cung ứng các sản phẩm thủy sản như cá tra, cá basa, tôm nước lợ, cá ngừ, mực, bạch tuộc. Tuy vậy, thủy sản Việt Nam hiện nay có giá trị gia tăng thấp, đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trước tác động của hội nhập kinh tế quốc tế (WTO, CPTTP, FTA, cách mạng công nghiệp 4.0).

Ngày 23/10/2017, Việt Nam bị thị trường châu Âu (EU) phạt thẻ vàng liên quan đến các hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing - IUU) (1). Khi bị thẻ vàng, toàn bộ 100% lô hàng thủy sản khai thác của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu đều phải chịu kiểm tra với thời gian từ 15 - 20 ngày dẫn đến hiệu quả giảm, giá trị xuất khẩu giảm, kéo theo thị phần giảm. Điều này khiến cho EU từ thị trường nhập khẩu thứ 2 của thủy sản Việt Nam đã xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc) (2). Nếu không giải quyết được vấn đề này, thủy sản Việt Nam có nguy cơ bị thẻ đỏ từ phía EU và sẽ bị cấm xuất khẩu sang EU. Theo đó, ngành Thủy sản Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn về uy tín và thương hiệu, việc xuất khẩu mặt hàng này sang nhiều thị trường khác cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tại thị trường EU chỉ đạt 1,35 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước (3). Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu của nước ta chỉ đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018 (4).

Dù đã có nhiều cố gắng, hợp tác từ Chính phủ, Quốc hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các hiệp hội lẫn các doanh nghiệp khai thác thủy sản trên cả nước, nhưng Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (European Commission - EC) vẫn chưa chấp nhận gỡ thẻ vàng sau khi làm việc tại Việt Nam vào tháng 5/2018(5). Tuy vậy, sau hơn 2 năm kể từ ngày bị rút thẻ vàng, ngành Thủy sản Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực, thực hiện các biện pháp khắc phục nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” và được EC đánh giá cao, ghi nhận những kết quả này trong lần kiểm tra lần thứ 2 về việc “thực hiện các khuyến nghị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” từ ngày 5 đến 14/11/2019. Trưởng đoàn kiểm tra của EC - Bà Voronika Veits thừa nhận, bà và các thành viên trong đoàn rất ấn tượng với những kết quả Việt Nam đã đạt được trong thực hiện các khuyến nghị của EC (6). Tuy nhiên, việc chấm dứt hoàn toàn khai thác IUU cần nhiều thời gian, đặc biệt là quyết tâm và sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ với EC và các quốc gia thành viên.

Ngoài ra, thủy sản Việt Nam đang bị khai thác quá mức. Hiện nay, Việt Nam đang có 96.609 chiếc tàu cá với tổng công suất trên 10 triệu CV, khai thác 3,1 - 3,2 triệu tấn/năm trong khi trữ lượng tiềm năng trung bình của thủy sản Việt Nam chỉ vào khoảng 4,7 triệu tấn. Tình trạng sử dụng các nghề, ngư cụ có tính tận diệt nguồn lợi, như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới kéo đôi (giã cào bay), đánh bắt cá con, đánh bắt ở vùng biển ven bờ, thủy vực nội đồng, trong các khu bảo tồn biển vẫn tiếp diễn (7). Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Sản lượng và cường độ khai thác gần bờ đã vượt quá giới hạn. Khảo sát cho thấy, so với giai đoạn 2000-2005, trữ lượng hải sản tầng đáy ở vịnh Bắc Bộ hiện đã giảm 15,1%; ở Trung Bộ trữ lượng tầng đáy giảm 57,8%; vùng biển Đông Nam Bộ trữ lượng tầng đáy giảm 25,6%...”.

Trong lĩnh lực nuôi trồng thủy sản, do có lợi nhuận cao trong việc nuôi trồng thủy sản ven biển mà hình thành nhiều hiện tượng nuôi trồng thủy sản tự phát, lẻ tẻ, không theo vùng quy hoạch cụ thể gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường cũng như tổn thất nặng nề về tài chính. Hiện tượng này vẫn diễn ra ở nhiều nơi như Vũng Tàu (8), Quảng Bình (9), Quảng Ngãi (10)(11) dù đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động.

