Hậu covid-19: Hướng đi nào cho ngành thủy sản Việt Nam

DƯƠNG NGỌC HỒNG (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đa số các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản đều gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp đã ngưng hoạt động hoặc các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng với công suất khoảng 20 - 40% so với thời gian chưa có dịch bệnh xảy ra. Do hàng hóa tiêu thụ chậm, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng; các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động thời vụ, bố trí làm việc luân phiên ca, giảm 30% lương, một số doanh nghiệp đã cho nhân viên nghỉ việc trong thời gian dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 kéo dài cả năm 2020 làm gián đoạn hoạt động thương mại thủy sản toàn cầu, làm thay đổi xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam cũng biến động theo xu hướng thị trường, dẫn đến xuất khẩu tôm chân trắng, tôm biển, cá biển, cua ghẹ tăng, trong khi xuất khẩu cá tra giảm sâu, cá ngừ và mực, bạch tuộc giảm nhẹ.

Bài viết tập trung phân tích hiện trạng xuất - nhập khẩu thủy sản tại Việt Nam, đồng thời chỉ ra những thách thức cũng như cơ hội hiện nay. Từ đó, đưa ra những dự báo cho ngành Thủy sản năm 2021.

Từ khóa: Thủy sản, hậu COVID-19, hướng đi, chính sách, kế hoạch.

 1. Tổng quan xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Năm 2020, sản lượng thủy sản của cả nước đạt 8,4 triệu tấn, tăng nhẹ 3% so với năm 2019. Trong đó, nuôi trồng chiếm 54% với gần 4,6 triệu tấn, khai thác chiếm 46% với trên 3,8 triệu tấn. Xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2019; trong đó thủy sản nuôi (tôm, cá tra) chiếm 62% với 5,2 tỷ USD; thủy sản khai thác chiếm 38% với 3,2 tỷ USD. 

Hình 1: Xuất khẩu thủy sản theo tháng từ năm 2018 - 2020

xuat_khau_thuy_san_theo_thang_tu_nam_2018_-_2020

Nguồn: Tổng cục Hải quan, 2020

Dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên các thị trường. Tuy nhiên, các nước nhập khẩu chính thủy sản Việt Nam như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ giảm nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam (giảm 3 - 6%), trong khi thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ vẫn tăng đáng kể (+10%) nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, những thị trường khác như Nga, Anh, Úc, Canada thậm chí vẫn tăng mạnh từ 10 - 32%.

Do tác động của dịch bệnh, nhiều sản phẩm xuất khẩu bị sụt giảm mạnh như cá tra phile đông lạnh, tôm sú đông lạnh, cá ngừ thăn phile, cá biển khác phile đông lạnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều sản phẩm có cơ hội tăng thị phần trên các thị trường như tôm chân trắng; tôm biển đông lạnh và chế biến; các loại cá hộp và chế biến; cá khô, tôm khô, cá tra chế biến, cua ghẹ chế biến, nước mắm,… Nhờ đó, mức độ ảnh hưởng của dịch COVID với kết quả xuất khẩu chung cũng hạn chế hơn. 

Hình 2: Sản phẩm thủy sản chính xuất khẩu năm 2020 (triệu USD)

san_pham_thuy_san_chinh_xuat_khau_nam_2020

Nguồn: VASEP, 2020

Năm 2020, xuất khẩu tôm của cả nước đạt 3,73 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2019. Xuất khẩu tôm chỉ thực sự giảm sâu (46%) vào tháng 3/2020 - giai đoạn đỉnh dịch COVID-19 lần đầu tiên trên thế giới. Trong các tháng còn lại, xuất khẩu tôm đều tăng trưởng dương và tăng mạnh nhất vào giai đoạn tháng 6 đến tháng 10, với mức tăng từng tháng từ 12 - 25% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu nhờ nhu cầu của các thị trường vẫn tăng đối với sản phẩm tôm chân trắng và tôm biển. Tháng 11 và tháng 12 mức tăng chững lại còn 2 - 8% do tình trạng thiếu container rỗng để xuất hàng và do cước phí vận tải tàu biển tăng mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất hàng của các công ty. Do vậy, sau khi tăng 17,5% trong quý III, đạt 1,17 tỷ USD, xuất khẩu tôm trong quý IV hạ nhiệt xuống còn 1,04 tỷ USD - tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. 

Hình 3: Xuất khẩu tôm năm 2019 - 2020 (triệu USD)

xuat_khau_tom_nam_2019_-_2020

Nguồn: VASEP, 2020

2. Thị trường xuất khẩu chính

Năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến giao thương thủy sản với tất cả các thị trường. Tuy nhiên, một số thị trường vẫn tăng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, bao gồm Mỹ tăng gần 10%, Anh tăng 23%, Canada tăng 14%, Nga tăng 32% và Australia tăng 10%. Sự ổn định nguồn cung, đa dạng sản phẩm đã đáp ứng được thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng các nước trong bối cảnh COVID. 

Hình 4: Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường năm 2020

xuat_khau_thuy_san_sang_cac_thi_truong

Nguồn: VASEP, 2020

2.1. Thị trường Mỹ

Năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng khả quan nhất trong số các thị trường, chỉ giảm nhẹ 1,3% trong quý II, các quý còn lại đều tăng. Trong đó, tăng mạnh 20% trong quý III và 15% trong quý IV - đạt 450 triệu USD. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này cả năm đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2019, chủ yếu nhờ xuất khẩu tôm tăng mạnh 33%. Trong đó, tôm chân trắng chế biến là sản phẩm mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 521 triệu USD, tăng 51% và chiếm 33% tổng xuất khẩu thủy sản. Trong khi đó, tôm chân trắng đông lạnh có tăng trưởng ngoạn mục nhất, tăng gấp gần 13 lần so với năm trước với 268 triệu USD, chiếm 17%.

2.2. Thị trường Nhật Bản

Sau khi giảm trong quý II và quý III, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản trong quý IV/2020 hồi phục nhẹ với mức tăng 1,5% - đạt trên 400 triệu USD, đưa kết quả cả năm 2020 lên trên 1,4 tỷ USD, giảm gần 3% so với năm 2019. Trong đó, Nhật Bản nhập khẩu chủ yếu là tôm và các loại cá biển khác (trừ cá ngừ), chiếm tỷ trọng 41% và 43% tổng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Chỉ có mực, bạch tuộc xuất khẩu sang Nhật giảm sâu
trên 13% so với năm trước, còn các loài còn lại giảm nhẹ.

Khác với Mỹ, trong bối cảnh dịch COVID-19, Nhật Bản lại tăng nhập khẩu cá ngừ tươi đông lạnh (+264%), mực khô (+140%), cá tra chế biến (+761%), nước mắm (+100%) mực đông lạnh (+13%)…, trong khi giảm nhập khẩu cá ngừ phile, tôm chế biến, mực chế biến, cá phile…

2.3. Thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm sâu trong quý I do dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại thị trường này. Từ quý II sang quý III, dịch đã lắng xuống, xuất khẩu lại khởi sắc với tăng trưởng lần lượt là 15% và gần 2%. Tuy nhiên từ cuối quý III, Trung
Quốc nhiều lần thông báo phát hiện virus corora trên bao bì thủy sản đông
lạnh nhập khẩu từ một số nước vào thị trường này, do vậy các cơ quan quản lý đã siết
chặt kiểm tra hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, thậm chí cho tạm ngừng nhập khẩu từ một số công ty nước ngoài có lô hàng bị phát hiện virus corona trên bao bì. Động thái này dẫn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc chững lại trong quý cuối năm, khiến kết quả giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 405 triệu USD.

2.4. Thị trường EU

Năm 2020, EU tụt xuống thị trường đứng thứ 4 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ còn chiếm 11% xuất khẩu của nước ta. Xuất khẩu thủy sản sang EU bị tác động kép bởi dịch COVID-19 và thẻ vàng IUU khiến cho kim ngạch chỉ đạt 959 triệu USD, giảm 5,7% so với năm 2019. Sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU) từ tháng 2/2020 cũng khiến cho thị trường thủy sản EU xáo trộn, nhu cầu giảm so với năm trước.

Tuy nhiên, đòn bẩy EVFTA đã mang lại kết quả khả quan cho thủy sản Việt Nam sang EU trong nửa cuối năm, sau khi giảm 16% trong quý I và 20% trong quý II/2020. Năm 2020, thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu hưởng lợi rõ rệt khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực bởi có 50% dòng thuế được về 0% ngay năm 2020, trong đó có những mặt hàng tỷ trọng lớn như tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc.

3. Khó khăn và thách thức đối với ngành Thủy sản Việt Nam

3.1. Dịch COVID-19 tác động đến thương mại thủy sản Thế giới và Việt Nam

Năm 2020, sản xuất và thương mại thủy sản thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Dịch bệnh căng thẳng ở những thị trường nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam như EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tác động rõ rệt đến thương mại thủy sản của của nước ta. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I và quý II giảm lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu nhất vào tháng 3, tháng 5 (giảm lần lượt 48% và 16% so với cùng kỳ năm 2019). Đó là những tháng cao điểm dịch bệnh tại châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, từ tháng 7, xuất khẩu bắt đầu hồi phục và tăng trưởng trong quý III/2020 (với mức tăng trưởng 10% đến 13%). Điều đó cho thấy, các công ty thủy sản ở Việt Nam đang thích ứng, vượt qua thách thức và nắm bắt được các cơ hội trong bối cảnh dịch
bệnh COVID-19 vẫn đang bùng phát trên thế giới. Sang quý IV/2020, dù nhu cầu nhập khẩu của các thị trường vẫn tốt nhưng thương mại thủy sản lại bế tắc vì thiếu container rỗng để xếp hàng xuất đi các nước và cước phí vận tải lại đội lên nhiều lần khiến hoạt
động xuất khẩu bị đình trệ và sụt giảm.

3.2. Xu hướng tiêu thụ ở các thị trường chính thay đổi

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 làm thay đổi xu hướng tiêu thụ ở các thị trường: Giảm tiêu thụ các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn; tăng tiêu thụ tại các siêu thị, các kênh bán lẻ. Cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm được tiêu thụ chính cho phân khúc dịch vụ, căng - tin. Trong khi đó, tôm với các loài, kích cỡ và dạng sản phẩm, cách chế biến khác nhau vẫn phù hợp tiêu thụ tại nhiều siêu thị và phân khúc bán lẻ, phù hợp cho chế biến tại nhà trong những thời điểm giãn cách xã hội. Một số sản phẩm hải sản cũng tương tự như vậy. Do đó, có nhiều sản phẩm Việt Nam vẫn xuất khẩu tốt như: Tôm chân trắng nuôi đông lạnh và chế biến; tôm biển; cá ngừ và các loại cá biển đóng hộp; nước mắm; các loại thủy sản khô như cá, mực bạch tuộc khô; những sản phẩm chế biến sẵn khác; sản phẩm ăn liền; sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu;...

Tuy nhiên, kết quả trên chỉ là tình hình chung. Thực tế, dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có thủy sản. Nuôi trồng và khai thác Thủy sản đều bị ảnh hưởng. Có những giai đoạn (như từ tháng 3 đến tháng 5), sản phẩm nuôi như tôm và cá tra không xuất được, lượng tồn kho tăng nhưng hệ thống kho lạnh ở Việt Nam không đủ, thuê kho giá đắt. Khai thác hải sản khó khăn, sản lượng giảm. Trong những năm gần đây, các công ty phải nhập khẩu các sản phẩm biển từ các nước láng giềng, nhưng năm qua cũng bị giảm nhập vì dịch COVID-19 ảnh hưởng tới sản lượng và vận tải của hầu hết các nước.

3.3. Thẻ vàng IUU tác động giảm xuất khẩu hải sản sang EU

Thẻ vàng IUU của EU đã khiến cho xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ từ năm 2018 đến nay. Năm 2020, xuất khẩu sang EU bị
tác động kép bởi dịch COVID-19, thẻ vàng IUU và Brexit, khiến cho giá trị xuất khẩu hải sản sang thị trường này giảm 8% so với năm trước. Xuất khẩu thủy hải sản sang EU liên tục giảm và kể từ năm 2019 thị trường này đã rớt xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối, là đối tác quan trọng của thủy sản nước ta.

Dù hiệp định EVFTA mang lại lợi thế thuế quan từ 1/8/2020, khi nhu cầu hồi phục vào cuối năm, nhưng xuất khẩu hải sản sang EU cả năm 2020 vẫn giảm
8% so với năm 2019 - đạt 314 triệu USD, và so với năm 2017 doanh số giảm gần 50%.
Thực tế, trong năm qua khai thác hải sản khó khăn trong khi các quy định về chứng nhận, xác nhận thủy sản có nguồn gốc khai thác khiến cho nguồn nguyên liệu để xuất đi thị trường châu Âu càng trở nên hạn chế.

3.4. Trung quốc siết chặt kiểm tra ATTP và quy trình kiểm soát dịch COVID-19 của các công ty xuất khẩu thủy sản

Từ quý III/2020, Trung Quốc đã nhiều lần thông báo phát hiện virus corona trên bao bì thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ một số nước như Ấn Độ, Ecuador, Nga, Achentina…. Do vậy, hải quan nước này tuyên bố sẽ tăng cường thanh tra và kiểm tra thủy sản đông lạnh nhập khẩu để ngăn chặn sự bùng phát của virus.

Hải quan Trung Quốc cho biết, 1,3 triệu sản phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu đã được lấy mẫu để kiểm tra virus corona, với 47 mẫu cho kết quả dương tính; 39 nhà sản xuất thực phẩm nước ngoài đã bị đình chỉ khai báo nhập khẩu từ 1 - 4 tuần sau khi phát hiện
virus corona trên bao bì. Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu 124 nhà sản xuất
thực phẩm chuỗi lạnh từ 21 quốc gia sau khi nhân viên của họ bị nhiễm virus corona. Trong số này, 107 công ty đã tự ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

4. Cơ hội với ngành Thủy sản Việt Nam

4.1. Tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam

Khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách chống dịch quyết liệt, quyết tâm, kịp thời ngăn chặn COVID-19 lây lan. Đây có thể được coi là lợi thế đầu tiên. Tại Việt Nam, dù dịch bệnh không nghiêm trọng như các nước khác trên thế giới, nhưng cũng khiến cho thị trường lao động xáo trộn.

Lao động trong nhà máy chế biến thủy sản có tính đặc thù, làm việc theo dây chuyền nên khi dịch cao điểm các nhà máy phải cho công nhân nghỉ. Thế nhưng, khi dịch lắng xuống doanh nghiệp lại bị thiếu lao động. Ngoài ra, các chi phí trong chuỗi sản xuất đều tăng, nhất là cước vận tải. Trong tình hình đó, dù rất nỗ lực và linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường, nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn cũng gặp khó khăn về tài chính, còn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thực sự gặp khó khăn vì thiếu vốn, nợ ngân hàng.

Năm 2021, tình hình thương mại thủy sản sẽ vẫn bị tác động mạnh bởi đại dịch này, thậm chí đây vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất - nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2020, trong khi các nước sản xuất chính như Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước châu Á, châu Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khiến sản lượng giảm mạnh, thì sản lượng thủy sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng. Năm 2021, hy vọng Việt Nam vẫn duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác.

4.2. Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu nói chung và Anh nói riêng

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và được đưa vào thực thi trong năm 2020 đã tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của nước ta. Sau khi giảm liên tục trong nửa đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 7. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã giúp ngành Thủy sản liên tục có tăng trưởng hai con số từ tháng 9.

Thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9/2020 với mức tăng 19 - 30%. Xuất khẩu thủy sản sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 đạt 958 triệu USD. Dù con số này có
giảm nhẹ so với năm 2019, song là kết quả tương đối khả quan trong một năm nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.

Năm 2020, dịch COVID-19 làm giảm xuất khẩu sang nhiều thị trường, nhưng xuất khẩu thủy sản sang Anh vẫn tăng trưởng cao 23% với kim ngạch, 345 triệu USD. Đây sẽ là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam trong những năm tới, sau khi Anh rời khỏi EU và ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam vào tháng 12/2020. Với một khu vực kinh tế thương mại có liên kết, kết nối với 17 hiệp định thương mại tự do và còn 3 Hiệp định đang đàm phán…, Việt Nam còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.

4.3. Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực

Đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt. Năm 2020, riêng xuất khẩu thủy sản sang các nước thành viên hiệp định CPTPP đạt trên 2,21 tỷ USD,
chiếm 26% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang Canada tăng 14% - đạt 263 triệu USD, xuất khẩu sang Chile tăng 20% - đạt 19 triệu USD. Đây là
2 thị trường xuất khẩu hưởng lợi nhất trong hiệp định CPTPP, vì trước đó chưa tham gia vào FTA nào với nước ta.

4.4. Đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng

Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung tái cấu trúc ngành hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh, thương hiệu và tập trung phát triển các thị trường để ngành Thủy sản Việt bứt phá trong thời gian tới. Muốn bứt phá, người nuôi và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần tập trung xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng. Việc tạo ra giá trị cộng thêm cho sản phẩm cá tra tạo sự khác biệt so với sản phẩm cá thịt trắng khác sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và khiến người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm này. Cùng với đó, việc cải thiện chất lượng con giống, đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, chọn tạo giống có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trong mọi điều kiện và mở rộng thị trường cũng là vấn đề các chuyên gia cần lưu ý.

