Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, sự kiện lần này này là cơ hội tốt để các công ty Na Uy và Việt Nam duy trì quan hệ, tìm hiểu thêm về nhau và chuẩn bị lên kế hoạch hợp tác trong tương lai.
Đây cũng cơ hội để các bên trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành công nghiệp nuôi biển, trong đó có quy hoạch và xây dựng chính sách bao gồm cả chính sách tín dụng, quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực & dạy nghề, các giải pháp công nghệ xanh và thông minh để giúp doanh nghiệp đầu tư và đóng góp vào sự phát triển của ngành theo hướng hiệu quả, bền vững và bảo vệ nguồn lợi biển.
Đặc biệt là những kinh nghiệm thành công và công nghệ của Na Uy trong phát triển lĩnh vực nuôi biển là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy phát triển lĩnh vực nuôi biển đầy tiềm năng, đây cũng là một trong nội dung định hướng quan trọng trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, Chiến lược đã đề ra một số mục tiêu trong đó có giảm bớt cường lực khai thác nguồn lực tự nhiên trên biển và tăng cường nuôi biển ở những khu vực phù hợp. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đặt mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam theo hướng hiện đại, cạnh tranh hơn, có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời gắn kết các bên liên quan với nhau để khai thác tiềm năng và sử dụng các nguồn lợi đại dương một cách có trách nhiệm và bền vững.
Hiện nay, Việt Nam đã xác định nuôi trồng thủy sản trên biển là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển chung, hướng đến phát triển bền vững nghề cá và tạo ra đột phá cho ngành Thủy sản nói riêng cũng như kinh tế đất nước nói chung.
Vì vậy, để nuôi biển tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị bền vững, việc từng bước chuyển dịch nuôi biển thủ công ven bờ sang nuôi biển công nghiệp ở vùng xa bờ và hải đảo với sự tham gia của các doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, song song với bảo vệ môi trường được coi là chiến lược phát triển bền vững của lĩnh vực này.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi biển công nghiệp giúp quản lý hiệu quả, giảm rủi ro, tăng năng suất chất lượng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững hơn.
Mặt khác, phát triển kinh tế từ nuôi biển còn kéo theo sự hình thành và phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ mới, đặc biệt là lĩnh vực hậu cần, thức ăn chăn nuôi hải sản. Qua đó góp phần tạo thêm việc làm và sinh kế mới, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và đặc biệt là góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, biển đảo của Tổ quốc.
Trong chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu là duy trì và ổn định vùng nuôi ven biển, đảo gần bờ có hiệu quả, đảm bảo môi trường sinh thái; Phát triển mạnh công nghiệp nuôi biển vùng xa bờ, hình thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bền vững, tạo sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu, cung cấp cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Việt Nam với hơn 3.260 km bờ biển, diện tích vùng đặc quyền kinh tế hơn 1 triệu km2, có tiềm năng rất lớn trong việc nuôi trồng thủy sản trên biển. Với tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500 nghìn ha, trong đó nuôi vùng bãi triều ven biển 153,2 nghìn ha, nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo khoảng 79,79 nghìn ha và nuôi vùng biển xa bờ 166,91 nghìn ha, diện tích còn lại phục vụ các hình thức nuôi khác.
Một số đối tượng nuôi chính có tiền năng như: nhóm nhuyễn thể ngao/nghêu, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương; nhóm cá biển gồm cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá sủ đất. cá măng biển; nhóm giáp xác như tôm hùm, cua, ghẹ; rong tảo biển có rong sụn, rong câu, rong mứt, rong nho, tảo biển và các đối tượng nuôi khác như hải sâm, sinh vật cảnh.
Đây là lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt việc tăng cường hợp tác với với Na Uy là cường quốc trong phát triển nuôi biển sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho hai bên trong thời gian tới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Đại sứ Na Uy Grete Lochen cho biết “2021 là một năm đặc biệt đối với Na Uy và Việt Nam. Chúng ta đều rất tự hào về quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản suốt thời gian qua. Giờ, chúng ta đang cùng nhau tìm hiểu cách thức để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư vào ngành nuôi biển ở Việt Nam. Nói đến phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp, Na Uy có nhiều điều để chia sẻ dựa trên những bài học của chúng tôi với ngành công nghiệp cá hồi nổi tiếng”.
Nhân dịp này Việt Nam và Na Uy đã ký kết Ý định thư về Tăng cường và Phát triển Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển.