Phân tích hiệu quả kinh tế và môi trường trong nuôi trồng thủy sản: Trường hợp nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại tỉnh Ninh Thuận

TS. LÊ KIM LONG (Phó trưởng Khoa Kinh tế - Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

Tôm là mặt hàng chủ lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Bài báo này thực hiện nội sinh hóa chi phí môi trường của phát thải ô nhiễm trong sản xuất để phân tích hiệu quả kinh tế - môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hộ nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở Ninh Thuận có thặng dư và lợi nhuận sản xuất bình quân lần lượt là 816 và 435 triệu đồng cho mỗi ha nuôi trong năm 2014. Dù vậy, lợi nhuận sản xuất của ngành hiện nay mới chỉ được tính trên cơ sở chi phí sản xuất thực tế mà chưa bao gồm chi phí xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi tôm gây ra. Nếu chúng ta nội sinh hóa chi phí môi trường vào chi phí sản xuất để phân tích hiệu quả kinh tế - môi trường thì nghề nuôi này đã bắt đầu xuất hiện các tín hiệu bước vào trạng thái bão hòa. Hơn nữa, đây là nghề đòi hỏi nhu cầu vốn sản xuất lớn và có rủi ro khá cao. Do vậy, Ninh Thuận không nên mở rộng quy hoạch nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở quy mô nông hộ. Đây cũng chính là thời điểm cần nghiên cứu và ban hành các chính sách nhằm từng bước nội sinh hóa chi phí môi trường vào quá trình sản xuất để tiến tới một nghề nuôi tôm bền vững. Các chính sách doanh nghiệp hóa nghề nuôi tôm thâm canh như: cho thuê/chuyển nhượng để tích tụ đất, cấp phép nghề nuôi và phát triển công nghệ nuôi cần được chú trọng.

Từ khóa: Hiệu quả kinh tế - môi trường, nuôi thâm canh, tôm thẻ chân trắng, tỉnh Ninh Thuận.

1. Đặt vấn đề

Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3 tỷ USD, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2015 (VASEP, 2016). Kể từ năm 2001, tôm thẻ chân trắng đã dần thay thế tôm sú và bắt đầu trở thành đối tượng nuôi quan trọng đối với sự phát triển kinh tế vùng duyên hải, Việt Nam. Tỉnh Ninh Thuận, thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là một trong những tỉnh trọng điểm của cả nước về nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của Ninh Thuận đã gia tăng nhanh chóng từ 159 ha năm 2006 lên đến 950 ha (tính theo vụ nuôi) trong năm 2014 (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận - NN & PTNT, 2015).

Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đã và đang mang lại lợi nhuận lớn và góp phần giải quyết công ăn việc làm của địa phương. Tuy nhiên, việc chạy đua theo lợi nhuận, thiếu quy hoạch và không tuân thủ các quy định về mùa vụ nuôi, mật độ nuôi, phòng trị bệnh, xả và xử lý thải..., đã làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và bùng phát dịch bệnh với mức thiệt hại khoảng 20 - 40% diện tích thả giống giai đoạn 2011 - 2014 (Sở NN & PTNT Ninh Thuận, 2015). Martinez-Cordero (2003); Anh và cộng sự (2010); và Huy và Meade (2015) chỉ ra rằng, nguồn gốc chính gây ô nhiễm trong nuôi tôm là là ni-tơ phát thải do dùng thức ăn nuôi tôm quá mức. Khi nguồn nước nuôi bị ô nhiễm thì không những hệ động thực vật tại khu vực nuôi bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và hiệu quả nuôi tôm cả trong ngắn và dài hạn. Với sự phát triển tương đối tự phát của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trong những năm qua, câu hỏi về tính bền vững của nghề nuôi thẻ chân trắng trở nên rất quan trọng với Ninh Thuận.

