TÓM TẮT:
Nghiên cứu nhằm xem xét và phân tích sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến thủy sản tại tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2014-2018 qua các nội dung tăng trưởng về quy mô, chuyển dịch cơ cấu, liên kết chuỗi trong chế biến thủy sản và bảo vệ môi trường bằng các phương pháp thống kê mô tả, phân tích, tổng hợp từ bộ dữ liệu thứ cấp và sơ cấp thu thập được. Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian qua, ngành này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa có tính đột phá; từ đó đề xuất một số hàm ý chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương.
Từ khóa: Công nghiệp chế biến thủy sản, phát triển công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, tỉnh Trà Vinh.
1. Đặt vấn đề
Phát triển ngành không những bao gồm tăng trưởng kinh tế của ngành mà còn đề cập đến sự thay đổi cơ cấu kinh tế, khía cạnh xã hội và môi trường [5]. Tăng trưởng kinh tế nhờ vào đóng góp của các ngành công nghiệp [24], trong đó có ngành công nghiệp chế biến thủy sản, nó đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu và việc làm [22]. Chính phủ Việt Nam đã định hướng phát triển ngành này thông qua việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết chế biến, tiêu thụ với sản xuất nguyên liệu, bảo vệ môi trường [13], với quan điểm tập trung phát triển theo hướng tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp, nâng cao tỷ trọng cơ cấu ngành chế biến trong cơ cấu ngành công nghiệp và gia tăng tỷ trọng đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển ngành chế biến phải gắn với phát triển vùng nguyên liệu sản xuất [1], góp phần thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển [8].
Tại tỉnh Trà Vinh, ngành Công nghiệp chế biến thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, sự phát triển của ngành góp phần gia tăng giá trị GRDP [19-20]. Tuy nhiên, theo số liệu Cục thống kê tỉnh, giá trị sản xuất của ngành Chế biến thủy sản có xu hướng giảm liên tục từ 1.934 tỉ đồng (năm 2013) xuống còn 1.071,1 tỉ đồng (năm 2016, tốc độ giảm hàng năm lần lượt là (-27,3), (-7,3) và (-17,9), trong khi nguồn nguyên liệu thủy sản tại địa phương rất lớn nhưng ngành chế biến mới chỉ sử dụng khoảng từ 5 - 7%. Giá trị xuất khẩu đã đóng góp từ 11% đến 16,6% kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Mặt khác, ngành Chế biến thủy sản cũng mới sử dụng 1.408 lao động bao gồm cả lao động phổ thông, kỹ thuật, chuyên môn và quản lý trực tiếp tham gia vào hoạt động tại các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, chiếm 0,28% lực lượng lao động.
Chính vì vậy, nghiên cứu đi sâu vào phân tích thực trạng phát triển của ngành Công nghiệp chế biến thủy sản tại tỉnh Trà Vinh trong thời gian qua, để làm cơ sở đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành trong thời gian tới.
2. Cơ sở lý luận
Tăng trưởng quy mô là sự gia tăng về lượng hoặc giá trị trong một thời kỳ nhất định, là kết quả của tất cả các hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ do toàn hoạt động tạo ra. Tăng trưởng thường được phản ánh qua mức tăng trưởng và tỷ lệ tăng trưởng.
Đối với ngành Công nghiệp chế biến thủy sản, sự tăng trưởng này được phản ánh thông qua các tiêu chí như gia tăng về số lượng doanh nghiệp, quy mô vốn hoặc lao động [5, 14, 26], và giá trị sản xuất công nghiệp chế biến [10, 14, 26].
Chuyển dịch cơ cấu trong chế biến thủy sản là tập hợp những thay đổi cơ cấu về sản xuất, thương mại được cho là cần thiết để tiếp tục phát triển ngành. Cụ thể, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, phương thức tổ chức chế biến và cơ cấu thị trường (Nội địa/Xuất khẩu) [5, 14, 21, 25].
Thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sản xuất được đánh giá qua sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm thủy sản giản đơn (sơ chế và ướp lạnh) sang các sản phẩm chế biến tinh hơn (như đông lạnh, đóng gói và sản phẩm giá trị gia tăng) để nâng cao giá trị gia tăng từ mỗi đơn vị được chế biến; gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong chế biến, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ hai, chuyển dịch phương thức sản xuất, chế biến với quy mô nhỏ sang quy mô lớn hơn, có hiệu quả hơn; được đánh giá thông qua cơ cấu giá trị sản xuất của phương thức sản xuất thủ công, truyền thống và phương thức sản xuất hiện đại (áp dụng máy móc công nghệ).
Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu thị trường tiêu thụ nội địa sang thị trường xuất khẩu. Nó được đánh giá thông qua tỷ trọng sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Liên kết chuỗi sản xuất trong chế biến thủy sản là chỉ các mối quan hệ cụ thể giữa các bên trong chuỗi giá trị. Các mối liên kết có thể có cả liên kết chính chức và phi chính thức; liên kết theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang [23]. Hay liên kết đa chủ thể từ cơ quan nghiên cứu, hộ ngư dân, nhà máy và doanh nghiệp chế biến [18]. Sự liên kết có thể bắt đầu từ những việc như thiết lập hệ thống thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin, hỗ trợ thu mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm. Những tác nhân trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị ngành Thủy sản gồm hộ nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản - Thương lái, chủ vựa - Cơ sở/doanh nghiệp chế biến - Tiêu thụ (Chợ/ Siêu thị và Xuất khẩu) [9 - 15]. Liên kết để đảm bảo tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ cũng như thương hiệu [4].
Liên kết chuỗi trong công nghiệp chế biến thủy sản tại nghiên cứu này được xem xét đến mối liên kết giữa đầu vào - cơ sở chế biến (như (i) nông hộ, ngư dân với cơ sở chế biến, (ii) Thương lái với cơ sở chế biến, (iii) Chủ vựa với cơ sở chế biến) và liên kết giữa cơ sở chế biến- tiêu thụ (như cơ sở chế biến- siêu thị, đại lý; cơ sở chế biến - nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu).
Bảo vệ môi trường là ngăn ngừa, giảm thiểu, kiểm soát và xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm về không khí, nguồn nước và tiếng ồn; làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của con người. Trong các doanh nghiệp khác nhau, điều kiện sản xuất khác nhau, mức độ kiểm soát được môi trường có thể khác nhau nhưng nhìn chung cần tập trung giải quyết các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ các chất thải rắn và các phụ phẩm nước thải, khí thải [2, 6, 16]; tiếng ồn, độ ẩm (liên quan đến chế biến thủy sản đông lạnh) cũng được đề cập ảnh hưởng đến môi trường. Phương pháp thu gom, phân loại, bảo quản và vận chuyển, giải pháp xử lý chất thải rắn thu được [2, 16]. Xử lý nước thải thông qua việc giảm thiểu ô nhiễm nước thải (như sản xuất sạch hơn trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm và thu gom chất thải rắn ngay từ đầu), xử lý nước thải (có hệ thống xử lý, công suất thực tế/công suất đầu tư của hệ thống xử lý nước thải, sử dụng phương pháp sinh học, cơ học, hóa học, chất lượng nước thải). Xử lý khí thải và mùi; tiếng ồn xung quanh khu vực đặt nhà máy, tiếng ồn trong phân xưởng; độ ẩm cho phép nơi làm việc của công nhân tại các phân xưởng chế biến đông lạnh [12, 16, 17]. Bảo vệ môi trường của công nghiệp chế biến thủy sản được đánh giá thông qua các tiêu chí như: (i) Xử lý chất thải, (ii) Xử lý khí thải và (iii) Xử lý tiếng ồn.
3. Phương pháp nghiên cứu
Trong nghiên cứu thực tiễn liên quan đến phát triển công nghiệp chế biến thủy sản tại tỉnh Trà Vinh, tác giả đã (1) thu thập dữ liệu thứ cấp thông qua các báo cáo của các cơ quan chức năng và các tài liệu nghiên cứu đã được công bố; số liệu sơ cấp thu thập bằng phương pháp điều tra, sử dụng bảng hỏi có cấu trúc với câu hỏi đóng được phỏng vấn trực tiếp để thu thập các thông tin liên quan đến hình thức chế biến, đồng thời lồng ghép các câu hỏi theo thang đo mức độ 5 điểm để phỏng vấn chủ/giám đốc các cơ sở chế biến thủy sản về mức độ liên kết giữa cơ sở với các tác nhân cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào, và với các tác nhân tiêu thụ sản phẩm.
Nghiên cứu tiến hành phỏng vấn từ 46/69 cơ sở, chiếm 66,7% tổng thể. Trong đó, tác giả khảo sát 100% số doanh nghiệp chế biến thủy sản, 64,06% số cơ sở kinh doanh cá thể. Riêng đối với khảo sát hộ dân sống, buôn bán xung quanh hoặc ven các cơ sở, doanh nghiệp chế biến để xem xét cư dân đánh giá việc xử lý môi trường của các cơ sở như thế nào, nghiên cứu lấy đại diện từ 2 - 3 (hộ)/cơ sở, tương ứng từ 104 - 156 phiếu.
(2) Phương pháp thống kê mô tả chỉ tiêu thống kê cơ bản được tính toán từ các số liệu theo dãy thời gian như tốc độ phát triển, cơ cấu quan hệ tỉ lệ, để xem xét đánh giá xu hướng và tính biến động của số liệu.
Ngoài ra, phần mềm SPSS.20 cũng được sử dụng để tính trung bình mức độ liên kết giữa các tác nhân. Hơn nữa, phương pháp phân tích tổng hợp cũng được sử dụng trong tất cả các phần nghiên cứu, giúp làm rõ đối tượng nghiên cứu.
4. Thực trạng phát triển công nghiệp chế biến thủy sản tại tỉnh Trà Vinh
4.1. Tăng trưởng về quy mô công nghiệp chế biến thủy sản
Sự tăng trưởng về quy mô của ngành Công nghiệp chế biến thủy sản được xem xét ở các khía cạnh như gia tăng về số lượng cơ sở chế biến, về quy mô vốn, lao động và kết quả chế biến.
Thứ nhất, số lượng cơ sở chế biến thủy sản giai đoạn 2014 - 2018 có mức tăng bình quân 1,12%, hàng năm có sự biến động không ngừng. Cụ thể, năm 2014, dấu hiệu kinh tế phục hồi và một số khó khăn vĩ mô đã giảm bớt, giúp cho số lượng cơ sở chế biến thành lập mới có dấu hiệu tăng với mức tăng 4,8% so với năm 2013 - tăng cao hơn gấp 4 lần so với mức tăng bình quân. Đến năm 2015, 2016, tăng trưởng âm xuất hiện lần lượt là (15,2%), (7,1%), nguyên nhân chủ yếu do thiên tai, dịch bệnh, con giống kém chất lượng, hạn hán nhiễm mặn dẫn đến giá cả nguyên liệu không ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến. Thêm vào đó, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn về giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiếu vốn, làm ăn thua lỗ, làm cho phần lớn các cơ sở quy mô nhỏ giải thể, hoặc tạm dừng hoạt động. Đến năm 2018, thời tiết thuận lợi, tình hình dịch bệnh kiểm soát được, không bị tình trạng xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ kinh phí cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu, nâng công suất để tham gia đánh bắt xa bờ, vì thế nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở được ổn định, giá cả hợp lý làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở được tốt hơn. Đồng thời, số lượng đăng ký mới cũng tăng lên, góp phần gia tăng số lượng cơ sở hoạt động năm 2018 - tăng 32,7% so với năm 2017, cao gấp nhiều lần so với mức tăng bình quân giai đoạn 2014 - 2018.
Thứ hai, trong giai đoạn 2014 -2018, ngành Công nghiệp chế biến thủy sản có sự gia tăng quy mô theo vốn. Kết quả thống kê cho thấy, năm 2016 - 2017 có đến 04 cơ sở duy trì quy mô vốn ở mức từ 50 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng. Đến năm 2018, số này giảm đi 3/4, tức còn 01 cơ sở, do có 02 cơ sở bổ sung vốn đạt trong khoảng từ 200 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng. Số cơ sở có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm đại đa số, đặc biệt năm 2018 tăng 37,5% so với năm 2017 và chiếm tỷ trọng 95,65%, cao nhất trong các năm tính từ năm 2013 do có nhiều cơ sở có quy mô nhỏ được thành lập. Ngoài ra, cũng có sự gia tăng quy mô theo lao động trong giai đoạn này. Kết quả thông kê cũng đã chỉ ra rằng, số lượng cơ sở có quy mô lao động lớn thì ít hơn nhiều lần so với cơ sở có quy mô siêu nhỏ. Cụ thể, trong năm 2018, có 79,71% cơ sở (55/69) có số lao động dưới 5 người, tăng 10% so với năm 2014 do số cơ sở tham gia hoạt động trong lĩnh vực này tăng lên 8,5% trong cùng kỳ. Đồng thời, 13,04% cơ sở có số lao động từ 5 - 9 người, tương ứng với 9 cơ sở, số lượng này không tăng so với năm 2014, số cơ sở có từ 10 - 49 người lao động, từ 50 - 199 người, từ 200 - 299 và từ 500 - 999 lên lần lượt là 1 - 2 - 1 - 0 và có 01 cơ sở có quy mô lao động từ 1000 người trở lên, trong khi năm 2016, 2017, 2018 không có cơ sở nào nằm trong phạm vi này, thay vào đó là 01 cơ sở có số lao động từ 500 - 999 người.
4.2. Chuyển dịch cơ cấu trong chế biến
Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến: Sản phẩm thủy sản chủ yếu của công nghiệp chế biến thủy sản gồm thủy sản ướp lạnh, thủy sản đông lạnh và thủy sản đóng hộp. Cơ cấu sản phẩm công nghiệp chuyển dịch theo xu hướng thay thế nhóm sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Biểu đồ (Hình 1) đã cho thấy, từ năm 2014 - 2018, nhóm hàng đứng đầu là thủy sản đông lạnh, luôn ở mức trên 50% trong tổng cơ cấu và năm 2018 chiếm đến 80,6%. Kế đến, nhóm hàng thủy sản đóng hộp có xu hướng tăng về tỷ trọng trong những năm từ 2012 đến 2015, đạt mức 45,4%, gần bằng nhóm hàng thủy sản đông lạnh (52,4%) trong cùng kỳ. Tuy nhiên, năm 2017 có xu hướng giảm, còn lại 38,2%, trong tổng cơ cấu và còn 19,4% năm 2018. Kết quả cho thấy chế biến sản phẩm đóng hộp đã có sự dịch chuyển sang sảng phẩm đông lạnh. Cuối cùng, trong những nhóm hàng được thống kê vào tổng sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh, nhóm hàng thủy sản ướp lạnh chiếm tỷ trọng thấp nhất, đạt mức 11,2% vào năm 2014 giảm còn 2,2% trong cơ cấu sản phẩm vào năm 2015 và đến năm 2016 nó được thay thế hoàn toàn bởi nhóm thủy sản đóng hộp và thủy sản đông lạnh.
Hình 1: Cơ cấu sản phẩm công nghiệp thủy sản giai đoạn 2014 - 2018
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh và tính toán của tác giả
Chuyển dịch phương thức tổ chức sản xuất: Theo kết quả điều tra (2019) cho thấy, chế biến thủy sản có sự chuyển biến rõ rệt trong phương thức sản xuất, từ chế biến với các máy móc, thiết bị thô sơ, kỹ thuật đóng gói, bảo quản đơn giản sang đầu tư công nghệ vào hoạt động chế biến để cho ra sản phẩm chất lượng theo các tiêu chuẩn như HACCP, GMP, BRC (Global Standard for Food Safety), ACC, ISO 9001:2000. Các cơ sở chế biến đã không ngừng cải tiến, đầu tư các thiết bị, xây dựng kho trữ đông để bảo quản sản phẩm sau chế biến, phục vụ cho hoạt động chế biến với tỷ trọng đầu tư vào tài sản cố định, ước tính 52,79% vốn kinh doanh bình quân năm 2018. Cùng với đó là đội ngũ kỹ thuật, quản lý, kiểm tra chất lượng có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp. Tuy nhiên, kết quả này chỉ thể hiện rõ nét ở khu vực doanh nghiệp, còn khu vực cá thể thì chuyển biến chậm. Các cơ sở chế biến thuộc khu vực cá thể thường có phương thức sản xuất truyền thống với phương pháp sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, vì thế tạo ra giá trị sản xuất thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp với phương thức sản xuất hiện đại, đầu tư dây chuyền sản xuất. Dẫu vậy, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này vẫn tạo ra từ 5,71% đến 7,0% tổng giá trị sản xuất của ngành từ 2014 - 2018. Cụ thể, giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010, được tạo ra bởi khu vực cá thể năm 2014, đạt 84.755 triệu đồng, chiếm 6% tổng giá trị sản xuất của ngành với 89,39% quy mô về số lượng cơ sở chế biến, đến năm 2016 giá trị sản xuất sụt giảm còn 63.027 triệu đồng, chiếm 5,9%. Trong cùng kỳ, khu vực doanh nghiệp tạo ra 94% giá trị sản xuất toàn ngành với 10,61% quy mô số lượng cơ sở, và giá trị sản xuất đạt 94,1% vào năm 2016. Tình hình sản xuất khả quan hơn, cả hai khu vực (cá thể và doanh nghiệp) đều có sự gia tăng về giá trị sản xuất vào năm 2018 đạt lần lượt là 77.584 triệu đồng (chiếm 5,7%), với 92,75% quy mô số lượng cơ sở và 1.281.972 triệu đồng (chiếm 94,3%), với 7,25% quy mô số lượng cơ sở.
Hình 2: Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp thủy sản hai khu vực giai đoạn 2014 - 2018
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh, khảo sát và tính toán của tác giả
Chuyển dịch cơ cấu thị trường: Sản phẩm thủy sản công nghiệp chủ yếu ở Trà Vinh được thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu tiêu thụ. Thị trường xuất khẩu đã tiêu thụ 50,6% tổng sản phẩm vào năm 2014, phần còn lại là của tiêu thụ thị trường trong nước. Cơ cấu này phần lớn các năm đều có sự chuyển dịch từ thị trường tiêu thụ trong nước sang tiêu thụ ở thị trường xuất khẩu. Đến năm 2018, thị trường xuất khẩu đã tiêu thụ hơn ¾ tổng sản lượng công nghiệp của ngành (Hình 3). Thị trường xuất khẩu chính gồm EU, Nhật và Bắc Mỹ với mặt hàng tôm chiếm từ hơn 50% sản lượng xuất khẩu, và có xu hướng luôn tăng trong cơ cấu sản phẩm, kế đến là cá đông và thủy sản đông lạnh khác.
Hình 3: Cơ cấu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu
Nguồn: Cục thống kê tỉnh Trà Vinh, khảo sát và tính toán của tác giả
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2018 với 160 thị trường xuất khẩu với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu gồm: Cá tra, tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc, cua ghẹ và giáp xác. Riêng tôm được xuất sang 89 thị trường, trong đó 10 thị trường lớn gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 95,9% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Cơ cấu kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam trên một số thị trường nổi bật vào những năm 2017, 2018.
4.3. Liên kết chuỗi sản xuất trong chế biến thủy sản
Mô hình liên kết trong hoạt động chế biến thủy sản được thực hiện chủ yếu theo liên kết dọc.
Hình 4: Liên kết đầu vào - chế biến - đầu ra của ngành Chế biến thủy sản tỉnh Trà Vinh
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả nghiên cứu thực địa, 2019
Liên kết giữa đầu vào - cơ sở chế biến: Kết quả khảo sát (2019) cho thấy, ngành Công nghiệp chế biến thủy sản (CBTS) tại tỉnh Trà Vinh được cung cấp nguyên liệu thủy sản để chế biến chủ yếu từ 3 tác nhân gồm nông dân, ngư dân và trung gian phân phối (thương lái, vựa). Mối liên kết này phát triển sẽ giúp cho cơ sở chế biến chủ động được nguồn nguyên liệu, nắm rõ được nguồn gốc cũng như chất lượng của nguyên liệu. Tuy nhiên, nó chưa được hình thành rõ nét trong thời gian qua. Theo kết quả khảo sát, đối với Trung gian phân phối được đánh giá là có quan hệ liên kết, hợp tác chặt chẽ nhất so với các tác nhân khác (3,59 điểm), đây là mức liên kết khá chặt chẽ, và lợi ích mang lại cho các tác nhân đầu vào chỉ đơn thuần chia sẻ thông tin chứ không có sự hỗ trợ về kỹ thuật, máy móc thiết bị, hoặc vốn; đối với ngư dân được đánh giá liên kết lỏng lẽo, mang tính thời điểm (2,28 điểm); còn đối với nông hộ thì được đánh giá chung là không có sự liên kết hợp tác, đạt 1,52 điểm.
Hình 5: Mức độ hợp tác, liên kết giữa cơ sở chế biến với các tác nhân đầu vào
Nguồn: Kết quả khảo sát năm 2019, sử dụng công cụ SPSS Statistics 20
Thực tế đã chỉ ra rằng, phần lớn các cơ sở chế biến thủy sản tại tỉnh Trà Vinh đều chưa thiết lập được hệ thống tổ chức thu mua nguyên liệu trực tiếp từ nông hộ, ngư dân mà chủ yếu thu mua từ đơn vị trung gian phân phối. Việc thu mua thủy sản từ các đơn vị này sẽ đáp ứng được nguyên liệu phù hợp với biến động về nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, cách làm này dẫn đến hệ quả là các cơ sở chế biến phải phụ thuộc vào các thương lái, chủ vựa về tính đầy đủ số lượng nguyên liệu được cung cấp để phục vụ chế biến. Mặt khác, cơ sở chế biến cũng không nắm rõ được nguồn gốc cũng như chất lượng của nguyên liệu.
Liên kết giữa cơ sở chế biến - tiêu thụ: Qua khảo sát thực tế (2019) cho thấy, sản phẩm của các cơ sở chế biến chủ yếu cung cấp qua khâu trung gian phân phối để đến với người tiêu dùng (100% cơ sở). Trong tổng số cơ sở đó, có 8,7% cơ sở liên kết với nhà xuất khẩu, 4,3% liên kết với nhà nhập khẩu và không có đơn vị nào trực tiếp đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Mối liên kết giữa cơ sở chế biến với trung gian thông qua hợp đồng miệng. Mặc dù vậy, cơ sở vẫn thực hiện đúng cam kết về số lượng, thời gian, cũng như đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đơn hàng hợp đồng miệng thường xuyên biến động về số lượng theo nhu cầu của khách hàng. Đối với trường hợp liên kết với nhà xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện bằng hợp đồng giấy, thể hiện đầy đủ về khối lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, giá cả và thời hạn giao hàng. Các cơ sở xác nhận trong những năm gần đây chưa có đơn hàng bị trả lại do vi phạm hợp đồng.
4.4. Bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường là một phần trong trách nhiệm của ngành Công nghiệp chế biến thủy sản nói chung và của cơ sở chế biến nói riêng. Theo Viện Nghiên cứu Hải sản (2012), tỷ lệ chất thải trong hoạt động chế biến thủy sản rất cao, tỷ lệ khối lượng chất thải trên khối lượng thành phẩm đông lạnh thu được đối với mặt hàng tôm thịt là 0,75 lần, cá phi lê là 1,8 lần và nhuyễn thể hai mảnh vỏ là 8,0 lần. Kết quả khảo sát 400 - 402 doanh nghiệp chế biến thủy sản có quy mô công nghiệp ở Việt Nam [3, 7, 11] đã có 64 doanh nghiệp (15,92%) không có hệ thống xử lý chất thải. Bên cạnh đó, còn có một số cơ sở chế biến có hệ thống xử lý nhưng chưa hoàn thiện trong quy trình đủ năm công đoạn quan trọng [7]; cả nước có 97,77% số cơ sở chế biến thủy sản đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; áp dụng QCVN 11:2008/BTBMT có 75,87%; gần 50% DN áp dụng các QCVN, TCVN về khí thải; áp dụng sản xuất sạch hơn có 52,24%. Hệ thống xử lý khí thải, số thiết bị sử dụng không có bộ phận xử lý khí thải nhiều hơn gấp 2,4 lần số thiết bị có bộ phận xử lý khí thải. Trong số thiết bị có bộ phận xử lý khí thải hầu như không được thay thế, sửa chữa và bảo dưỡng [11].
Tuy nhiên, kết quả khảo sát 46 cơ sở chế biến thủy sản tại tỉnh Trà Vinh có 73,91% cơ sở chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp bởi chi phí đầu tư quá cao sẽ làm nâng giá thành sản phẩm; 50,78% cơ sở chế biến thủy sản đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; 15,22% cơ sở áp dụng QCVN 11:2015/BTBMT; và 15,22% cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn. Chất thải rắn từ hoạt động sản xuất chủ yếu là các bộ phận thừa loại bỏ của thủy hải sản như đầu, vỏ tôm; mắt, nội tạng mực; vây, đầu, nội tạng cá,... - đây là các chất hữu cơ dễ phân hủy, gây mùi hôi thối. Mặc dù vậy nhưng kết quả khảo sát cho thấy, 100% cơ sở có chất thải rắn nằm trong ngưỡng cho phép tại quy chuẩn Việt Nam QCVN 40:2011/BTNMT. Kế đến, chất thải lỏng chủ yếu là nước thải từ quá trình chế biến thủy sản, thứ yếu là nước thải sinh hoạt, nước rửa sàn, máy móc thiết bị, nước phát sinh từ hệ thống xử lý khí, mùi, đều được các cơ sở sản xuất có những biện pháp hiệu quả để quản lý và xử lý tốt nguồn nước thải này trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Vì thế, chưa có cơ sở nào bị cơ quan chức năng đánh giá có chất thải lỏng hay nguồn nước thải ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép về môi trường QCVN 11:2008/ BTNMT.
Tương tự, tiếng ồn phát sinh chủ yếu ở khâu sơ chế, chế biến và đóng gói thủy hải sản nhưng chưa vượt ngưỡng theo quy định hiện hành. Khí thải ra môi trường từ quá trình phơi, sấy đối với sản phẩm khô cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân viên tại cơ sở, dân cư khu vực lân cận, để giảm thiểu tối đa mức tác động đến môi trường không khí. Một số cơ sở đã đầu tư hệ thống sấy bằng máy sấy điện kết hợp làm mát tự động thay cho hình thức phơi nắng hoặc sử dụng lò sấy với nhiên liệu đốt. Đến thời điểm khảo sát, chưa có cơ sở nào bị đánh giá vượt ngưỡng môi trường bởi cơ quan chức năng.
Xử lý chất thải rắn, tiếng ồn, mùi và xử lý nước thải của ngành Công nghiệp chế biến thủy sản tại tỉnh Trà Vinh được đánh giá (5 cấp độ: Hoàn toàn tốt, tốt, tương đối tốt, không tốt, hoàn toàn không tốt) thông qua người sinh sống, buôn bán quanh, ven cơ sở chế biến. Trong số 109 người được hỏi về công tác xử lý chất thải rắn của các cơ sở chế biến thủy sản thì có 2,75% đánh giá hoàn toàn tốt, 49,54% đánh giá tốt, tương đối tốt 36,7%, không tốt 9,17% và 1,83% đánh giá hoàn toàn không tốt. Tương tự cơ cấu trên, đối với xử lý tiếng ồn lần lượt là 0%, 72,48%, 20,18%, 4,59% và 2,75%; đối với xử lý mùi: 0%, 11,93%, 27,52%, 56,88% và 3,67%; và xử lý nước thải: 0%, 21,10%, 27,52%, 44,04% và 7,37%. Nhìn chung, công tác xử lý chất thải rắn, nước thải, mùi và tiếng ồn của ngành Công nghiệp chế biến thủy sản tại Trà Vinh có ảnh hưởng không tốt đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, chế biến thủy sản tại Trà Vinh về cơ bản chưa tốt, tương tự tình hình chung của ngành chế biến thủy sản cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ sở chế biến chưa cao, vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học và công nghệ xử lý chất thải còn hạn chế; hệ thống văn bản, cơ chế chính sách như các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải trong chế biến thủy sản chưa phù hợp, chậm sửa đổi, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho xử lý chất thải [7]. Công tác thanh tra, xử phạt về ô nhiễm môi trường trong hoạt động chế biến thủy sản chưa được thực hiện triệt để [3].
5. Một số hàm ý chính sách phát triển công nghiệp chế biến thủy sản tại tỉnh Trà Vinh
Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành Công nghiệp chế biến thủy sản tại Trà Vinh vẫn còn tồn tại những hạn chế:
Thứ nhất, ngành có số lượng cơ sở tham gia lĩnh vực chế biến thủy sản chủ yếu có quy mô nhỏ (vốn ít, số lượng lao động ít). Chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, hay các nhà đầu tư có quy mô lớn. Các cơ sở đang hoạt động chưa mạnh dạn đầu tư vốn, công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất, đó cũng là một trong những nguyên nhân chưa sử dụng hiệu quả tiềm năng về nguồn nguyên liệu của địa phương.
Thứ hai, đầu tư công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Phần lớn cơ sở chế biến theo phương thức giản đơn, sản phẩm công nghiệp chủ lực tôm đông lạnh, chưa đầu tư phát triển sản phẩm mới phục vụ thị trường xuất khẩu, cũng như chưa đầu tư vào công tác khai thác các thị trường hiện có của ngành.
Thứ ba, cơ sở chế biến thủy sản chưa thật sự quan tâm đến xây dựng mối liên kết với hộ nuôi trồng, ngư dân, các cơ sở thu mua dẫn đến hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu thủy sản. Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết với hệ thống siêu thị để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước.
Thứ tư, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao bởi phần lớn các cơ sở chế biến chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp; việc cam kết công tác bảo vệ môi trường cũng chưa thật sự được quan tâm.
Do đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý đối với các đơn vị sản xuất và đơn vị quản lý nhà nước:
Một là, gia tăng quy mô của ngành Công nghiệp chế biến thủy sản thông qua việc đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư trong lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện và triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng, đất đai, và thuế.
Hai là, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, phát triển sản phẩm mới, chủ lực đáp ứng nhu cầu của thị trường; nghiên cứu và khai thác các thị trường tiềm năng để cung ứng sản phẩm của ngành.
Ba là, hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh hàng thủy sản; quan tâm xây dựng và phát triển mối liên kết bền vững với hộ nuôi trồng, ngư dân để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng của nguyên liệu thủy sản, nhằm đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ.
Bốn là, tăng cường định hướng và hỗ trợ các cơ sở chế biến thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trường; quy hoạch vào khu công nghiệp, hoặc khu chế biến thủy sản tập trung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2011), Quyết định số 2310/QĐ-BNN-CB ngày 04/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển chế biến thủy sản toàn quốc đến năm 2020.
- Trần Duy (2014), "Tận dụng phụ phẩm từ chế biến thủy sản", Tạp chí Thương mại Thủy sản, 177, 70-73.
- Nguyễn Thị Thu Hà và Trần Quốc Trung (2016), "Tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam", Tạp chí Kinh tế Đối ngoại, 82, 79-86.
- Hồ Quế Hậu (2013), "Liên kết giữa doanh nghiệp chế biến nông sản với nông dân- Thực trạng và giải pháp", Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 196, 72-79.
- Trần Văn Hùng (2016), Phát triển ngành công nghiệp gỗ vùng Đông Nam Bộ, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Luật.
- Trung Mai (2012), "Thực trạng môi trường ở các cơ sở chế biến thủy sản ", Tạp chí Thương mại Thủy sản, 153, 12-14.
- Lê Thị Phượng (2015), "Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất nông lâm thủy sản", Tạp chí Môi trường, 7, 20-21.
- Ronald D. Zweig và các cộng sự. (2005), Việt Nam: Nghiên cứu ngành Thủy sản. Báo cáo được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Quỹ Ủy thác Toàn cầu của Nhật Bản dành cho Phát triển Thủy sản Bền vững của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.
- Lê Xuân Sinh (2012), "Phân tích chuỗi giá trị tôm sú ở đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Thương mại thủy sản, 148, tr.82.
- Tô Hiến Thà (2014), Phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Việt Nam theo hướng bền vững, Luận án Tiến sĩ, Học viện chính trị.
- Nguyễn Xuân Thi và các cộng sự. (2015), "Ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế biến thủy sản", Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, 5, 17-20.
- Đỗ Văn Thông (2014), "Chung tay xử lý nước thải chế biến thủy sản", Tạp chí Thương mại Thủy sản, 171, 84-85.
- Chính phủ (2013), Quyết định 1445/QĐ-TTg V/v việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngày 16/8/2013.
- Nguyễn Thanh Trúc (2015), Phát triển công nghiệp chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Luận án Tiến sĩ, Đại học Đà Nẵng.
- Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Tiến Hưng (2018), "Phân tích chuỗi phân phối và lợi ích chi phí nuôi tôm sú vùng đồng sông Cửu Long", Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp, 1, 61-71.
- Vũ Tiến Tường (2008), "Xử lý ô nhiễm môi trường trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản", Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 19, 25-26.
- Nguyễn Thị Thanh Vân (2016), "Vấn đề bảo vệ môi trường khu công nghiệp ở thành phố Đà Nẵng", Tạp chí Sinh hoạt Lý luận, 4, 75-79.
- Hà Thanh Việt (2008), "Các doanh nghiệp chế biến thủy sản tỉnh Bình Định: Nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập ", Tạp chí Tài chính, 8, 26-28.
- Phan Phùng Việt (2010), "Định hướng phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020", Tạp chí Công nghiệp, 10, 34-35.
- Trần Văn Việt (2013), "Vai trò và tiềm năng của ngành thủy sản đối với sự phát triển kinh tế của đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam.", Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 27, 136-144.
- Abdoul’ Ganiou Mijiyawa. (2017). Drivers of Structural Transformation: The Case of the Manufacturing Sector in Africa. World Development, 99, 141-159.
- Amaya Vega, Ana Corina Millerb và Cathal O’Donoghued. (2014). "Economic impacts of seafood production growth targets in Ireland. Marine Policy, 47, 39-45.
- M Kniivil (2007), Industrial Development for the 21st Century: Sustainable Development Perspectives, UNITED NATIONS, ed.
- Trond Bjrndal và các cộng sự. (2016). Fish processing in Portugal: An industry in expansion. Marine Policy, 72, 94-106.
- Zhengyong Yang và các cộng sự. (2016). China's aquatic product processing industry: Policy evolution and economic performance. Trends in Food Science & Technology, 58, 149-154.
THE CURRENT SITUATION OF THE DEVELOPMENT
OF SEAFOOD PROCESSING INDUSTRY IN TRA VINH PROVINCE
• Master. DUONG THI TUYET ANH
Tra Vinh University
• Ph.D NINH THI THU THUY
Da Nang University of Economics
ABSTRACT:
This research aims to investigate and analyze the development of the seafood processing industry in Tra Vinh province in the period of 2014-2018 through the contents of growth in industry seafood processing including scale, restructuring and chain linkages production and environment protection. The research methods based on descriptive, analytical and aggregated statistics from secondary and primary data collected. The results show that in recent years, the growth of the seafood processing industry is still not proportional to development potential and has not been a breakthrough property. This research results can be used for proposing the strategic solutions of industry development suitable to local conditions in Tra Vinh Province.
Keywords: Seafood processing industry, industrial development, seafood processing industry development, Tra Vinh Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]