Kế toán quản trị: Xây dựng kế toán quản trị cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở thành phố Cần Thơ

ThS. TRƯƠNG THỊ THÚY HẰNG (Bộ môn Kế toán - Kiểm toán, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:
Kế toán quản trị (KTQT) được coi là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu trong điều kiện nền kinh tế thị trường có cạnh tranh, bởi tính linh hoạt, hữu ích và kịp thời của thông tin kế toán phục vụ yêu cầu quản trị nội bộ doanh nghiệp (DN). Với các DN chế biến thủy sản ở thành phố Cần Thơ, việc ứng dụng KTQT trong hoạt động quản lý còn là vấn đề mới mẻ, chưa được triển khai một cách đồng bộ và khoa học, ở một mức độ nhất định các DN đã vận dụng một số nội dung trong công tác lập dự toán và kiểm soát chi phí, nhưng chưa khai thác và phát huy hết ưu thế của loại công cụ quản lý khoa học này. Qua quá trình khảo sát, tìm hiểu thực trạng việc tổ chức bộ máy kế toán và vận dụng KTQT trong DN chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ, tác giả đã xây dựng KTQT cơ bản có thể vận dụng vào thực tiễn cho các DN. Tác giả đã tập trung xây dựng một số nội dung, gồm: Xây dựng bộ máy KTQT, nhận diện và phân loại chi phí, xây dựng hệ thống các dự toán ngân sách,... Trên cơ sở mô hình ý tưởng, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị để tổ chức xây dựng thực hiện vào thực tế DN.
Từ khóa: Kế toán quản trị, doanh nghiệp chế biến thủy sản Cần Thơ.

1. Đặt vấn đề

Trong nền kinh tế thị trường, sự thành công của một DN phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định quản trị. Tuy nhiên trong thực tế, những quyết định của các nhà quản trị thường được xác lập trên cơ sở các thông tin của kế toán nhất là KTQT - là nguồn thông tin hữu ích và đáng tin cậy.
Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC),... phải chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do đó, việc đổi mới quản trị DN trong thời buổi hiện nay đang là vấn đề bức thiết, quyết định đến sự sống còn, phát triển DN trong xu thế cạnh tranh toàn cầu. Đổi mới quản trị DN tạo ra động lực thúc đẩy thay đổi hoàn thiện hệ thống kế toán nhất là KTQT một bộ phận kế toán gắn kết mật thiết với quản trị, giúp nhà quản trị tiếp cận, xác lập xây dựng công cụ phục vụ cạnh tranh. Thế nhưng ở Việt Nam, KTQT là một lĩnh vực chuyên môn kế toán không những mới lạ trong thực tiễn mà còn mới lạ ngay cả trong lý luận. Ngày 12/06/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 53/2006/TT-BTC về việc hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN. Tuy nhiên, đây chỉ là văn bản hướng dẫn không mang tính bắt buộc, nên thực tế việc áp dụng công tác KTQT của các DN ở nước ta còn khá nhiều hạn chế, cần phải được nghiên cứu và áp dụng.
Thành phố Cần Thơ là nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp so với các tỉnh thành lân cận ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, việc áp dụng KTQT cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ chưa cao và còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, muốn kiểm soát tốt chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, các DN sản xuất tại thành phố Cần Thơ nói chung và các DN chế biến thủy sản nói riêng cần hơn nữa những công cụ quản lý, phục vụ đắc lực cho việc quản trị DN, làm tăng sức cạnh tranh của DN. Vì thế, nghiên cứu này sẽ cung cấp thêm thông tin giúp cho nhà quản trị trong các DN chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ ứng dụng để xây dựng mô hình tổ chức công tác KTQT cho DN của mình.

2. Quan điểm xây dựng kế toán quản trị trong doanh nghiệp chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ

2.1. Quan điểm xây dựng kế toán quản trị kết hợp với kế toán tài chính

Kế toán tài chính và KTQT đều là công cụ quan trọng trong quản lý phục vụ cho mục tiêu chung là quản lý DN. Kế toán tài chính và KTQT cùng nghiên cứu quá trình sản xuất kinh doanh, cùng sử dụng hệ thống ghi chép ban đầu và cùng thể hiện trách nhiệm của người quản lý nhưng khác nhau về đối tượng sử dụng thông tin, đặc điểm thông tin, yêu cầu về thông tin, phạm vi cung cấp thông tin... Kế toán tài chính cung cấp thông tin cho đối tượng chủ yếu bên ngoài doanh nghiệp, trong khi đó KTQT chỉ cung cấp thông tin cho những nhà quản lý bên trong doanh nghiệp. Vì vậy, sự phân chia thành kế toán tài chính và KTQT trong hệ thống kế toán để nhằm chuyên môn hóa theo mục đích ghi chép và cung cấp thông tin. Theo đó, KTQT và kế toán tài chính có mục tiêu, đặc điểm, nội dung, vai trò, chức năng riêng. Cần phải xác định rõ phạm vi, ranh giới trong việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin giữa hai loại kế toán trên. Xây dựng KTQT trên cơ sở kết hợp hài hòa với kế toán tài chính là tất yếu khách quan, vừa bổ sung cho nhau, vừa đảm bảo tính lợi ích kinh tế khi xây dựng KTQT cho DN.

2.2. Quan điểm tương xứng, phù hợp, đơn giản dễ hiểu

So với kế toán tài chính, KTQT là một lĩnh vực khá mới mẻ. Vì vậy, các khái niệm và công cụ của KTQT đang được hoàn thiện dần, nhằm cung cấp thông tin trợ giúp cho các quyết định của nhà quản trị. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng. Để KTQT trở thành một công cụ hữu hiệu trong tương lai, hệ thống KTQT phải được thay đổi, cải tiến để thích ứng với những thay đổi đó. Đồng thời, KTQT mang đậm tính đặc thù, là vấn đề mang màu sắc chi tiết, gắn với từng DN cụ thể, do đó không thể có quy định thống nhất về nội dung kế toán quản trị cho các DN. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng hệ thống KTQT phù hợp, tương xứng với từng lĩnh vực hoạt động, từng loại hình DN, tình hình kinh doanh, quy mô, trình độ kĩ thuật và yêu cầu quản lý của từng DN cụ thể. Sự phù hợp trong KTQT có thể hiểu là dựa vào các yếu tố trên để có thể lựa chọn phương án xây dựng KTQT thích hợp.

2.3. Quan điểm xây dựng kế toán quản trị trên cơ sở kế thừa có chọn lọc

KTQT đã từng hình thành và giữ vai trò quan trọng trong hệ thống kế toán DN, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển. Sẽ là sai lầm nếu xây dựng KTQT cho các DN chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ nếu bỏ qua tất cả các nội dung, phương pháp kỹ thuật, phương pháp hạch toán của kế toán trước đây có liên quan đến quản trị DN ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Vì vậy, khi xây dựng KTQT chúng ta phải biết kế thừa những truyền thống, những kinh nghiệm quý báu đã được thực tế khẳng định trong những năm qua ở Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, là một chuyên ngành kế toán độc lập cung cấp thông tin quản trị, tính hữu hiệu và hiệu quả của KTQT luôn mang tính cá biệt hơn là tính khuôn mẫu chung. Vì vậy, xây dựng KTQT không phải là áp dụng một cách cứng nhắc khuôn mẫu ở các nước phát triển trên thế giới vào DN mà là sự kế thừa có chọn lọc phù hợp với những đặc điểm chung và riêng của từng DN, cải tiến và bổ sung những phương pháp, chỉ tiêu tính toán quản trị sao cho phù hợp với cơ chế quản lý của doanh nghiệp.

2.4. Quan điểm lợi ích - chi phí

Hiện nay, việc tổ chức kế toán quản trị trong các doanh nghiệp là không bắt buộc. Vì vậy, việc xây dựng kế toán quản trị cho các DN chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ cần phải cân nhắc giữa lợi ích đạt được và chi phí bỏ ra. Nếu nhà quản lý doanh nghiệp thấy được lợi ích mang lại nhiều hơn chi phí bỏ ra thì họ sẽ xây dựng và ngược lại.