Để nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển bền vững trong dài hạn, phát thải gây ô nhiễm của quá trình nuôi tôm phải được nội sinh hóa vào quá trình sản xuất (Martinez-Cordero, 2003; Lê Kim Long và cộng sự, 2016). Nghĩa là, chúng ta phải quan tâm cả mục tiêu hiệu quả về mặt kinh tế của nghề nuôi, đồng thời phải bảo vệ tài nguyên môi trường thiên nhiên để đảm bảo tính bền vững trong dài hạn, tức là hiệu quả kinh tế - môi trường của nghề nuôi phải được tính toán và phân tích (FAO, 1998). Các nghiên cứu tiêu biểu trong lĩnh vực này có thể kể đó là: Nghiên cứu của Folke (1994) cho nghề nuôi cá hồi ở Thụy Điển; Buschmann và cộng sự (1996) cho nghề nuôi biển ở Chi-lê; Lê Kim Long & Phạm Thị Thanh Bình (2016) cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở Quảng Ngãi. Bài viết này chia sẻ kết quả phân tích hiệu quả kinh tế - môi trường của nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng, để từ đó đề xuất một số khuyến nghị cho chính quyền và chủ nông hộ theo hướng phát triển nghề nuôi bền vững.

2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Hiệu quả kinh tế - môi trường cho mỗi ha nuôi tôm thâm canh được tính toán và trình bày như sau:

Tổng doanh thu - Chi phí biến đổi = Thặng dư sản xuất

Thặng dư sản xuất - Chi phí cố định = Lợi nhuận sản xuất

Lợi nhuận sản xuất - Chi phí môi trường = Lợi nhuận sản xuất đã tính phí môi trường.

Trong đó, thặng dư sản xuất/ha cho biết khả năng tái đầu tư của nông hộ trong ngắn hạn và lợi nhuận sản xuất/ha cho biết khả năng tái đầu tư sản xuất trong dài hạn cũng như mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư tiềm năng. Lợi nhuận sản xuất (operating profit) là lợi nhuận của hoạt động sản xuất chưa trừ đi lãi vay và chi phí cơ hội của vốn chủ sở hữu (xem Duy và cộng sự, 2015). Tỉ suất lợi nhuận sản xuất chia cho tổng vốn sản xuất hay tổng chi phí cho một chu kỳ sản xuất là một chỉ số quan trọng để so sánh và đánh giá khả năng sinh lời hay sức hấp dẫn của một nghề sản xuất trong mối tương quan với chi phí cơ hội của vốn sản xuất. Chi phí biến đổi trong nghiên cứu này bao gồm các khoản mục chi phí được mô tả trong Bảng 1 và đã tính cả chi phí cho lao động gia đình tham gia nghề nuôi tôm thẻ thâm canh. Chi phí cố định gồm có các chi phí thuê mướn (ao đìa, máy móc và trang thiết bị), thuế/phí, khấu hao tài sản cố định, chi phí duy tu và bảo dưỡng các công trình, máy móc và thiết bị.

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển nói chung, nghề nuôi tôm vẫn được xem là sinh kế của người dân ven biển và được khuyến khích phát triển nên chi phí môi trường do phát thải ô nhiễm chưa được quan tâm đúng mức. Lượng phát thải chủ yếu gây ô nhiễm trực tiếp đến môi trường biển của nghề nuôi tôm chính bằng tổng ni-tơ đầu vào (ni-tơ trong thức ăn chiếm chủ yếu), trừ đi lượng ni-tơ tích lũy trong tôm và ni-tơ bay hơi hòa vào không khí. Lượng ni-tơ còn lại sẽ bị hòa tan trong nước và lắng đọng xuống đáy ao nuôi. Nghề nuôi tôm thẻ thâm canh sử dụng bạt để lót ao nên toàn bộ lượng chất thải này sẽ được xả thẳng ra biển. Vì biển là của chung và không ai kiểm soát được nên các quy định xử lý chất thải trước khi xả ra biển thường không có hiệu lực và các hộ nuôi thường không thực hiện. Theo tính toán của Huy và Maeda (2015) cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năm 2014 ở Phá Tam Giang, miền Trung Việt Nam, thì: (i) thức ăn chiếm 96,2% ni-tơ trong tổng số ni-tơ đầu vào; (ii) ni-tơ bay hơi chiếm 30,4% tổng ni-tơ đầu vào. Các dữ liệu này sẽ được sử dụng cho cách tiếp cận cân bằng khối (tổng ni-tơ đầu vào bằng tổng ni-tơ đầu ra trong nuôi tôm) để tính toán lượng ni-tơ phát thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường biển của các hộ nuôi tôm tại Ninh Thuận (xem Lê Kim Long và cộng sự, 2016).

Các nghiên cứu trong nuôi trồng thủy sản trên thế giới đã áp dụng nhiều phương pháp tính toán chi phí môi trường do phát thải ô nhiễm của nghề nuôi khác nhau như: Folke và cộng sự (1994) và Buschmann và cộng sự (1996) đã áp dụng phương pháp tính trực tiếp từ người bị thiệt hại do ô nhiễm; Martinez-Cordero (2003) và Liu & Sumaila (2010) đã áp dụng phương pháp tính toán gián tiếp (người sản xuất phải cắt giảm sản lượng đầu ra mong muốn để làm giảm phát thải ô nhiễm) theo cách tiếp cận của Fre và các cộng sự (2006) để tính toán chi phí ẩn của phát thải gây ô nhiễm (xem Zhou và các cộng sự, 2014). Ở trong nước, Lê Kim Long và cộng sự (2016) là nghiên cứu đầu tiên áp dụng cách tiếp cận của Fre và các cộng sự (2006) để ước lượng chi phí ẩn của phát thải ni-tơ gây ô nhiễm của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở duyên hải Nam Trung Bộ. Kết quả nghiên cứu này đã chỉ ra rằng: Với trình độ công nghệ và kỹ thuật sản xuất giữ nguyên không đổi thì để giảm đi 1 kg ni-tơ phát thải ô nhiễm, nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng 2,6 kg tôm thành phẩm, tương ứng là 316 ngàn VNĐ (năm 2014) hay 14,7 USD. Kết quả này tương đối tương đồng với các ước lượng ở các nghiên cứu trước trên thế giới (Lê Kim Long và cộng sự, 2016). Trong bài báo này, chi phí ẩn của phát thải ô nhiễm môi trường (chi phí môi trường) được tính bằng 316 ngàn VNĐ nhân với lượng ni-tơ phát thải ô nhiễm biển. Hiệu quả kinh tế - môi trường của nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở Ninh Thuận sẽ được tính toán và phân tích dựa trên chỉ số lợi nhuận sản xuất đã trừ đi chi phí môi trường.

Bài báo này sử dụng bộ dữ liệu điều tra trong nghiên cứu của Lê Kim Long và cộng sự (2016). Đối tượng khảo sát là các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại tỉnh Ninh Thuận, số lượng hộ nghiên cứu là 102 với tổng diện tích là 87 ha chiếm khoảng 24% tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh toàn tỉnh trong năm 2014. Bộ dữ liệu này đảm bảo tính đại diện cho tổng thể nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh của Ninh Thuận (Lê Kim Long và cộng sự, 2016).

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Bảng 1 trình bày các đặc điểm chính của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại Ninh Thuận: (i) diện tích bình quân là 0,85 ha (giá trị nhỏ nhất 0,30 ha và lớn nhất là 6 ha); (ii) số vụ nuôi bình quân trong năm là 2,50 (giá trị nhỏ nhất 1 và lớn nhất là 3 vụ); (iii) năng suất bình quân năm là 29,93 tấn/ha (giá trị nhỏ nhất 5,26 và lớn nhất là 50 tấn). (Xem Bảng 1)

Bảng 1 cho thấy thặng dư sản xuất trung bình là 816 triệu đồng/ha, lớn hơn chi phí cố định (382 triệu đồng); có giá trị nhỏ nhất là -875 triệu đồng/ha, giá trị lớn nhất là 2584 triệu đồng/ha và độ lệch chuẩn là 709 triệu đồng. Theo lý thuyết kinh tế, các nhà sản xuất đưa ra quyết định tiếp tục sản xuất hay dừng lại trong ngắn hạn dựa trên cơ sở thặng dư sản xuất. Trong ngắn hạn, nếu thặng dư sản xuất lớn hơn chi phí cố định thì lợi nhuận của người sản xuất dương nên dĩ nhiên doanh nghiệp sẽ tiếp tục sản xuất; thặng dư sản xuất dương và nhỏ hơn chi phí cố định thì doanh nghiệp vẫn nên tiếp tục sản xuất vì định phí vẫn được bù đắp một phần; thặng dư sản xuất âm thì doanh nghiệp nên dừng sản xuất (Varian & Repcheck, 2010). Vì vậy, kết quả này hàm ý nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Ninh Thuận vẫn sẽ tiếp tục duy trì tái sản xuất (thặng dư sản xuất bình quân của nghề dương) dù một số hộ nuôi có thể sẽ dừng sản xuất (khoảng 12,7% số hộ nuôi, xem Bảng 2).

