Tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội trong kinh doanh: Kinh nghiệm và thực tiễn đánh giá trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu

VÕ THỊ THÙY TRANG (Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

BSCI (Business Social Compliance Initiative - Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh) ra đời năm 2003 từ đề xuất của Hiệp hội Ngoại thương (FTA) với mục đích thiết lập một diễn đàn chung cho các quy tắc ứng xử và hệ thống giám sát ở châu Âu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện đánh giá BSCI, các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam, do đặc thù sản xuất, nên thường gặp phải một số trở ngại đặc biệt liên quan đến chế độ lương thưởng của người lao động, thời gian làm việc và chế độ an toàn lao động trong doanh nghiệp sản xuất. Bài viết đề cập đến kinh nghiệm và thực tế đánh giá một số chỉ tiêu BSCI trong ngành Thủy sản, đồng thời đưa ra hướng giải quyết cho các doanh nghiệp thủy sản nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Từ khóa: BSCI, trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp ngành Thủy sản.

1. Đặt vấn đề

BSCI (Business Social Compliance Initiative - Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh) ra đời năm 2003 từ đề xuất của Hiệp hội Ngoại thương (FTA) với mục đích thiết lập một diễn đàn chung cho các quy tắc ứng xử và hệ thống giám sát ở châu Âu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng của BSCI là cải thiện điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên toàn thế giới.

Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua một cam kết thực hiện và duy trì thường xuyên từ những người tham gia thực hiện hệ thống. BSCI có thể coi là tấm hộ chiếu cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào thị trường quốc tế, cũng như một số khách hàng của một số quốc gia yêu cầu hàng hóa phải được sản xuất từ những đơn vị sản xuất Việt Nam đạt được tiêu chuẩn này. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần cố gắng thực hiện việc đánh giá và cải thiện điều kiện sản xuất để đạt được tiêu chuẩn BSCI, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu Thủy sản.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đánh giá BSCI, các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam, do đặc thù sản xuất thường gặp phải một số trở ngại đặc biệt liên quan đến chế độ lương thưởng của người lao động, thời gian làm việc và chế độ an toàn lao động trong doanh nghiệp sản xuất. Bài viết đề cập đến kinh nghiệm và thực tế đánh giá một số chỉ tiêu BSCI trong ngành Thủy sản, đồng thời đưa ra hướng giải quyết cho các doanh nghiệp thủy sản.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Yêu cầu bộ nguyên tắc ứng xử BSCI

Bộ nguyên tắc ứng xử BSCI có 11 quy tắc:

  • Tự do lập Hội và Quyền Thương lượng tập thể.
  • Cấm phân biệt đối xử.
  • Lương bổng.
  • Thời gian làm việc.
  • An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc.
  • Cấm sử dụng lao động Trẻ em.
  • Cấm cưỡng bức lao động và các Biện pháp kỷ luật.
  • Không cung cấp việc làm tạm thời.
  • Không sử dụng lao động lệ thuộc.
  • Bảo vệ môi trường.
  • Hành vi kinh doanh có đạo đức.

Nội dung cơ bản của bộ quy tắc ứng xử BSCI:

-  Yêu cầu tuân thủ pháp luật.

-  Cung cấp phương thức phát triển quan hệ đối tác kinh doanh hợp đạo đức và có trách nhiệm chung, trao quyền cho người lao động thông qua thương mại quốc tế.

-  Dựa trên các Công ước Cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), áp dụng cho tất cả các quốc gia.

-  Phù hợp với các Nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và nhân quyền của Liên Hiệp quốc và các tiêu chuẩn quốc tế tương tự.

Mục tiêu cuối cùng của BSCI là cải thiện điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên toàn thế giới. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua một cam kết thực hiện và duy trì thường xuyên từ những người tham gia thực hiện hệ thống.

- Tiêu chuẩn BSCI được áp dụng cho tất cả tổ chức, không phân biệt loại hình, địa điểm, quy mô,...

- Đây là tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện, tập trung vào việc quản lý liên quan đến trách nhiệm xã hội.

- Khi tổ chức xây dựng và đáp ứng theo tiêu chuẩn BSCI, tổ chức có hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội có thể tạo ra môi trường làm việc giảm thiểu rủi ro liên quan đến an toàn lao động, công nhân được đối xử công bằng, nhằm thỏa mãn nhu cầu của người lao động, khách hàng và yêu cầu luật pháp.

Để có thể thực hiện việc tham gia làm thành viên của BSCI, doanh nghiệp cần dựa vào checklist để rà soát xem có đủ những điều kiện để áp dụng BSCI. Một số điều kiện được nêu rõ trong checklist như doanh nghiệp phải có hệ thống phòng cháy chữa cháy, người lao động được đào tạo về an toàn lao động và đóng bảo hiểm cho người công nhân đầy đủ. Có bếp ăn tập thể và 1 tháng không được làm tăng ca quá 30 giờ và 1 năm không quá 200 giờ. Việc áp dụng bộ quy tắc BSCI sẽ không có chứng nhận mà chỉ có kết quả đánh giá chính là báo cáo đánh giá theo hạng. Cụ thể như sau:

- Hạng AB -> 2 năm.

- Hạng CD -> 1 năm.

- Hạng E -> 6 tháng.

Tiêu chuẩn BSCI được áp dụng cho tất cả tổ chức, không phân biệt loại hình, địa điểm, quy mô.... Đây là tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện, tập trung vào việc quản lý liên quan đến trách nhiệm xã hội. Khi tổ chức xây dựng và đáp ứng theo tiêu chuẩn BSCI, tổ chức có hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội có thể tạo ra môi trường làm việc giảm thiểu rủi ro liên quan đến an toàn lao động, công nhân được đối xử công bằng, nhằm thỏa mãn nhu cầu của người lao động, khách hàng và yêu cầu luật pháp.

2.2. Lợi ích của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khi tham gia tự nguyện đánh giá BSCI

Như chúng ta đã biết, lợi ích mà các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu khi tự nguyện tham giá đánh giá BSCI là rất lớn. Khi các tổ chức nói chung và các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu nói riêng tham gia vào đánh giá BSCI sẽ mang lại lợi ích như sau:

  • Tham gia BSCI sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động bằng việc tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp và thân thiện hơn.
  • Thành viên tham gia BSCI sẽ có cơ hội tìm kiếm khách hàng tại những thị trường lớn trong tương lai.
  • Nhờ những tổng thể của BSCI sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
  • Nâng cao giá trị doanh nghiệp trong các vấn đề xã hội, đối tác về đạo đức kinh doanh.
  • Trong dài hạn, việc tham gia BSCI sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận.
  • Các hoạt động có tính hệ thống, nâng cao tính đoàn kết trong công ty.
  • BSCI là minh chứng cho việc sản phẩm của doanh nghiệp được tạo ra không từ cưỡng bức lao động và trẻ em.

Mặt khác, nhiều nhà kinh doanh bán lẻ trên thị trường yêu cầu cao không chỉ ở chất lượng sản phẩm mà từ việc sản phẩm phải được sản xuất ra từ các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn BSCI. Chính vì vậy, khi các doanh nghiệp tự nguyện tham gia BSCI và được kiểm toán đạt sẽ góp phần không nhỏ cho các sản phẩm của họ có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cũng như hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp.

3. Kinh nghiệm và thực tiễn đánh giá BSCI trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu

3.1 Đặc điểm của doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ảnh hưởng đánh giá BSCI

Ngành chế biến thủy sản thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm, nhưng với đặc thù riêng của sản phẩm nhanh hỏng, như: cá, tôm, mực,… lao động chủ yếu thủ công, làm việc trong môi trường tiếp xúc với nước và lạnh, nặng nhọc, chất lượng sản phẩm, tỷ lệ thu hồi phụ thuộc vào tay nghề và ý thức của người lao động… Do vậy, việc tuyển dụng lao động trực tiếp gặp nhiều khó khăn, trong điều kiện nguồn lao động khan hiếm, đã đặt ra cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải xây dựng được chế độ tiền lương tiền thưởng, chế độ đãi ngộ cho người lao động, tạo môi trường làm việc tốt, chế độ an toàn lao động,… nhằm thu hút lực lượng lao động lành nghề, lao động trẻ phục vụ cho nhu cầu sản xuất của công ty, nâng cao hiệu quả. Cũng chính từ đặc điểm của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu là nguyên liệu mang tính mùa vụ cao, nên dễ dẫn đến những vi phạm khi kiểm toán (audit) các tiêu chuẩn BSCI. Làm thế nào để hài hòa giữa đặc điểm sản xuất của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của BSCI luôn là vấn đề đặt ra.

3.2. Kinh nghiệm và thực tiễn đánh giá BSCI trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu

Qua quá trình đánh giá BSCI trong một số doanh nghiệp chế biến thủy sản cho thấy, trong số các tiêu chí đánh giá, thực tế đánh giá có một số vấn đề các doanh nghiệp hay gặp phải đã ảnh hưởng đến hạng đạt được hoặc kiểm toán đánh giá đạt hay không đạt như sau:

Về lương bổng và thời gian làm việc:

Nội dung số 3 (lương bổng) và số 4 (thời gian làm việc) là yếu tố hầu hết qua thực tế đánh giá hay bị đơn vị kiểm toán (audit) đánh giá là vi phạm.

Như đã cập phần 3.1, ngành Thủy sản với đặc thù phụ thuộc rất lớn vào mùa vụ, do vậy ở những tháng mùa vụ đòi hỏi nhu cầu giải quyết nhanh, cũng như là ngành chế biến thực phẩm, sản xuất xuất khẩu theo đơn hàng, nên nhiều lúc cần giải quyết nhanh đơn hàng, trong khi lực lượng lao động thủ công hiện nay đang thiếu. Do vậy, việc tăng ca và vượt thời gian theo quy định của luật lao động là khó tránh khỏi.

Hướng khắc phục: Nguyên tắc giỏi một việc và biết nhiều việc cần được quan tâm ở các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Theo nguyên tắc này, các doanh nghiệp sẽ đảm bảo công nhân sẽ làm việc liên tục, tránh hiện tượng tăng ca, vừa vi phạm luật lao động lại làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, bởi lẽ lương ngoài giờ bằng 150% lương trong giờ. Mặt khác, ở những thời điểm không có nguyên liệu, công nhân vẫn có việc làm, tránh hiện tượng bù lương nếu thấp hơn mức lương cơ bản do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, theo tâm lý của người lao động, họ chỉ thích làm những công việc mà họ đã quen, mặt khách nếu chuyển làm công việc khác (Ví dụ từ tổ đông sang steak, hay từ steak sang hấp,…) với mức độ chuyên môn hóa chưa cao thì ảnh hưởng đến năng suất của họ, nên họ khó chấp nhận. Do vậy, để tạo tính ổn định lâu dài, các doanh nghiệp nên có chế độ khuyến khích hỗ trợ lương cho những công nhân học thêm nghề mới.

Về chế độ tiền lương, gần như các doanh nghiệp chế biến thủy sản, công nhân được hưởng lương theo năng suất. Do vậy, cần xây dựng quy định về tiền lương, hệ số tính lương theo sản phẩm rõ ràng và cụ thể, chế độ thưởng phạt được quy định cụ thể. Tiền lương phải được xây dựng trên cơ sở định mức lao động và mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định, hàng năm khi mức lương tối thiểu được quy định, thì doanh nghiệp nên tính toán lại mức lương cho người lao động, đảm bảo không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Về kế toán:

Chứng từ cần đầy đủ, thể hiện rõ trên bảng lương về lương thời gian làm việc trong giờ, ngoài giờ, mức lương thanh toán cho từng loại lương, thể hiện rõ mức lương thưởng theo năng suất, thưởng vượt năng suất, thưởng do tỷ lệ thu hồi vượt chuẩn,... Trong một số trường hợp lương của người lao động không đạt được mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định do yếu tố khách quan, và doanh nghiệp bù lương, mức bù lương như thế nào, để giải trình khi kiểm toán (Audit) để được chấp nhận. Qua thực tế đánh giá, có nhiều doanh nghiệp giải trình về thực hiện của doanh nghiệp rất tốt, tuy nhiên chứng  từ kế toán không phù hợp, dẫn đến kiểm toán đánh giá không đạt ở nội dung này. Nhìn chung, chứng từ kế toán hợp pháp hợp lý, phản ánh thực tế tại doanh nghiệp nên chứng từ kế toán cần chú ý để kiểm toán được thuận tiện.