5. Dự báo cho ngành Thủy sản năm 2021

Bước sang năm 2021, theo VASEP, tình hình thương mại thủy sản vẫn bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19, thậm chí đây vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất - nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác.  Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thủy sản Việt hồi phục ở một số thị trường. Các doanh nghiệp cũng sẽ có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt thích ứng với biến động và thay đổi nhu cầu, thị hiếu của thị trường sau một năm COVID-19. VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2021 sẽ có kết quả khả quan hơn năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%.

Bên cạnh đó, dù nguồn nguyên liệu sản xuất có thể vẫn ổn định, nhưng dịch COVID-19 vẫn nghiêm trọng trên thế giới và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và hoạt động giao thương hàng hóa, trong đó có thủy sản. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể điều chỉnh linh hoạt về sản phẩm xuất khẩu để phù hợp với xu hướng thay đổi của thị trường. Theo đó, các sản phẩm như tôm chân trắng, cá hộp, cá khô, thủy - hải sản chế biến sẵn sẽ được tập trung sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn.

Có một số doanh nghiệp có cơ hội thị trường và đà phát triển xuất khẩu từ năm 2020, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó khăn hơn sau một năm thất bại vì COVID-19 làm giảm đơn hàng, làm suy yếu nguồn vốn. Do vậy, trong quý I/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chưa thể hồi phục. Xuất khẩu chỉ có thể hồi phục dần từ quý II nếu dịch bệnh không quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hậu cần cho việc xuất khẩu như tình trạng thiếu container xuất hàng vào 2 tháng cuối năm 2020. Xuất khẩu trong quý III và quý IV có thể sẽ tăng trưởng khả quan trở lại như nửa cuối năm 2020.

Thị trường Mỹ sẽ vẫn là điểm sáng của ngành Thủy sản xuất khẩu trong năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ tăng trưởng 8% trong quý I và tăng mạnh hơn trong các quý tiếp theo, đưa kết quả cả năm đạt 1,8 tỷ USD, tăng 13%. Mỹ tiếp tục tăng nhu cầu đối với các sản phẩm cho phân khúc bán lẻ như tôm chân trắng kích cỡ nhỏ, cá ngừ hộp, cá tra chế biến, nước mắm, và cá khô.

Thị trường EU không có khả quan về nhu cầu nhưng nhờ hiệp định EVFTA, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước khác, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhà nhập khẩu sẽ càng lựa chọn sản phẩm có lợi thế về giá. Do vậy, xuất khẩu
Thủy sản Việt Nam sang EU vẫn có cơ hội hồi phục nhẹ trong năm 2021. Do vậy, dự báo xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ tăng 6% - đạt trên 1 tỷ USD.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dương Ngọc Hồng (2020). EVFTA - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Tạp chí Công Thương.
  2. Bộ Công Thương (2020). Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Truy cập tại: http://cptpp.moit.gov.vn/
  3. Tổng cục Hải quan (2020). Tình hình xuất - nhập khẩu thủy sản Việt Nam 2020.
  4. VASEP (2020). Báo cáo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2020.
  5. VnEconomy (2021). Xuất khẩu thuỷ sản dự kiến đạt 8,8 tỷ USD trong năm 2021. <https://vneconomy.vn/xuat-khau-thuy-san-du-kien-dat-88-ty-usd-trong-nam-2021-20210222131440955.htm.>

 

POST COVID-19 PANDEMIC:

CURRENT SITUATION OF VIETNAM’S FISHERY INDUSTRY

DUONG NGOC HONG

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Most of agro-forestry and aquatic processing enterprises in Vietnam have faced difficulties and even some of them have closed or minimized their operation due to the Covid-19 pandemic. During the outbreak, the consumer spending has decreased while the production cost and the transportation cost have increased. In 2020, Vietnam’s major aquatic products exports had fluctuated and experienced an increase in the exports of white leg shrimp, marine shrimp, fish and crab. Meanwhile, the exports of pangasius decreased significantly and the exports of tuna and squid, octopus fell slightly. This paper analyzes the current situation of Vietnam’s acquatic industry and points out both opportunities and challenges for this sector. In addition, this paper presents a outlook for the fishery industry of Vietnam in this year.

Keywords: fishery industry, Covid-19 pandemic, orientation, policy, plan.