Đôi nét về sinh kế nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình

ThS. Phan Khánh Dương (Học viện Khoa học xã hội)

TÓM TẮT:

 Bài viết nêu ra một số khái niệm về sinh kế, sinh kế bền vững, sinh kế bền vững trong nuôi trồng thủy sản. Mô tả các tài sản sinh kế (nguồn vốn sinh kế), sinh kế bền vững của người dân nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đồng thời, bài viết cũng nêu ra một số khó khăn và sơ bộ đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện sinh kế của người dân nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy.

Từ khóa: Nuôi trồng thủy sản, sinh kế, thủy sản, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

1. Đặt vấn đề

   Sinh kế là vấn đề quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Phát triển sinh kế đã góp phần cải thiện đời sống, gia tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, phát triển sinh kế nhanh chóng, ồ ạt cũng đem lại nhiều hậu quả như ô nhiễm môi trường, mất khả năng hồi phục và tái sinh các nguồn lực tự nhiên, làm giảm tiềm năng dự trữ cho tương lai… Sinh kế của người dân nói chung và người dân nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Trong quá trình phát triển, ngoài những thành tựu đạt được như giảm nghèo, tăng thu nhập…, các hoạt động sinh kế của cộng đồng dân cư huyện Thái Thụy cũng đã để lại những hậu quả, như: hoạt động đánh bắt thủy sản tràn lan, ít kiểm soát, phương pháp khai thác tiêu cực như nổ mìn, kích điện, làm cho nguồn thủy sản suy giảm, khả năng tái sinh chậm. Đây là hậu quả của việc sử dụng các nguồn vốn sinh kế chưa thực sự hợp lý. Do đó, yêu cầu nhận diện rõ các nguồn vốn sinh kế và sử dụng chúng một cách hợp lý là điều cần thiết. Bài viết này, tác giả hướng tới mục đích mô tả về sinh kế, cụ thể là các nguồn vốn sinh kế nuôi trồng thủy sản và những khó khăn trong phát triển sinh kế bền vững, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị nhằm cải thiện sinh kế nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy.

2. Một số khái niệm sử dụng trong bài viết

2.1. Khái niệm sinh kế

 “Sinh kế, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là phương thức kiếm sống và nó được biểu hiện ở thành tố chính: năng lực, tài sản (hàng hóa, nguồn lực, đòi hỏi và khả năng tiếp cận) và hành động cần thiết để mưu sinh”.[i]

2.2. Khái niệm sinh kế bền vững

Khái niệm sinh kế bền vững của Chambers và Conway: “Sinh kế được gọi là bền vững khi nó có thể đối mặt với áp lực và sang chấn, phục hồi khỏi áp lực và sang chấn; có thể duy trì hoặc tăng cường năng lực và tài sản, có thể cung cấp cơ hội sống bền vững cho thế hệ sau, đóng góp lợi ích thặng dư cho các sinh kế khác ở cấp địa phương và toàn cầu, trong ngắn hạn hay dài hạn”.[ii]

Khái niệm sinh kế bền vững của Bộ Phát triển quốc tế Anh Quốc (DFID): “Sinh kế được coi là bền vững khi nó có thể chống chọi và phục hồi sau áp lực và sang chấn, duy trì năng lực và tài sản trong cả hiện tại, tương lai mà không làm ảnh hưởng đến nguồn lực tự nhiên vốn có”.

Dựa trên khái niệm này, theo DFID, khung sinh kế bền vững có cấu trúc 5 thành phần: Tài sản sinh kế; Cơ cấu và tiến trình thực hiện sinh kế; Bối cảnh dễ bị tổn thương; Kết quả sinh kế; Chiến lược sinh kế. Trong bài viết, tác giả tập trung vào thành phần “tài sản sinh kế” hay còn gọi là “nguồn vốn sinh kế”. Theo đó, tài sản sinh kế là toàn bộ các nguồn lực vật chất và nguồn lực xã hội mà con người sử dụng để duy trì hay phát triển sinh kế của họ. Nguồn vốn sinh kế được chia ra thành 5 loại vốn chính: vốn nhân lực, vốn tài chính, vốn vật chất, vốn xã hội và vốn tự nhiên.

