Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mang tính toàn diện, có chất lượng rất cao và bảo đảm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Theo Hiệp định EVFTA, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình tương đối ngắn. Thương mại hàng hóa giữa hai nước gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về mức 0%. Từ đó, có thể dự đoán rằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng nhanh, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa hai bên để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu.
Đặc biệt, ở phía Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản sang EU tuy không lớn như các nhóm hàng điện tử, điện thoại, dệt may… nhưng lại có mức “nhạy cảm số 1” về phòng vệ thương mại bởi EU là nền kinh tế đứng đầu thế giới về ưu tiên trợ cấp nông nghiệp, bảo hộ lợi ích cho người nông dân. Chính vì vậy, bất cứ mặt hàng nông nghiệp nào nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường EU gây thiệt hại cho người nông dân EU thì EU sẽ không ngần ngại áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hiện nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU khoảng hơn 2 tỷ USD và thủy sản là 1,25 tỷ USD. Trước mắt, nông sản xuất khẩu sang EU chủ yếu là sản phẩm thô, gồm café, hạt tiêu, hạt điều… không cạnh tranh trực tiếp hàng hóa cùng loại. Tuy nhiên định hướng xuất khẩu của chúng ta giảm xuất thô, tăng cường xuất hàng tinh chế. Do vậy sắp tới đây các chế phẩm nông sản như sữa của Vinamilk, THtrue Milk khi xuất sang EU có nguy cơ cao nhất bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Với mặt hàng gỗ, năm 2019 Việt Nam xuất khẩu trên 6 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ, gồm rất nhiều loại khác nhau như ván, gỗ dán, mùn cưa, viên nén cho đến những mặt hàng tinh xảo hơn như đồ gỗ nội thất. Trong đó, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba. Gỗ cũng là mặt hàng EU thường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, do trong khối này, một số quốc gia có nhiều thế mạnh về sản phẩm gỗ, thậm chí có quốc gia mặt hàng này đóng góp rất lớn vào GDP.
“Nếu một mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU gia tăng đột biến, gây thiệt hại cho ngành sản xuất của các quốc gia thuộc khối này, thì EU có thể sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngay lập tức. Họ có thể ngừng giảm thuế 0% trong vòng 4 năm hoặc đưa về mức thuế cơ sở đối với mặt hàng này”, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhận định.
Mặt khác, EU lại là một trong những khu vực có tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng nông thủy sản nhập khẩu. Do đó, bên cạnh việc tăng cường tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của EU và thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các khuyến cáo cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại từ cơ quan phòng vệ thương mại để có các kế hoạch phù hợp, các doanh nghiệp cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin.
Về dài hạn, Việt Nam cũng cần tính đến các giải pháp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao chất lượng của sản phẩm nông thủy sản để vượt qua hàng rào kỹ thuật tại nhiều quốc gia khó tính, hướng tới đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường.