Sở Công Thương Hà Nội: Tăng cường quản lý hoá chất nguy hiểm, LPG và vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn Hà Nội

Để thực hiện tốt các quy định của luật Hoá chất số 06/2007/QH12 ngày 21/11/2007 và Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 9/7/2015 về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động hoá chất trên địa bàn Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai kế hoạch tuyên truyền, phòng ngừa ứng phó sự cố hoá chất đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng hoá chất công nghiệp.

Hoá chất là một trong những lĩnh vực đang được Bộ Công Thương thực hiện đẩy mạnh đơn giản hoá thủ tục hành chính. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hoá chất và Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ Công Thương  là hết sức kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực thi các quy định trong quản lý an toàn hoá chất như biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất, huấn luyện kỹ thuật an toàn hoá chất, khai báo hoá chất…

Với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hoá chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, kiểm tra để tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất và vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn.

Sở Công Thương Hà Nội

Bước đầu, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra các DN sản xuất kinh doanh, sử dụng, tồn trữ hoá chất. Qua kiểm tra ghi nhận trên địa bàn thành phố Hà Nội có 350 đơn vị đã thực hiện đầy đủ quy định và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất, 175 đơn vị đã tiến hành xây dựng Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất và 15 đơn vị xây dựng Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất được Bộ Công Thương phê duyệt; các đơn vị đã xây dựng Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất đều đã tiến hành thành lập Ban chỉ huy ứng phó sự cố hóa chất của đơn vị, đầu tư trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố hoá chất theo đúng quy định.

Các DN đã cho thấy sự chủ động của mình trong rà soát việc thực hiện quy định pháp luật trong quản lý hoá chất, như lập Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, đầu tư trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố hoá chất, tổ chức huấn luyện an toàn hoá chất, phân loại, ghi nhãn hoá chất, rà soát, trang bị, bố trí thiết bị ứng phó sự cố, chữa cháy đầy đủ và phù hợp với quy mô, đặc tính nguy hiểm của hoá chất…

Qua công tác kiểm tra và hướng dẫn, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động VLNCN trên địa bàn thực hiện rà soát, thống kê chi tiết các kho chứa, vị trí tồn trữ hoá chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp do đơn vị quản lý, việc đảm bảo khoảng cách an toàn với các khu vực dân cư, các khu vực công cộng, trường học, bệnh viện…

Đối với các doanh nghiệp dịch vụ logistics, Sở Công Thương đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chủ động rà soát hoạt động lưu trữ hoá chất nguy hiểm, tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp tại các bãi cảng, kho ngoại quan, kho của doanh nghiệp, hệ thống hàng rào khu vực kho, hệ thống khoá, cửa kho, hệ thống chiếu sáng khu vực quanh kho; có biện pháp gia cố kịp thời chống xâm nhập trái phép, vị trí có nguy cơ cao về sự cố, tai nạn cháy, nổ; dọn dẹp vệ sinh trong kho, khu vực quanh kho (bán kính 5m tính từ nhà kho) đảm bảo không có các vận dụng dễ cháy gây nguy hiểm đến kho chứa vật liệu nổ công nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng cần định kỳ thực hiện phân loại sắp xếp bảo quản hoá chất nguy hiểm theo từng đặc tính nguy hiểm của mỗi loại hoá chất, không bảo quản chung các hoá chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có yêu cầu về an toàn hoá chất, phòng, chống cháy nổ khác nhau trong cùng một khu vực. Hoá chất trong kho phải được bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, đảm bảo yêu cầu an toàn, thuận lợi cho công tác ứng phó sự cố hoá chất.

Ngoài công tác kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp doanh nghiệp, Sở Công Thương HN cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, Đài PT và Truyền hình, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn hoá chất, giúp các doanh nghiệp, người dân, người lao động nâng cao nhận thức, hiểu biết và nắm được các thông tin, các biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hoá chất, về đặc tính nguy hiểm và tầm quan trọng của hoá chất, những tác động đến đời sống, cộng đồng và môi trường, nhằm chủ động để phòng tránh.

Sở cũng tổ chức nhiều Hội nghị, các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các chủ doanh nghiệp, người lao động trực tiếp làm việc, tiếp xúc với hoá chất nguy hiểm. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương đã tổ chức 14 lớp tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của ngành cho đội ngũ cán bộ công chức cấp Thành phố, và các chủ doanh nghiệp, người lao động trực tiếp làm việc, tiếp xúc với hoá chất nguy hiểm, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và nắm vững các quy định của pháp luật để thực nhiệm vụ quản lý hoạt động hoá chất trên địa bàn được tốt hơn.

Đối với các cửa hàng bán lẻ LPG trên địa bàn Hà Nội, Sở Công Thương cũng đã ban hành các kế hoạch, văn bản, kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền cho các thương nhân thực hiện việc đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai theo quy định. Ngoai ra, Sở Công Thương đứng ra tổ chức các đoàn liên ngành thực hiện rà soát, kiểm tra hướng dẫn các thương nhân kinh doanh cửa hàng bán lẻ LPG chai thực hiện các quy định về PCCC, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai. Công tác phổ biến, tuyên truyền để các cơ sở, hộ gia đình nâng cao nhận thức các quy định an toàn trong sử dụng gas, yêu cầu an toàn trong sử dụng bếp gas, dây mềm, van điều áp, chai LPG, chai LPG mi ni cũng được thực hiện thường xuyên.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới và trong nước, các doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần tự giác chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất phù hợp với quy mô, điều kiện và đặc tính của hoá chất nguy hiểm.

 

PT