Về An toàn và sức khỏe cho người lao động:

An toàn và sức khỏe cho người lao động luôn là vấn đề quan tâm của bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, không tránh khỏi thiếu sót và vấn đề là ý thức của người lao động. Mặt khác, một số doanh nghiệp có thời gian xây dựng đã lâu, một số trang thiết bị hay bố trí không hợp lý, một số nhà máy mua lại và nhà xưởng được thực hiện trên hiệu chỉnh bố trí và các trang thiết bị sẵn có. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu luôn tiếp cận nguồn điện nước dễ mất an toàn lao động. Do vậy, cần chú ý đến các vấn đề, như: phòng cháy chữa cháy, an toàn hệ thống điện nước, dụng cụ bảo hộ an toàn người lao động phải được cung cấp đầy đủ… Có nhiều xưởng kiểm toán không đạt vì hệ thống cửa mở ra vào không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, hệ thống ngắt cầu dao điện hay dây điện bố trí không phù hợp,…

Vấn đề về sức khỏe của người lao động cũng là vấn đề cần chú ý: Hàng năm, người lao động cần được khám sức khỏe, chính sách hỗ trợ người lao động doanh nghiệp cần chú ý để chứng minh chứng từ kế toán thể hiện vấn đề này, không chỉ là các giấy khám sức khỏe do người lao động cung cấp, chi phí gắn liền được thể hiện rõ ràng trên các hóa đơn chứng từ kế toán. Vấn đề sức khỏe cho người lao động, đặc biệt trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cũng luôn được quan tâm để tránh lây nhiễm vi sinh cho môi trường sản xuất hay có khả năng cao lây nhiễm vào sản phẩm, không chỉ gắn với BSCI, thế nhưng khi đánh giá nhiều doanh nghiệp cũng bị đánh giá không đạt.

Ý thức của người lao động: Qua thực tế, vấn đề an toàn lao động còn phát sinh do ý thức của người lao động, doanh nghiệp cần truyên truyền để nâng cao ý thức, có chế độ thưởng phạt, thậm chí cho nghỉ việc nếu người lao động không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động của doanh nghiệp. Như vậy, mới hạn chế tai nạn liên quan đến an toàn xảy ra. Bởi lẽ, nếu trong kỳ đánh giá, có tai nạn liên quan an toàn lao động xảy ra thì vấn để đạt được tiêu chuẩn BSCI cũng là vấn đề khó khăn khi kiểm toán.

Về vấn đề bảo vệ môi trường:

Doanh nghiệp xanh hay doanh nghiệp bảo vệ tốt môi trường luôn là vấn đề được quan tâm không chỉ là quy định Nhà nước mà sẽ tác động đến tâm lý của khách hàng khi sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp đó, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Trách nhiệm xã hội với khách hàng và với cộng đồng ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp. Trong khi sản xuất sản phẩm thủy sản luôn đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư và chất thải thải ra môi trường. Nhiều doanh nghiệp mặc dù được xây dựng nhà máy trong khu công nghiệp, nước thải được đưa vào hệ thống xử lý nước thải chung của khu công nghiệp trước khi đưa ra môi trường, đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng cho doanh nghiệp mình. Việc này có 2 lợi ích: (1) Bảo vệ môi trường; (2) Nếu chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn thì chi phí phải trả cho xử lý nước thải của khu công nghiệp cũng sẽ giảm. Vấn đề chứng từ kế toán chưa được lưu trữ, minh chứng rõ ràng chi phí này.

Vấn đề khác liên quan đến quá trình sản xuất: như hệ thống thùng chứa, hệ thống bảo quản dầu máy cho chạy máy sản xuất, phải có thùng chứa chuyên dụng, xung quanh được xây dựng bệ,… để tránh có thể thẩm thấu vào hệ thống nước ngầm,… các chất thải hay phụ phẩm, phế phẩm phải có bồn chứa, thùng chứa,... Vấn đề xử lý mùi và khói bụi do quá trình sản xuất tạo ra cũng phải được chú ý.