Ngoài ra, cũng do lợi nhuận mà nhiều cơ sở cá giống đã dùng kích dục tố để kích thích sinh sản, ép cá giống sinh sản 5, 6 lứa/năm dẫn đến hiệu ứng “thắt cổ chai di truyền” ở các loài thủy sản giống làm chất lượng cá giống đã xuống cấp đến mức đáng báo động như giảm tỷ lệ sống của thủy sản nuôi trồng, khả năng nhiễm bệnh tăng. Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, tỷ lệ hao hụt trong các ao nuôi cá tra hiện nay lên đến 30 - 35%, cá biệt có những ao nuôi cá tra có tỷ lệ hao hụt lên đến 40 - 50% (12). Với tỷ tệ hao hụt như vậy, năng suất và sản lượng đạt được sẽ thấp hơn nhiều so với dự kiến, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ nuôi trồng thủy sản.

Trước tình hình đó, vấn đề cấp thiết hiện nay của thủy sản Việt Nam là phải chuyển từ khai thác sang nuôi biển, cụ thể là giảm công suất tàu, giảm sản lượng khai thác, tăng diện tích nuôi biển áp dụng công nghệ cao; đồng thời quản lý chặt chẽ, theo quy hoạch quá trình nuôi trồng thủy sản để cải thiện chuỗi giá trị thủy sản. Muốn làm được điều đó, phải kết hợp công nghệ RFID và blockchain để xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm giúp cho việc quản lý, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của thủy sản sẽ dễ dàng hơn; đồng thời có thể kiểm soát chặt chẽ việc đánh bắt thủy sản xa bờ và quản lý hiệu quả việc nuôi trồng thủy sản. Thông qua đó sẽ tăng hiệu quả cho việc ra quyết định trong hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam nói riêng nhằm cải thiện chuỗi giá trị thủy sản, xây dựng uy tín, thương hiệu ngành Thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

2. RFID và blockchain: ưu nhược điểm của từng công nghệ

2.1. Định nghĩa

Truy xuất nguồn gốc

Là khả năng theo dõi, nhận diện được tất cả các quy trình của một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. Khách hàng sẽ biết được sản phẩm đó được làm, nuôi trồng… ở đâu, các công đoạn chế biến như thế nào.

a. RFID (Radio Frequency Identification)

RFID là hệ thống nhận dạng bằng tần số của sóng vô tuyến, bao gồm 3 bộ phận chính: thẻ RFID, đầu đọc thẻ RFID và các phần mềm vi tính. Thẻ RFID được gắn lên đối tượng cần theo dõi và có thể đính lên bất kì đối tượng nào như: vỏ hộp, đế giày, quần áo, người, động vật… Lợi ích của công nghệ RFID thể hiện rõ nhất trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm (traceability system).

b. Blockchain

Là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin (block). Các khối thông tin này hoạt động độc lập, được liên kết với nhau nhờ mã hóa và được quản lý bởi những người tham gia vào hệ thống, không thông qua trung gian. Các khối này khi đã được ghi vào hệ thống blockchain thì không thay đổi được và chỉ có thể được cập nhật, bổ sung thêm thông qua sự đồng thuận của tất cả mọi người tham gia.

Blockchain là một hệ thống ngang hàng P2P, loại bỏ tất cả mọi khâu trung gian, làm tăng cường an ninh, minh bạch và sự ổn định cũng như giảm thiểu chi phí và lỗi do con người gây ra. Bằng cách cho phép phân phối các thông tin kỹ thuật số nhưng không được sao chép, công nghệ blockchain đã tạo ra xương sống cho một loại hình internet mới.

2.2. Ưu và nhước điểm của công nghệ RFID và blockchain

a. RFID

- Ưu điểm:

Tiết kiệm thời gian xử lý dữ liệu do hệ thống RFID đã được lưu dấu và kiểm soát đối tượng ngày từ lúc bắt đầu, không tốn thời gian để sắp xếp lại.

Tiết kiệm thời gian khi muốn kiểm tra mà không cần trực tiếp tiếp xúc mặt hàng. Có thể quét cùng lúc nhiều đối tượng với tốc độ 40 thẻ / giây

Tiết kiệm chi phí do có thể tái sử dụng nhiều lần, trung bình số lần ghi xóa của một thẻ RFID là hơn 100.000 lần

- Nhược điểm:

Kính phí khá cao cho việc đầu tư và triển khai

Khó sử dụng trong môi trường kim loại do có thể bị nhiễu sóng

b. Blockchain

- Ưu điểm:

Phân tán: Cơ sở dữ liệu thường được lưu trữ một cách truyền thống thông qua một hoặc một vài máy chủ. Do đó, nếu máy chủ xẩy ra vấn đề kỹ thuật hoặc bị tấn công thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dữ liệu. Ngược lại, do khối thông tin trong blockchain hoạt động độc lập, được liên kết với nhau nhờ mã hóa và được quản lý bởi những người tham gia vào hệ thống chứ không phụ thuộc vào một hay vài cá nhân nên nếu dữ liệu của một người bị lỗi cũng không làm ảnh hưởng tới sự bảo mật của toàn hệ thống

Tính ổn định: Do khối dữ liệu khi đã được ghi vào hệ thống blockchain thì không thay đổi được và chỉ có thể được cập nhật, bổ sung thêm thông qua sự đồng thuận của tất cả mọi người tham gia nên rất khó để một cá nhân thay đổi hay chỉnh sửa dữ liệu. Do đó, mọi sự thay đổi về dữ liệu đều được theo dõi và ghi lại một cách công khai đến tất cả thành viên.

Hệ thống không cần sự tin tưởng: Trong các giao dịch truyền thống, hầu hết quá trình thanh toán đều phụ thuộc vào việc tin tưởng bên trung gian như phòng công chứng, ngân hàng, hệ thống thẻ tín dụng. Điều này sẽ làm phát sinh các chi phí như phí giao dịch, phí công chứng…. cũng như đôi lúc xảy ra rủi ro do lỗi phát sinh từ bên trung gian.  Hệ thống blockchain do có tính bảo mật và ổn định cao nên sẽ loại bỏ các chi phí trung gian phát sinh; đồng thời, loại bỏ được các rủi ro từ lỗi bên trung gian. Đó là nguyên nhân blockchain còn được gọi là Hệ thống không cần sự tin tưởng.

- Nhược điểm:

Khó sửa đổi dữ liệu: Tính ổn định của blockchain vừa là lợi thế nhưng cũng là một khó khăn trong việc sử dụng. Một khi dữ liệu đã được thêm vào thì rất khó sửa đổi. Do đó, cần sẽ mất rất nhiều thời gian cho việc thay đổi dữ liệu nếu có sai sót trong quá trình nhập liệu.

Dung lượng lưu trữ lớn: Do hệ thống blockchain không được lưu trữ thông qua một hay vài máy chủ mà được chia sẻ bởi tất cả các thành viên nên mỗi thành viên đều phải gánh vác việc lưu trữ một khối lượng cơ sở dữ liệu như nhau trên máy của cá nhân. Do blockchain ghi nhớ toàn bộ quá trình phát sinh và không thể tự ý chỉnh sửa, xóa bớt dữ liệu đã cũ nên trung bình một fullnode của blockchain cần một dung lượng khoảng 150 - 200 GB để lưu trữ. Do vậy, việc tải node và lưu trữ sẽ là vấn đề khó khăn với các cá nhân tham gia riêng lẻ.

Chìa khóa cá nhân không thể thay thế: Mỗi tài khoản blockchain sẽ có 2 cấp độ khóa tương ứng: một khóa chung để chia sẻ dữ liệu (nhưng không cho sao chép) và một chìa khóa cá nhân. Chìa khóa cá nhân này người dùng cần phải tự giữ bí mật và được sử dụng để truy cập vào tài khoản của tiền. Đây là chìa khóa duy nhất và không thể thay thế; cũng có nghĩa nếu người dùng mất chìa khóa, họ sẽ mất hết tiền và không thể làm gì để thay đổi.

3. Các ứng dụng truy xuất nguồn gốc hiện có trong và ngoài nước – Những thách thức cho việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam:

 3.1. Tình hình ứng dụng trong nước

Hiện nay, tại Việt Nam đã và đang xuất hiện khá nhiều ứng dụng truy xuất nguồn gốc nhiều lĩnh vực như truy xuất nguồn gốc thịt heo trong “dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020” (13)  hay truy xuất nguồn gốc nông sản (thanh long Bình Thuận, vải xuất khẩu Rồng Đỏ, rau hữu cơ Organic) của Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TraceVerified) (14)

3.2. Tình hình ứng dụng ngoài nước

Tại các nước phát triển trên thế giới, blockchain là một công nghệ không còn xa lạ và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Nhiều nước đã sử dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm như truy xuất nguồn gốc cà phê tại Uganda (15) , truy tìm dữ liệu chuỗi cung ứng thịt bò tại Hàn Quốc(16), hay truy xuất nguồn gốc thủy sản tại Na Uy (17).

3.3. Những thách thức cho việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam

Tuy tại Việt Nam đã và đang có nhiều ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản, thủy sản nhưng hầu hết các hệ thống này chỉ dừng lại ở mức dán mã vạch QR code với những hạn chế như: không thể tái sử dụng do không đọc ghi (Read Write - RW) được mà chỉ có thể đọc (Read only - RO); phạm vi đọc ngắn, phải vào tầm ngắm của máy mới có thể đọc, nhạy cảm với môi trường (có thể sẽ không đọc được nếu bị bụi bẩn, ánh sáng cường độ cao, bị rách nát…), tính bảo mật thấp.

Còn nếu áp dụng ứng dụng blockchain vào việc xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc hoàn chỉnh và khép kín như nhiều nước trên thế giới sẽ rất khó khăn cho Việt Nam trong tình hình hiện nay. Như ta đã biết, ứng dụng blockchain sẽ ghi nhớ toàn bộ quá trình phát sinh, không được chỉnh sửa hay xóa bỏ dữ liệu cũ, và chia sẻ toàn bộ dữ liệu cho tất cả thành viên thay vì lưu trữ trên một hoặc vài máy chủ, dẫn đến việc làm cho mỗi thành viên phải lưu trữ một dung lượng rất lớn của một full node lên tới khoảng 200 GB. Vì lí do đó, nhiều thành viên trong chuỗi cung ứng thủy sản tại Việt Nam chưa sẵn sàng nhập cuộc với một công nghệ hoàn toàn mới hoặc không đủ kinh phí để đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại đáp ứng được yêu cầu.

4. Giải pháp cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản tại Việt Nam

Trước bối cảnh tình hình thực tế và năng lực của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một giải pháp là kết hợp giữa công nghệ RFID và blockchain xây dựng mô hình hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Mô hình này là việc kết hợp giữa việc lưu trữ dữ liệu theo kiểu truyền thống qua máy chủ thông qua thẻ đọc RFID và kiểu lưu trữ chia sẻ thông tin của blockchain. Mô hình sẽ được thí nghiệm tại một số khu vực trên đồng bằng sông Cửu Long trước khi áp dụng cho toàn quốc.

Với việc xây dựng mô hình này, nhược điểm của RFID là chi phí đầu tư và vận hành khá cao sẽ được loại bỏ do chỉ sử dụng RFID ở những khâu cần thiết chứ không sử dụng ở toàn bộ chuỗi cung ứng như chỉ gắn thẻ đọc RFID tập trung vào những con cá giống đời đầu để kiểm tra xuất xứ (xuất phát từ cơ sở ương cá giống nào, di chuyển sang nhà vườn nào) và số lứa đẻ của cá giống trong 1 năm (tránh việc bơm kích thích tố, ép cá giống đẻ nhiều lứa trong năm, làm giảm chất lượng cá giống) và chỉ sử dụng 1 thẻ đọc RFID cho cả lô thủy sản thành phẩm trước đem đến nơi chế biến.

Ngoài ra, dung lượng lưu trữ của hệ thống blockchain sẽ giảm được tối đa, các dữ liệu thừa, lặp lại hay đã cũ sẽ được lọc và loại bỏ từ máy chủ trước khi nhập vào hệ thống blockchain.

5. Kết luận

Việc xây dựng các mô hình ứng dụng truy xuất nguồn gốc thủy sản không phải là xa lạ ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thủy sản ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức do bối cảnh tình hình thực tế và năng lực của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vì thế, nhóm nghiên cứu đã đề nghị phương án khả thi là kết hợp giữa công nghệ RFID và blockchain xây dựng mô hình hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Tuy đây chỉ là mô hình đề nghị, chưa được kiểm chứng qua thật tế nhưng nó là tiền đề cho câu hỏi làm thế nào để xây dựng mô hình hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách hiệu quả về mặt kinh tế, lý luận lẫn thực tiễn. Do điều kiện nghiên cứu còn nhiều hạn hẹp nên ở bài viết này các tác giả chỉ dừng lại việc đưa ra mô hình lý thuyết. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu và khảo sát chuyên sâu hơn để tiếp tục hoàn thiện việc thiết kế mô hình và đưa ra những kiến nghị phù hợp hơn với tình hình Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. http://vneconomy.vn/the-vang-thuy-san-vi-sao-nen-noi-20171027144714389.htm
  2. https://baotintuc.vn/kinh-te/thoi-co-cho-thuy-san-tang-truong-xuat-khau-dip-cuoi-nam-20191104172119520.htm
  3. http://vasep.com.vn/Tin-Tuc/1462_57964/No-luc-go-the-vang-thuy-san-2-nam-lieu-co-xung-dang.htm
  4. http://vneconomy.vn/xuat-khau-thuy-san-suy-giam-20191104232302839.htm
  5. https://vov.vn/kinh-te/ec-keo-dai-thoi-gian-phat-the-vang-thuy-san-viet-nam-them-6-thang-779918.vov
  6. http://vnews.gov.vn/ec-ghi-nhan-nhung-ket-qua-cua-viet-nam-trong-chong-khai-thac-iuu
  7. http://vneconomy.vn/viet-nam-dang-khai-thac-qua-muc-nguon-loi-thuy-hai-san-20191106093454811.htm
  8. http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/38070102-som-giai-quyet-tinh-trang-nuoi-thuy-san-tu-phat-tren-song-cha-va.html
  9. http://danviet.vn/ban-doc/quang-binh-nuoi-thuy-san-tu-phat-gay-o-nhiem-ven-bien-416864.html
  10. http://www.thuysanvietnam.com.vn/thiet-hai-lon-khi-nuoi-trong-thuy-san-tu-phat-ngoai-quy-hoach-o-quang-ngai-article-20788.tsvn
  11. https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/trang-tay-vi-o-at-nuoi-thuy-san-tu-phat-826769.html
  12. https://tepbac.com/tin-tuc/full/bao-dong-hieu-ung-that-co-chai-o-ca-tra-giong-22181.html
  13. http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tphcm-dung-cong-nghe-hien-dai-truy-xuat-nguon-goc-thit-heo-c7a468035.html
  14. https://traceverified.com/giai-phap-truy-xuat-nguon-goc-cho-thuc-pham-viet/
  15. https://vietnambiz.vn/uganda-ung-dung-blockchain-de-truy-xuat-nguon-goc-ca-phe-118459.htm
  16. https://vietnambiz.vn/han-quoc-dung-blockchain-trong-chuoi-cung-ung-thit-bo-111129.htm
  17. Magnus Mathisen (2018). The Application of Blockchain Technology in Norwegian Fish Supply Chains: A Case Study (Master Thesis), Norwegian University of Science and Technology.

The combination of RFID and blockchain to develop the traceability system model  for aquaculture activities in Mekong Delta, Vietnam

 Master NGUYEN AN PHU

Master LE THI CAM TU

Master NGUYEN THUY TIEN

Hong Bang International University

ABSTRACT:

Aquaculture products play an essential role in Vietnam's export turnover. Nevertheless, there are not many value-added products of Vietnam's aquaculture because Vietnam has experienced an intense competition caused by the country’s international economic integration process. Other reasons for this issue include over exploitation, illegal fishing, and uncontrolled aquaculture. To improve the aquaculture value chain and build a positive brand reputation of Vietnam’s aquaculture products in the international market, Vietnam should  reduce the over exploitation of fisheries resources, expand the country’s aquatic farming areas, and establish a specified traceability system for aquaculture activities. Based on international experience and Vietnam's current situation, this research proposes a model which is the combination of RFID and Blockchain to develop an advanced traceability system in Vietnam’s supply chain of aquaculture products. This model is expected to be piloted in some areas of Mekong Delta area before applying  in the whole country.

Keywords: RFID, blockchain, aquacultures, traceability system.