Tiếp theo, chỉ số lợi nhuận sản xuất trên một đơn vị diện tích (ha) được tính toán để đánh giá hiệu quả sản xuất của các hộ nuôi. Chỉ số này càng cao cho thấy hiệu quả của hoạt động sản xuất càng lớn và do vậy thành quả cho nỗ lực đầu tư và chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư càng lớn (Varian & Repcheck, 2010). Kết quả tính toán trong Bảng 1 cho thấy lợi nhuận sản xuất bình quân/ha của nghề nuôi tôm ở Ninh Thuận trong năm 2014 là 435 triệu đồng, giá trị nhỏ nhất là -1195 triệu đồng/ha, giá trị lớn nhất là 2200 triệu đồng/ha. Kết quả tính toán cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa giá trị nhỏ nhất và giá trị lớn nhất về lợi nhuận sản xuất thu được trên mỗi ha, đồng thời với độ lệch chuẩn khá lớn (gấp khoảng 1,5 lần giá trị trung bình) đã thể hiện mức độ khá rủi ro của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở quy mô nông hộ. Bảng 2 cũng cho thấy có khoảng 24,5% số hộ có lợi nhuận sản xuất âm trong năm 2014.

Phát triển bền vững nghĩa là các hoạt động kinh tế hiện tại không làm ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế ngày mai. Do vậy, bên cạnh các đầu ra mong muốn, chúng ta cần quan tâm đến các đầu ra không mong muốn của quá trình sản xuất. Đầu ra không mong muốn đối với nghề nuôi tôm thâm canh chủ yếu là ni-tơ phát thải từ thức ăn (Martinez & Leung, 2004 và Lê Kim Long và cộng sự, 2016). Khác với các ngành sản xuất công nghiệp (xi măng, giấy), chính ni-tơ dư thừa này lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi tôm trong cả ngắn và dài hạn. Vì vậy, hoạch toán chi phí môi trường của phát thải ô nhiễm để phân tích hiệu quả kinh tế - môi trường là cần thiết nhằm phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững.

Kết quả ở Bảng 1 cho thấy, lượng ni-tơ gây ô nhiễm bình quân trên 1 ha nuôi tôm thẻ ở Ninh Thuận là 1086 kg với tổng chi phí môi trường bình quân là 343 triệu đồng/ha. Như vậy, lợi nhuận đã tính chi phí môi trường cho mỗi ha nuôi tôm thẻ chân trắng ở Ninh Thuận chỉ còn là 92 triệu đồng trong năm 2014. (Xem Bảng 2)

Bảng 1 cũng cho thấy, nếu tính cả chi phí môi trường thì tỉ suất lợi nhuận sản xuất đã trừ chi phí môi trường bình quân trên tổng chi phí sản xuất của một vụ nuôi (3 tháng) chỉ còn là 5%. Với lãi suất bình quân vay ngân hàng (trung bình của thời kỳ 2013-2015) cho sản xuất là 1%/tháng thì tỉ suất lợi nhuận đã tính chi phí môi trường thu được bình quân chỉ tương đương mức chi phí cơ hội (lãi suất cho vay của ngân hàng). Theo lý thuyết kinh tế, đây là tín hiệu cho thấy ngành nuôi tôm thâm canh thực tế đã tiến tới ngưỡng bão hòa của ngành tiếp cận mở (Varian & Repcheck, 2010). Vì vậy, với điều kiện công nghệ và trình độ người nuôi tôm thẻ thâm canh hiện có, Ninh Thuận không nên mở rộng diện tích quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở quy mô nông hộ. Kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Quy hoạch nuôi trồng thủy sản miền Trung đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 (VIFEP, 2015).

Bảng 2 cũng cho thấy, nếu tính cả phí môi trường thì có tới 43,1% số hộ có lợi nhuận sản xuất thực tế (sau khi đã trừ đi chi phí môi trường) âm. Hình 1 cũng cho thấy các hộ nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng của Ninh Thuận có mức lợi nhuận sản xuất đã trừ chi phí môi trường/ha giao động xung quanh và tương đối đối xứng quanh trục zero. Kết quả này phù hợp với lý thuyết kinh tế về các ngành sản xuất có quyền tiếp cận mở ở trạng thái bão hòa (Varian & Repcheck, 2010). Nghiên cứu của Lê Kim Long & Phạm Thị Thanh Bình (2016) cho các hộ nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi cũng có kết luận tương tự.