Vấn đề bảo vệ môi trường ảnh hưởng rất lớn đến hạng BSCI (nội dung 2.1) cũng như kiểm toán đánh giá đạt hay không đạt của tiêu chuẩn trong hệ thống đánh giá BSCI. Chính vì vậy, trong doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cần có hệ thống kế toán môi trường, tổng hợp chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường và cung cấp cho kiểm toán khi thực hiện kiểm toán, minh chứng chi phí liên quan minh chứng cho quá trình bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Các vấn đề khác:

Trên đây là 3 vấn đề chính mà đánh giá BSCI hay mắc phải. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khác hay bị mắc phải khi kiểm toán như: vấn đề lao động nữ, vấn đề sử dụng lao động trẻ em, cưỡng bức lao động hay vấn đề cung cấp lao động tạm thời,… cũng cần được quan tâm. Với vai trò của mình, doanh nghiệp cần phải xây dựng quy chế về vấn đề này như: cho phép lao động nữ nghỉ được hưởng lương hoặc sẽ được chi trả lương 3 ngày/tháng cho nữ lao động trong độ tuổi sinh sản. Nhiều doanh nghiệp quên đi vấn đề này cũng sẽ bị ảnh hưởng khi kiểm toán đánh giá.

Có nhiều vấn đề nhỏ khác mà các doanh nghiệp không coi trọng, nhưng khi đánh giá đã ảnh hưởng đến hạng BSCI khi kiểm toán nhà xưởng và doanh nghiệp.

Về kế toán: Cần có hồ sơ lưu trữ đầy đủ lao động của doanh nghiệp, chế độ chính sách cho người lao động và chế độ chi trả kịp thời cho người lao động, làm minh chứng khi đánh giá.

Kết luận:

Trong quá trình thực hiện các hợp đồng xuất khẩu thủy sản, nhiều khách hàng, nhiều quốc gia, đặc biệt sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào hệ thống siêu thị của các quốc gia phát triển, yêu cầu nhà máy sản xuất phải đạt tiêu chuẩn BSCI đã đặt trách nhiệm lớn đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Với sự đánh giá khắt khe của các tổ chức đánh giá, gắn liền tiêu chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cần chú ý để đạt được tiêu chuẩn, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị của sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, với vai trò kế toán, đặc biệt kế toán môi trường cần chú ý, làm minh chứng cho quá trình đánh giá.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. IvanStevenson and KristinaMarintseva. (2019). A review of Corporate Social Responsibility assessment and reporting techniques in the aviation industry. Transportation Research Procedia, 43, 93-103
  2. Nguyễn Thi Hồng Giang (2018), Trách nhiệm xã hội đối với khách hàng của VNPT Hải Phòng, luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng.
  3. Sổ tay hướng dẫn BSCI, https://tailieuxanh.com/vn/tlID1961445_so-tay-huong-dan-bsci.html
  4. Tổng quan ngành Thủy sản Việt Nam (2020), http://vasep.com.vn/1192/OneContent/tong-quan-nganh.htm
  5. https://www.isovietnam.vn/sa-8000/573-bsci-la-gi.html
  6. https://tuvanisovn.com/tu-van-iso/tu-van-bsci/
  7. http://itvc-global.com/gioi-thieu-ve-bsci-s175.htm

 Business Social Compliance Initiative: Experience and practical assessment in seafood processing enterprises for exporting

Ph.D Vo Thi Thuy Trang

Nha Trang University

ABSTRACT:

The Business Social Compliance Initiative (BSCI) was established in 2003 from the proposal of the Foreign Trade Association (FTA) with the purpose of establishing a common forum for rules of conduct and monitoring systems in Europe for corporate social responsibilities. During the BSCI assessment, Vietnamese seafood processing enterprises often encounter some obstacles related to the remuneration regime, the working conditions, the occupational safety and the working time for employees due to their specific production characteristics. This paper presents experience and practical assessment of some BSCI evaluation criteria in the fisheries sector. In addition, this paper proposes some solutions to help Vietnam’s fisheries enterprises increase the value of their products and their competitiveness.

Keywords: BSCI, social responsibility, fisheries enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]