2.3. Khái niệm nuôi trồng thủy sản

   Khái niệm nuôi trồng thủy sản: “Nuôi trồng thủy sản là nuôi các loại thủy sinh vật trong môi trường nước ngọt, lợ và mặn, bao gồm áp dụng các kỹ thuật vào quy trình nuôi nhằm nâng cao năng suất; thuộc sở hữu cá nhân hay tập thể[iii]. Bài viết xác định: Nuôi trồng thủy sản là việc áp dụng kỹ thuật vào việc cho ăn, chăm sóc các thủy sinh vật trong môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn để duy trì, phát triển sự sống và nâng cao năng suất của chúng.

2.4. Khái niệm sinh kế nuôi trồng thủy sản

   Từ các khái niệm về sinh kế, sinh kế bền vững và nuôi trồng thủy sản, có thể xác định khái niệm sinh kế bền vững trong nuôi trồng thủy sản như sau: Sinh kế bền vững trong nuôi trồng thủy sản là sự biến đổi theo chiều hướng tích cực phương thức kiếm sống của các hộ gia đình để chống chọi, phục hồi sau áp lực và sang chấn, duy trì năng lực và tài sản trong cả hiện tại, tương lai, nhằm thực hiện nuôi trồng các thủy sinh vật trong môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn mà không làm ảnh hưởng đến nguồn lực tự nhiên vốn có.   

3. Sinh kế nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình

3.1. Khái quát thực trạng nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy

  3.1.1. Quy mô và diện tích nuôi trồng

       Là một trong 2 huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, Thái Thụy đã và đang được đầu tư phát triển kinh tế hướng biển. Toàn huyện hiện có 27km bờ biển, 13.000ha bãi bồi, 4.000ha rừng ngập mặn thuộc 5 xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thái Đô và Thái Thượng; 1.247ha đầm nước lợ và 1.184ha vùng nuôi ngao ven biển, hình thức nuôi trồng chủ yếu vẫn là quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh. Hình thức nuôi công nghiệp đã được áp dụng, cho giá trị kinh tế cao, chủ yếu nuôi các loại cá vược, cá song, cua biển, tôm… năng suất ổn định. Diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Thái Thụy luôn giữ được nhịp độ phát triển tăng và ổn định. Giai đoạn 2015 -2018, tốc độ tăng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện tăng bình quân 1,5%/năm. Năm 2019, Thái Thụy tiếp tục duy trì diện tích tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.300ha, lần lượt gồm: nước mặn 1.093 ha, nước lợ 1.527ha, diện tích nước ngọt 1.394ha. Các hộ nuôi trồng thủy sản đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản và thâm canh tăng vụ. Hàng trăm hộ dân của huyện Thái Thụy đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích 125,62ha. Cách làm mới này không chỉ giúp nông dân nuôi 4 - 5 vụ/năm, năng suất đạt từ 8 -10 tấn/vụ mà còn nuôi tôm qua mùa đông thành công - vụ tôm cho giá trị kinh tế cao nhất trong năm.  

3.1.2. Đối tượng nuôi trồng

          Do đặc thù diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, ngọt, lợ gần như tương đương nhau, đối tượng nuôi trồng thủy sản của các hộ tại huyện Thái Thụy cũng rất đa dạng. Với diện tích nuôi trồng nước mặn, lợ các đối tượng nuôi chủ yếu là: các loại tôm (chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng), nhuyễn thể (ngao), cá (vược, song). Với diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, chủ yếu là các loại cá: trôi, trắm, mè, rô phi.

3.1.3. Sản lượng và giá trị sản xuất

           Năm 2018, sản xuất thủy sản của huyện Thái Thụy đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Giá trị sản xuất thủy sản đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm 2017. Trong đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đóng góp hơn 2/3 giá trị sản xuất thủy sản. Sáu tháng đầu năm 2019, sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện Thái Thụy ước đạt 27.502 tấn (giá trị đạt hơn 274 tỷ đồng), tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ ước đạt 25.037 tấn gồm: 20.812 tấn ngao, 985 tấn rong câu, 427 tấn tôm, 1.748 tấn cá, 790 tấn cua, ghẹ xuất khẩu và 275 tấn thủy sản khác; sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 2.465 tấn, chủ yếu là cá. Nhìn chung, trong những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy có sự phát triển tương đối ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

