Cần có giải pháp cụ thể để phát triển liên kết vùng

Ngày 10/8 /2012, tại tỉnh Hà Nam, Hội nghị thường niên ngành CôngThương 14 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ lần thứ XIV, do Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thư

Hội nghị lần này được tập trung vào hai nội dung chính là: Giải pháp nâng cao hiệu quả của liên kết vùng và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo đó, các kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc… đã được các đại biểu đề cập như: Cần nhanh chóng bố trí nguồn vốn đầu tư cho xây dựng lưới điện nông thôn, bởi nếu không sẽ không thể hoàn thành các tiêu chí về mô hình nông thôn mới mà Chính phủ đã đề ra; đối với việc thực hiện chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn, thì hiện nay, doanh nghiệp là đơn vị chủ đạo thực hiện. Vậy cũng cần có chính sách ưu đãi thiết thực để doanh nghiệp tâm huyết thực hiện, chứ không nên để doanh nghiệp tự làm theo trách nhiệm, ngoài ra, có thể tổ chức thành hệ thống các cửa hàng thông minh tại vùng nông thôn; những vấn đề liên quan đến việc đầu tư phát triển các cụm công nghiệp cũng được thảo luận. 

Theo TS. Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp – Bộ Công Thương, mục tiêu của liên kết vùng là tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh mang tính tầm cỡ và các địa phương tạo được sức mạnh chung để cùng nhau phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên, để làm được việc này, từng địa phương phải biết chấp nhận sự thiệt thòi nhất định trước mắt, sẵn sàng cùng đầu tư dự án cho tỉnh bạn, nếu thấy dự án đó đạt được những tiêu chí lớn lao và qua đó có những thỏa thuận về cơ chế phù hợp. Nếu các địa phương chỉ lo cho mình, mà không lo cho cái tổng thể thì khó có thể tạo được sự liên kết thực sự. Tiến sỹ cho rằng, giờ đây, phát triển liên kết vùng phải được thực hiện bằng các chương trình hành động cụ thể, cần hướng tới cái gì? Lộ trình thế nào? Giải pháp là gì? nếu không vẫn sẽ chỉ là “luôn tìm giải pháp”. 

Về kinh nghiệm trong việc thúc đẩy xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Hà Nội đang dự kiến đề xuất xây dựng một khu trưng bày sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, với quy mô có thể giới thiệu được hầu hết các sản phẩm trên toàn quốc. Nếu triển khai được, khu trung tâm này sẽ không chỉ đem lại hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp trong nước, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực khác liên quan.

Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đề nghị trong thời gian tới, các sở công thương cần tập trung vào một số nội dung:

Trong việc liên kết vùng: Tăng cường công tác phối hợp với các địa phương, hạn chế chồng chéo, tự phát trong hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch và thu hút đầu tư; quan tâm đến đầu tư hạ tầng thương mại, đảm bảo đủ những mặt hàng thiết yếu cho nhân dân và đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp giữa các địa phương nhằm giải quyết hàng tồn kho, tạo ra thị trường khu vực lớn hơn, khai thác được lợi thế và tiềm năng của từng tỉnh để bổ sung cho nhau, qua đó hình thành chuỗi giá trị khu vực; rà soát lại quy hoạch lại các khu, cụm công nghiệp (KCCN) trên địa bàn nhằm hạn chế thấp nhất các KCCN có tỷ lệ lấp đầy thấp và tìm cách gỡ khó khăn trong công tác thu hút đầu tư vào hạ tầng các KCCN; đẩy mạnh công tác tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhiệm kỳ Hội nghị Vùng lần thứ XV sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Trao cờ Đăng cai giữa Sở Công Thương Hà Nam và Sở Công Thương Hà Nội

 

Một số kết quả trong lĩnh vực công thương Vùng Đồng Bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ 7 tháng năm 2012

Về sản xuất công nghiệp: Những sản phẩm là thế mạnh có mức tăng trưởng khá, gồm: Sữa, điện thoại, quần áo, thức ăn gia súc, sản phẩm bia các loại, dây và cáp điện. Các tỉnh, thành có chỉ số công nghiệp tăng cao: Bắc Ninh, tăng 28,2%; Hà Nội, tăng 4,5%; Hải Phòng, tăng 6,8%; Hải Dương, tăng 4,5%; Ninh Bình, tăng 8,3%. Kế hoạch kinh phí khuyến công dự kiến 58,1 tỷ đồng (trong đó, của  quốc gia là 18,9 tỷ đồng và địa phương là 39,1 tỷ đồng); có 337 đề án khuyến công (của cả trung ương và địa phương) đã tổ chức thực hiện với tổng kinh phí gần 36,7 tỷ đồng.

Về hoạt động thương mại: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 387.097 tỷ đồng, tăng 23,32 % so cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,86 tỷ USD, tăng 33,75% so cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, gồm: Linh kiện điện tử, linh kiện máy tính, hàng may mặc, da giầy; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 24,38 tỷ USD, tăng 11,75% so cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn gồm: Máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng; có trên 200 siêu thị, trung tâm thương mại đang hoạt động; lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 17.924 vụ vi phạm pháp luật, nộp ngân sách 79,5 tỷ đồng.