4. Kết luận và kiến nghị

4.1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu năm 2014 cho thấy, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Ninh Thuận hiện tương đối hấp dẫn với thặng dư sản xuất bình quân đạt 816 triệu đồng/ha và lợi nhuận sản xuất là 435 triệu/ha. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng hiện có đủ khả năng tái sản xuất trong ngắn hạn cũng như mở rộng sản xuất trong dài hạn. Dù vậy, nghề nuôi trồng thủy sản này cũng đòi hỏi nhu cầu vốn sản xuất lớn và tương đối rủi ro đối với quy mô sản xuất nông hộ.

Dưới lăng kính phát triển bền vững, chi phí môi trường của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Ninh Thuận năm 2014 cũng đã được đề cập và nội sinh hóa vào quá trình sản xuất để phân tích hiệu quả kinh tế - môi trường. Nghiên cứu này cho thấy nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng của Ninh Thuận hiện đã xuất hiện tín hiệu về trạng thái cân bằng dài hạn (bão hòa) với thể chế quản lý nghề nuôi có quyền tiếp cận mở, tức tỉ suất sinh lợi của nghề đã gần mức chi phí cơ hội của thị trường. Kết quả này hàm ý rằng sự hấp dẫn hiện tại của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Ninh Thuận là do chưa tính đến các chi phí xử lý ô nhiễm môi trường do nuôi tôm gây ra.

4.2. Kiến nghị

Nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm để đề xuất các kiến nghị sau. Thứ nhất, Ninh Thuận không nên mở rộng quy hoạch nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở quy mô nông hộ. Các cấp quản lý cần nghiên cứu chính sách để phát triển nghề nuôi thâm canh theo hướng doanh nghiệp hóa như: cho thuê/chuyển nhượng để tích tụ đất, cấp phép nghề nuôi và phát triển công nghệ nuôi thân thiện hơn với môi trường. Thứ hai, đã đến lúc các nhà quản lý cần nghiên cứu và ban hành các chính sách nhằm từng bước nội sinh hóa chi phí môi trường vào quá trình sản xuất để tiến tới một nghề nuôi bền vững như khuyến cáo của FAO. Các giải pháp cụ thể có thể là quy hoạch vùng xử lý nước thải bắt buộc và tập trung; ban hành tiêu chuẩn nghề nuôi; cấp giấy phép sản xuất và hình thành thị trường giấy phép có khả năng chuyển nhượng và đánh thuế môi trường. Thứ ba, các trung tâm khuyến nông có thể sử dụng thông tin từ kết quả nghiên cứu này để khuyến cáo các hộ nuôi. Cuối cùng, cũng cần nhấn mạnh rằng, mặc dù 2014 là năm sản xuất tương đối bình thường của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (xem Lê Kim Long và cộng sự, 2016), các nhà hoạch định chính sách và quản lý nên xem nghiên cứu này là một bằng chứng thực tiễn cần xem xét và thận trọng khi khái quát hóa cũng như suy rộng dựa trên kết quả này. Các nghiên cứu sau cần thu thập dữ liệu qua chuỗi thời gian và phân tích sự ảnh hưởng của các yếu tố nội tại như trình độ kỹ thuật cũng như các yếu tố bên ngoài như giá thị trường và chính sách của Nhà nước để có cái nhìn sâu sắc hơn về hiệu quả của một nghề nuôi rất quan trọng này.

Lời cảm ơn: Tác giả bài báo chân thành cảm ơn Lê Kim Long và cộng sự (2016) đã cho phép tác giả sử dụng bộ dữ liệu điều tra nông hộ nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Ninh Thuận cho nghiên cứu này. Tác giả cũng xin chân thành cảm ơn sự góp ý của các phản biện, bạn bè và đồng nghiệp trong quá trình hoàn thiện bài báo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Anh, P. T., Kroeze, C., Bush, S. R., & Mol, A. P. (2010). Water pollution by intensive brackish shrimp farming in south-east Vietnam: Causes and options for control. Agricultural Water Management, 97(6), 872-882.

2. Buschmann, A. H., López, D. A., & Medina, A. (1996). A review of the environmental effects and alternative production strategies of marine aquaculture in Chile. Aquacultural engineering, 15(6), 397-421.

3. Duy, N.N, Flaaten, O & Long, L.K., (2015). Government support and profitability effects–Vietnamese offshore fisheries. Marine Policy, 61, 77-86.

4. FAO (1998). Ad hoc Expert Meeting on Indicators and Criteria of Sustainable Shrimp Culture. Rome, Italy.

5. Folke, C., Kautsky, N., & Troell, M. (1994). The costs of eutrophication from salmon farming: implications for policy. Journal of environmental management, 40(2), 173-182.

6. Martinez-Cordero, F. J., & Leung, P. (2004). Sustainable aquaculture and producer performance: measurement of environmentally adjusted productivity and efficiency of a sample of shrimp farms in Mexico. Aquaculture, 241(1), 249-268.

7. Huy, N. V & Maeda, M. (2015). Nutrient Mass Balances in Intensive Shrimp Ponds with a Sludge Removal Regime: A Case Study in the Tam Giang Lagoon, Central Vietnam. Journal of Agricultural Science and Technology A & B & Hue University Journal of Science, 538-548.

8. Lê Kim Long, Lê Văn Tháp, Phạm Xuân Thủy và Phạm Thị Thanh Thủy (2016). Phát triển bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Đề tài cấp Bộ Giáo Dục và Đào tạo. Mã số: B2014-13-12.

9. Lê Kim Long & Phạm Thị Thanh Bình (2016). Phân tích khả năng sinh lợi của nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Quảng Ngãi. Tạp chí Khoa học công nghệ Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, số 2, 32-40.

10. Liu, Y., & Sumaila, U. R. (2010). Estimating pollution abatement costs of salmon aquaculture: a joint production approach. Land Economics, 86(3), 569-584.

11. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận (2015). Tình hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản năm 2014 và Kế hoạch và các giải pháp năm 2015. Ninh Thuận, Việt Nam.

12. Varian, H. R., & Repcheck, J. (2010). Intermediate microeconomics: a modern approach (Vol. 6). New York, NY: WW Norton & Company.

13. VASEP (2016). Thống kê xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Truy cập ngày 22/07/2016 tại địa chỉ http://vasep.com.vn/123/Thong-ke-thuy-san/XNK-thuy-san-Viet-Nam

14. VIFEP, 2015. Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hà Nội, Việt Nam.

15. Zhou, P., Zhou, X., & Fan, L. W. (2014). On estimating shadow prices of undesirable outputs with efficiency models: A literature review. Applied Energy, 130, 799-806.

ANALYZING THE ENVIRONMENTAL AND ECONOMIC EFFICIENCY IN THE AQUACULTURE INDUSTRY: THE CASE OF THE INTENSIVE WHITE-LEG SHRIMP FARMING IN NINH THUAN PROVINCE

PhD. LE KIM LONG

Vice Dean, Facutly of Economics, Nha Trang University

ABSTRACT:

Shrimp is one of major export products of Vietnam with high annual export turnover. This study endogenizes environmental issues into production cost to assess the environmental and economic efficiency in the aquaculture industry. The results of this study show that the surplus and operating profit from intensive white-leg shrimp farming of farmer households in Ninh Thuan Province were 816 and 435 million VND per ha in 2014, respectively. However, the current profit of this industry is only calculated on the basis of actual production costs, but not including the environment cost incurring from the shrim farming. If environmental issues are endogenized into the production cost of white-leg shrimp farming for environmental and economic efficiency analysis, this farming shows signs of entering the saturation state. Moreover, this industry requires a large-scale investment with rather high risks. As a result, Ninh Thuan Province should not enlarge its household level intensive white-leg shrimp farming area. This is also the time for provincial managers and policy makers to study and issue policies that gradually endogenouse the environmental costs into the intensive shrim farming for developing this industry sustainably. Policies for the development of the white-leg shrimp farming at the enterprise level, such as lease/transfer for land accumulation, aquaculture licensing and technology development should be focussed.

Keywords: Environmental and economic efficiency, intensive farming, white-leg shrimp, Ninh Thuan Province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.