3. Xây dựng kế toán quản trị trong doanh nghiệp chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ

3.1. Xây dựng bộ máy kế toán quản trị

Khi xây dựng bộ máy KTQT trong DN chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ, chúng ta cần tìm hiểu về quy mô của doanh nghiệp, nhu cầu quản lý của nhà quản trị, trình độ chuyên môn và công tác tổ chức bộ máy kế toán hiện tại.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ có thể tổ chức bộ máy kế toán theo một trong các mô hình sau:
- Mô hình kết hợp: Là mô hình gắn kết hệ thống KTQT với hệ thống kế toán theo từng phần hành kế toán. Kế toán viên theo phần hành kế toán nào sẽ thực hiện cả phần hành KTQT. Ngoài ra, các DN chế biến thủy sản cần bố trí người thực hiện các nội dung KTQT chung khác, như: thu thập, phân tích các thông tin phục vụ việc lập dự toán và phân tích thông tin phục vụ cho việc ra quyết định trong quản trị DN... Mô hình này sẽ tiết kiệm chi phí tổ chức vận hành bộ máy kế toán nhưng hiệu quả không cao vì kế toán tài chính và KTQT tuân thủ những nguyên tắc khác nhau.
- Mô hình tách biệt: Là mô hình tổ chức hệ thống KTQT riêng biệt với hệ thống kế toán tài chính trong phòng kế toán của DN chế biến thủy sản. Mô hình này áp dụng phù hợp với các DN chế biến thủy sản có quy mô lớn. Với mô hình này, KTQT sẽ phát huy được tối đa vai trò chức năng của mình, tuy nhiên các DN chế biến thủy sản sẽ phải trả rất nhiều chi phí để vận hành mô hình này.
- Mô hình hỗn hợp: Là mô hình kết hợp giữa 2 mô hình nêu trên, trong đó tổ chức bộ phận KTQT chi phí giá thành riêng, còn các nội dung khác thì theo mô hình kết hợp. (Hình 1).

Mô hình hỗn hợp kế toán quản trị
3.2. Xây dựng các nội dung kế toán quản trị vận dụng trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ

3.2.1 Nhận diện, phân loại chi phí

Chi phí là yếu tố quan trọng và được hầu hết các nhà quản trị quan tâm, bởi vì mỗi đồng chi phí bỏ ra đều ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Do đó, các nhà quản trị luôn quan tâm đến việc quản lý tốt chi phí.
Để giúp nhà quản trị trong việc quản lý tốt chi phí thì công việc đầu tiên của KTQT là phân loại chi phí. Tiêu thức phân loại chi phí được KTQT sử dụng là dựa vào cách ứng xử của chi phí. Sự phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí là yếu tố cơ bản để giúp nhà quản trị ra quyết định. Từ đó, các nhà quản trị có thể kiểm soát được các khoản chi phí và có biện pháp quản lý tốt chi phí nhằm nâng cao lợi nhuận cho DN.
Việc phân loại chi phí dựa trên căn cứ ứng xử của chi phí sẽ chia chi phí thành các loại chi phí sau: biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp.
Biến phí: là những chi phí mà tổng số sẽ tăng hay giảm cùng một tỷ lệ với sự gia tăng giảm của mức độ hoạt động, tuy nhiên, nếu tính trên một đơn vị mức độ hoạt động thì lại không đổi. Do đó, chi phí này luôn luôn gắn liền với hoạt động, khi hoạt động phát sinh thì chi phí phát sinh; ngược lại khi hoạt động mất đi thì chi phí cũng không còn nữa.
Định phí: là những chi phí mà tổng số sẽ không thay đổi khi mức độ hoạt động thay đổi trong một phạm vi phù hợp, do đó nếu tính trên một đơn vị mức độ hoạt động thì lại thay đổi.
Chi phí hỗn hợp: là loại chi phí mà thành phần của chúng bao gồm cả 2 yếu tố biến phí và định phí, nó luôn tồn tại một phần định phí để sẵn sàng cho các hoạt động và một phần biến phí tăng khi mức độ hoạt động tăng. Để tách chi phí này thành 2 yếu tố là biến phí và định phí chúng ta có thể sử dụng một trong các phương pháp sau: Phương pháp cực đại - cực tiểu, phương pháp đồ thị phân tán và phương pháp bình phương bé nhất.

chi phí kế toán quản trị

3.2.2. Xây dựng hệ thống các dự toán ngân sách sử dụng trong công tác KTQT

Dự toán là một kế hoạch hành động, nó lượng hóa các mục đích của tổ chức theo các mục tiêu về tài chính và hoạt động của DN, cùng với chức năng hệ thống hóa việc lập kế hoạch, các thông tin trên dự toán cũng đưa ra những tiêu chuẩn cho việc đánh giá kết quả hoạt động, hoàn thiện sự truyền tải thông tin và sự hợp tác trong nội bộ tổ chức.
Mục đích cơ bản của việc lập dự toán ngân sách là phục vụ cho việc hoạch định và kiểm soát hoạt động kinh doanh. Thông qua 2 chức năng này người quản lý đạt được mục tiêu của các tổ chức kinh doanh là tối đa hóa lợi nhuận. Các DN nghiệp chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ có thể lập các dự toán sau đây:

Sơ đồ dự toán kế toán quản trị

3.2.3. Xây dựng hệ thống các báo cáo quản trị

Báo cáo KTQT là nguồn thông tin cần thiết cho các nhà quản trị ở các cấp độ khác nhau, đặc biệt là cho nhà quản trị cấp trung và cấp cao. Do đặc điểm của KTQT là thông tin cung cấp hướng về tương lai, có tính linh hoạt. Vì vậy, khi xây dựng hệ thống báo cáo KTQT cần đảm bảo các mục tiêu:
- Xây dựng hệ thống báo cáo KTQT phải đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích nhất cho nhà quản trị. Do đó, báo cáo phải được thiết kế đơn giản, dễ hiểu và phải phù hợp với nhu cầu thông tin của nhà quản trị DN.
- Báo cáo KTQT được xây dựng phải được thiết kế phù hợp với từng loại hình hoạt động của DN.
- Báo cáo KTQT được xây dựng phải phù hợp với phạm vi cung cấp thông tin của KTQT, đồng thời đảm bảo phục vụ cho các chức năng quản lý của nhà quản trị. Ngoài các báo cáo đã được lập các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ có thể thiết kế thêm các báo cáo sau đây:

- Báo cáo thu nhập dạng đảm phí: Báo cáo này có thể lập cho toàn DN, hoặc có thể chi tiết theo từng bộ phận phụ thuộc, theo từng hợp đồng sản xuất, hoặc theo từng nhóm mặt hàng, từng loại mặt hàng.
- Báo cáo chi tiết khối lượng sản phẩm hoàn thành và tiêu thụ trong kỳ: Báo cáo này có thể lập theo từng loại sản phẩm, từng bộ phận sản xuất sản phẩm trong kỳ, hoặc có thể lập cho toàn bộ DN nhằm mục đích cung cấp cho các nhà quản trị các thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong từng thời gian của niên độ kế toán.
- Báo cáo tiến độ sản xuất: Báo cáo này có thể lập theo từng loại sản phẩm, nhằm mục đích cung cấp cho các nhà quản trị các thông tin về tiến độ sản xuất sản phẩm trong từng thời gian của niên độ kế toán.
- Báo cáo cân đối nhập, xuất, tồn kho nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa: Báo cáo này giúp nhà quản trị nắm đựợc thường xuyên những thông tin về hàng tồn kho để xác định rõ những nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ, như: nhu cầu của khách hàng, chất lượng sản phẩm, giá bán, tính chất kịp thời của việc cung ứng hàng hóa, từ đó có những giải pháp thúc đẩy quá trình tiêu thụ.
- Báo cáo chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm: Báo cáo này có thể lập chi tiết theo từng đối tượng tính giá thành, chi tiết theo từng khoản mục. Mục đích của việc lập báo cáo này giúp quản trị các cấp trong nội bộ DN có những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm góp phần nâng cao lợi nhuận.
- Báo cáo chi tiết các khoản nợ phải thu, nợ phải trả: Loại báo cáo này thường được lập chi tiết cho từng đối tượng, từng thời hạn thanh toán nhằm cung cấp cho quản trị DN những thông tin chi tiết để có những giải pháp tích cực thúc đẩy quá trình thanh toán đúng hạn, hạn chế rủi ro kinh doanh cho DN.
- Báo cáo mua, bán hàng hóa, nguyên vật liệu: Báo cáo này do bộ phận mua bán hàng hóa lập, có thể lập các báo cáo này theo ngày hóa đơn hoặc theo khách hàng.
- Báo cáo bộ phận: Báo cáo bộ phận được lập để nhà quản trị xem xét để kiểm soát và quản lý đối với chi phí và doanh thu của từng bộ phận trong DN.
- Báo cáo bộ phận lập cho trung tâm trách nhiệm: Báo cáo đánh giá thành quả của trung tâm chi phí, báo cáo đánh giá thành quả của trung tâm doanh thu, báo cáo đánh giá thành quả của trung tâm lợi nhuận, báo cáo đánh giá thành quả của trung tâm đầu tư.

3.2.4. Ứng dụng phân tích chi phí - khối lượng - lợi nhuận để ra quyết định kinh doanh

Ra quyết định là chức năng quan trọng trong các chức năng quản trị. Trong ngành Chế biến thủy sản, các yếu tố nằm trong công thức xác định điểm hòa vốn luôn biến động. Ví dụ như biến phí thì phụ thuộc giá nguyên liệu trên thị trường. Hơn nữa, đây là ngành hàng chuyên xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài nên giá bán và sản lượng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ. Điều kiện tự nhiên của thành phố Cần Thơ thuận lợi cho ngành hàng thủy sản nên số lượng DN tham gia vào ngành ngày càng nhiều, điều này làm cho sức cạnh tranh trong ngành càng cao, giá bán có xu hướng giảm trong khi chi phí ngày càng tăng. Do vậy quyết định một phương án kinh doanh hiệu quả cần được xem xét và lựa chọn kỹ lưỡng.
Nguyên tắc để đưa ra quyết định là: nếu phương án mới đem về lợi nhuận cao hơn phương án cũ thì DN sẽ chọn phương án đó, ngược lại thì DN sẽ không lựa chọn.

4. Một số kiến nghị để xây dựng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ

4.1. Về phía doanh nghiệp

- DN cần nâng cao nhận thức của nhà quản trị, giúp nhà quản trị thấy được tầm quan trọng của KTQT trong hệ thống kế toán.
- Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới hệ thống kế toán DN gồm kế toán tài chính và KTQT.
- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên về KTQT trong DN.
- Ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa kế toán trong công tác kế toán.

4.2. Về phía nơi đào tạo

- Cần có sự cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy chuyên ngành kế toán trong trường đại học. Trong đó, đào tạo sâu chuyên ngành KTQT như một ngành thực thụ, ứng dụng nhiều trong thực tế.
- Xây dựng mô hình đào tạo kết hợp lý thuyết với thực hành KTQT giữa nhà trường và các DN để sinh viên có thể được tìm hiểu thực tế, cọ xát và hiểu rõ vấn đề hơn.

4.3. Về phía Nhà nước

Hiện nay Luật Kế toán Việt Nam và thông tư hướng dẫn kế toán quản trị đều đề cập đến KTQT nhưng còn rất chung chung gây khó hiểu cho các DN khi xây dựng KTQT. Như vậy, để hỗ trợ cho các DN thủy sản tại thành phố Cần Thơ trong việc xây dựng KTQT thì Nhà nước cần ban hành thêm các thông tư hướng dẫn và hướng dẫn cụ thể cho từng loại hình DN. Từ đó, giúp cho DN có một cơ sở nền tảng pháp lý vững chắc trong việc xây dựng KTQT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT – BTC “Hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp”.
2. PGS. TS. Phạm Văn Dược, TS. Huỳnh Lợi (2009). Mô hình và cơ chế vận hành kế toán quản trị trong doanh nghiệp, Nhà Xuất bản Tài chính.
3. TS. Phan Đức Dũng (2009). Kế toán quản trị, Nhà Xuất bản Thống kê.
4. Huỳnh Lợi (2007). Luận án tiến sĩ kinh tế: “Xây dựng kế toán quản trị trong doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam”.
5. TS. Huỳnh Lợi (2009). Kế toán quản trị, Nhà Xuất bản Giao thông vận tải.
6. TS. Đoàn Ngọc Quế, ThS. Đào Tất Thắng, TS. Lê Đình Trực (2013). Kế toán quản trị, Nhà Xuất bản Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
7. Ray H.Garrison, (1993), Kế toán quản trị.

 

MANAGEMENT ACCOUNTING: BUILDING THE MANAGEMENT ACCOUNTING FOR SEAFOOD PROCESSING ENTERPRISES LOCATED IN CAN THO

Master. TRUONG THI THUY HANG

Department of Accounting - Auditing, Faculty of Economics, Can Tho University

ABSTRACT:
Management accounting is considered as one of the effective management tools in the context of a competitive market economy thanks to its flexibility, usefulness and timeliness of accounting information to meet internal management requirements of enterprises. For seafood processing enterprises located in Can Tho city, the application of management accounting in management activities is still a new issue and has not been implemented synchronously and scientificly. To a certain extent, enterprises have apply some contents of management accounting in cost estimation and control, but have not exploited and promoted the advantages of this management tool. By surveying and understanding the status of the organization of accounting apparatus, and the management accounting implementation of seafood processing enterprises located in Can Tho city, this study has developed a basic management accounting model which could be applied in enterprises. This study focuses on building a number of contents, including building an accounting management apparatus, identifying and classifying costs and building a system of budget estimates. On the basis of this management accounting model, this study proposes a number of recommendations for implementing the management accounting in enterprises.
Keywords: Accounting management, seafood processing enterprises located in Can Tho City.