3.2. Khái quát các nguồn vốn sinh kế nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy

   3.2.1. Nguồn vốn tự nhiên

Huyện Thái Thụy có bờ biển dài 27 km2 và hàng chục nghìn km² lãnh hải, 3 cửa sông lớn (cửa Thái Bình, cửa Diêm Hộ, cửa Trà Lý). Hơn 1.552,3 ha rừng ngập mặn, tập trung tại các xã ven biển, có tác dụng lớn trong phòng hộ đê biển, điều hòa khí hậu và có giá trị lớn về cảnh quan môi trường, bảo tồn hệ sinh thái ngập nước ven biển... Huyện Thái Thụy có khí hậu cận nhiệt đới ẩm ấm. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 23 - 24 °C. Lượng mưa trung bình trong năm từ 1,750 - 1,800 mm, chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa ít mưa từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Số giờ nắng trong năm là 1,650 - 1,700 giờ. Độ ẩm tương đối trung bình: 80 - 85%. Hàng năm, Huyện thường chịu ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bình quân từ 4 - 6 cơn/năm. Thủy văn: Thủy triều tại vùng biển Thái Thụy thuộc loại nhật triều, biên độ triều trung bình từ 1,6 - 1,7 m; lớn nhất là 3,31m và nhỏ nhất là 0,11m. Thổ nhưỡng: gồm 4 nhóm đất chính là đất phù sa, đất cát, đất mặn, đất phèn. Những điều kiện tự nhiên kể trên giúp cho huyện Thái Thụy có một tiềm năng nuôi trồng thủy sản rất thuận lợi.

   3.2.2. Nguồn vốn con người

          Hiện nay, dân số huyện Thái Thụy vào khoảng 267.012 người, mật độ dân số đạt 1.040 người/km². Trong đó, có khoảng 26.000 người tham gia sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trình độ học vấn của lao động nuôi trồng thủy sản của huyện còn ở mức thấp. Số lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 93%. Số lao động có trình độ từ sơ cấp trở lên chỉ có 3,3%. Đây là hạn chế trong việc tiếp nhận khoa học, kỹ thuật để phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản.

   3.2.3. Nguồn vốn vật chất

          Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng tại các huyện Thái Thụy được đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa một cách khá toàn diện, về giao thông, điện, thủy lợi… Trên địa bàn huyện có khoảng 1.000 km đường các loại. Hệ thống giao thông đường bộ từ trung tâm tỉnh Thái Bình xuống huyện Thái Thụy, đường giao thông nông thôn đã và đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng, cứng hóa, trải đá láng nhựa hoặc bê tông. Một số dự án đang được tích cực triển khai, như: Dự án tuyến đường bộ ven biển; Dự án cải tạo nâng cấp đường từ thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) đến đê sông Hóa (ĐT461)… nhằm tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, tạo sự thông suốt giữa huyện Thái Thụy nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung với các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Hồng; Hệ thống lưới điện huyện Thái Thụy đã được chú trọng đầu tư nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn hỗ trợ ODA...), đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; Hạ tầng thông tin, liên lạc về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc của người dân trên địa bàn huyện, góp phần đắc lực trong công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân trên địa bàn; Hệ thống thủy lợi, đê điều và cấp, thoát nước: huyện Thái Thụy đã hoàn thành nâng cấp trên 20 km đê sung yếu, trực diện với biển; chủ động rà soát và đầu tư tu bổ đê điều, xử lý kè, nâng cấp và gia cố mặt đê, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, góp phần tích cực cho công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ an toàn đê biển tại những vị trí xung yếu, trọng điểm khi có bão lũ và triều cường xảy ra.

   3.2.4. Nguồn vốn xã hội

           Các đoàn thể xã hội trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về lối sống văn minh, văn hóa, đào tạo kỹ thuật sản xuất cho người dân tại địa phương. Các tổ chức đoàn thể, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ tuyên truyền, đào tạo các lớp về kỹ thuật, kỹ năng sản xuất cho người dân. Việc hỗ trợ sinh kế thông qua các hoạt động vay vốn, hướng nghiệp, chuyển giao công nghệ… đã có những ảnh hưởng tích cực đến hoạt động sản xuất của cộng đồng. Một số công trình được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn xã hội (vốn WB, CTMTQG nước sạch nông thôn, vốn ngân sách địa phương và đóng góp của nhân dân). Nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội được ban hành tạo khung pháp lý cho người dân trong việc phát triển sinh kế. Đồng thời, các chính sách này cũng tạo cơ hội cho người dân có khả năng tiếp cận cơ hội sinh kế như quyền sử dụng đất và vốn. Về cơ bản, các dự án, chính sách phù hợp đã giúp cho các hộ dân cư ven biển có thu nhập, cuộc sống ổn định.

   3.2.5. Nguồn vốn tài chính

Trong những năm vừa qua, huyện Thái Thụy đã nhận được sự quan tâm đầu tư của tỉnh Thái Bình, địa phương và nhân dân trong việc phát triển kinh tế. Nhìn chung, các huyện ven biển đều thu hút được nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế. Trong đó, 26,3% là vốn từ ngân sách tỉnh, vốn đầu tư nước ngoài rất ít, chiếm tỷ lệ thấp 0,3%. Nguồn vốn còn lại 73.4% chủ yếu là vốn ngoài nhà nước (từ các doanh nghiệp và cá nhân).

Nhìn chung, các nguồn vốn sinh kế của huyện Thái Thụy là tương đối thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy còn những hạn chế về chất lượng lao động, tài chính… nhưng về tổng thể, các nguồn vốn nói trên cho phép các hộ gia đình có nhiều cơ hội trong việc duy trì và phát triển sinh kế chính là nuôi trồng thủy sản.

4. Một số khó khăn và khuyến nghị cải thiện sinh kế nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy

4.1. Một số khó khăn trong sinh kế nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy

   Mặc dù là hoạt động sinh kế đem lại hiệu quả cao, nhưng nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy cũng còn gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.

Một là, những khó khăn do đặc điểm của lĩnh vực sinh kế nuôi trồng thủy sản: Nuôi trồng thủy sản là sinh kế chịu nhiều rủi ro từ môi trường. Do việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng nguồn nước nên khi nguồn nước bị nhiễm bẩn, nhiễm mặn dẫn tới vật nuôi chết hàng loạt, không kiểm soát được. Tác động của biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ gia tăng, lượng mưa thay đổi đột ngột hoặc độ mặn của nước tăng, giảm đột ngột, vật nuôi không thích nghi được dẫn tới dịch bệnh, làm ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Ngoài tiền mua đất và đầu tư xây dựng ban đầu, giá nguyên liệu trong quá trình nuôi trồng thủy sản khá đắt và có xu hướng tăng gây ra khó khăn cho các hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình tự ý chuyển đổi diện tích nằm ngoài quy hoạch thành diện tích nuôi trồng thủy sản, phá vỡ quy hoạch gây ra tình trạng thiếu kiểm soát. Áp lực tìm đầu ra cho sản phẩm mang tính thời vụ và sự thay đổi của thị trường tiêu thụ dễ dẫn tới tình trạng thương lái ép giá gây thiệt hại đến thu nhập của các hộ, doanh nghiệp.

Hai là, những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới các nguồn vốn sinh kế: Biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ rệt nhất tới nguồn vốn tự nhiên, cũng là nguồn vốn quan trọng nhất trong sinh kế nuôi trồng thủy sản tại Thái Thụy. Những ảnh hưởng này thể hiện ở sự thay đổi về môi trường, diện tích, đối tượng nuôi trồng. Ngoài ra, hoạt động sản xuất của các hộ, các doanh nghiệp cũng góp phần làm suy giảm nguồn vốn tự nhiên. Điều này dẫn tới sự mất cân bằng giữa các nguồn vốn sinh kế. Cụ thể, khi nguồn vốn tự nhiên suy giảm, làm cho hiệu quả sản xuất giảm, làm giảm sự hấp dẫn của loại hình sinh kế nuôi trồng thủy sản dẫn tới: số người tham gia nuôi trồng thủy sản giảm (vốn con người); chi phí nâng cấp hạ tầng hoặc xây dựng hạ tầng thích hợp với môi trường sản xuất mới tăng (vốn vật chất, vốn tài chính), chi phí nâng cao năng lực sản xuất tăng (vốn xã hội, vốn con người)… Những khó khăn khác như: chất lượng lao động chưa cao; tiếp cận vốn tài chính còn khó khăn… cũng gây ra sự mất cân bằng trong mối quan hệ giữa các nguồn vốn sinh kế.

4.2. Một số khuyến nghị cải thiện sinh kế nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy

Hoạt động sinh kế nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong những năm qua. Tuy nhiên, các nguồn vốn sinh kế nuôi trồng thủy sản của huyện Thái Thụy vẫn có sự mất cân bằng nhất định. Để hoạt động nuôi trồng thủy sản có thể phát triển bền vững, các huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cần tập trung vào các vấn đề:

Thứ nhất, quy hoạch và quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản: Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các huyện. Chỉ đạo phát triển đồng bộ nuôi trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủy sản theo hướng ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản đảm bảo bền vững. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Cần có cơ chế giám sát quy hoạch nuôi trồng thủy sản chặt chẽ, vừa đảm bảo nhu cầu sinh kế của người dân vừa đảm bảo phát triển theo đúng quy hoạch.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đối với các vùng nuôi thủy sản tập trung cần cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét mương, ngòi tiêu thoát nước. Tạo điều kiện cho các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Xây dựng cơ chế thích hợp để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích nuôi trồng.

Thứ ba, về phía người dân tham gia nuôi trồng thủy sản. Từng cá nhân, từng hộ gia đình cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để có thể tham gia hoạt động sản xuất có hiệu quả hơn. Bên cạnh những kiến thức, kỹ năng liên quan trực tiếp tới nuôi trồng thủy sản, người dân cần nâng cao hiểu biết về những lĩnh vực khác. Từ đó, các hộ, doanh nghiệp có khả năng chủ động hơn trong việc sử dụng các nguồn vốn mà mình có và điều tiết hoạt động sản xuất để thích nghi với những thay đổi.

5. Kết luận

Tóm lại, nuôi trồng thủy sản là hình thức sinh kế quan trọng đối với người dân huyện Thái Thụy nói riêng và các huyện ven biển tỉnh Thái Bình nói chung. Việc nhận diện được những nguồn vốn sinh kế giúp cho huyện Thái Thụy những phương án sử dụng hiệu quả để có thể phát triển sinh kế theo hướng bền vững. Để làm được điều này, không chỉ cần sự đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền mà ngay cả người dân tham gia hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng phải tự nâng cao kiến thức, năng lực sản xuất của bản thân. Qua đó, sinh kế trong nuôi trồng thủy sản tại huyện Thái Thụy mới thực sự bền vững, mới có khả năng thích nghi và duy trì trước những biến đổi của môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội ở hiện tại và tương lai.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[i] Chambers & Conway, 1991, tr.6

[ii] Chambers & Conway, 1991, tr.6

[iii] Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), 2008.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.
  2. Cục Thống kê tỉnh Thái Bình (2017), Niên giám thống kê huyện Thái Thụy, NXB Thống kê.
  3. Cục Thống kê tỉnh Thái Bình (2019), Thực trạng phát triển hoạt động sản xuất thủy sản tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015-2018, NXB Thống kê.
  4. DMC (2016), Kiến thức cơ bản về: Xâm nhập mặn, Trung tâm Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
  5. Trần Thọ Đạt, Vũ Thị Hoài Thu (2012), Biến đổi khí hậu và sinh kế ven biển, NXB Giao thông vận tải.
  6. Nguyễn Quang Linh (2006), Giáo trình Nuôi trồng thủy sản đại cương, NXB Nông nghiệp, Huế.
  7. Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Duy Thắng (2011), Sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Xã hội học, Số 4 (116).
  8. Ngân hàng Thế giới (2006), Việt Nam - Sự tham gia của cộng đồng ngư dân trong việc xác định nguồn vốn và nhu cầu đầu tư phát triển thủy sản.
  9. Nguyễn Minh Thảo (2013). Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và đề xuất các giải pháp ứng phó để phát triển. Luận văn thạc sĩ khoa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  10. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình (2016), Báo cáo Kế hoạch triển khai các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
  11. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình (2016), Báo cáo Kết quả phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển giai đoạn 2015-2016 tỉnh Thái Bình.
  12. Vũ Thị Hoài Thu (2013), Sinh kế bền vững vùng ven biển đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu: nghiên cứu điển hình tại tỉnh Nam Định, Luận án tiến sĩ kinh tế, ĐH Kinh tế quốc dân.

 

THE LIVELIHOODS  OF AQUACULTURE IN THAI THUY DISTRICT OF THAI BINH PROVINCE

PHAN KHANH DUONG

Graduate Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

The article outlines several concepts relating sustainable livelihoods in aquaculture. It also describes livelihood resources as well as sustainable livelihoods of aquaculture farmers in Thai Thuy district, Thai Binh province. At the same time, the article presents several difficulties and proposes some solutions to improve the livelihoods of aquaculture farmers in Thai Thuy district.

Keywords: Aquaculture, livelihoods, Seafood, Thai Thuy district, Thai Binh province.