Cần nâng cao chất lượng tăng trưởng công nghiệp

Vừa phải đương đầu với áp lực chưa từng thấy của việc tăng giá vật tư và chi phí đầu vào, vừa phải tháo gỡ đầu ra cho một số mặt hàng chủ lực, sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2005 vẫn liên tục tă

Giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp 9 tháng đầu năm nay tăng 16,5% và giá trị tăng thêm của toàn Ngành cũng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, đều là kết quả cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Đây là cố gắng vượt bậc của toàn ngành Công nghiệp trong 3 tháng gần đây. Vì ở thời điểm kết thúc tháng 6, bức tranh công nghiệp nửa đầu năm 2005 vẫn chưa có nhiều gam màu sáng sủa cho lắm: Giá trị sản xuất mới tăng 15,6%, giá trị tăng thêm hay giá trị gia tăng chỉ tăng 9,5%, đều đạt thấp so với chỉ tiêu kế hoạch. Rõ ràng, trong quý III vừa qua, toàn ngành Công nghiệp Việt Nam đã gắng sức “vượt dốc” và tăng tốc khá ngoạn mục. 

Công đầu trong việc tạo nên bước bứt phá đó thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ dầu khí (ĐTNN). Từ đầu năm đến nay, khối doanh nghiệp này vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng (26,7%), đạt giá trị sản xuất 87.578 tỷ đồng (giá so sánh 1994). Tiếp đến là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh (NQD) đạt giá trị sản xuất 90.680 tỷ đồng, tăng 24,8%. Hai khối doanh nghiệp này hiện đang đóng vai trò động lực tăng trưởng sản xuất của Công nghiệp Việt Nam.

Trong khi hai khối doanh nghiệp đó làm ăn phát đạt như vậy thì tình hình sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn tiến triển chậm chạp, tuy chiếm tỷ trọng 34% tổng giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp, nhưng chỉ tăng 9,6%, giảm thấp đáng kể so với mức tăng 12,2% ở cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong đó, nhóm DNNN địa phương chỉ tăng 0,5% (ở cùng kỳ năm trước tăng 7,4%). Sự giảm tốc này có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do có một bộ phận DN đã được cổ phần hoá, chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; mặt khác còn do hệ lụy của tình hình giá cả vật tư  ở “đầu vào” leo thang, DNNN ứng phó lúng túng vì phải chờ chỉ đạo ở trên, thậm chí một số công ty nhà nước, tổng công ty 90, 91 phải “gánh” trách nhiệm tham gia bình ổn giá, nên không được tăng giá sản phẩm theo cơ chế thị trường, như ngành Điện, ngành Than… Tình hình này ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất đối với 2 trung tâm công nghiệp lớn là Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Hà Nội, khiến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 9 tháng qua tại 2 địa bàn này giảm thấp so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất dầu mỏ và khí đốt (tính theo giá so sánh năm 1994) trong 9 tháng đầu năm nay cũng bị giảm sút khá nặng nề: Sản lượng dầu mỏ giảm 9% khiến giá trị sản xuất dầu mỏ và khí đốt giảm 8% so với cùng kỳ năm trước và giá trị gia tăng của ngành công nghiệp khai thác mỏ 9 tháng đầu năm nay chỉ tăng 7,6%, đạt rất thấp so với mức tăng 15% ở cùng kỳ năm 2004. Đây là một nguyên nhân không nhỏ làm cho GDP của toàn ngành Công nghiệp 9 tháng qua chỉ tăng 10,3%, giảm 0,3% so với kết quả của 9 tháng đầu năm 2004.

Nếu chỉ thấy tốc độ tăng trưởng 16,5% của GTSXCN 9 tháng qua đạt kỷ lục trong 3 năm trở lại đây thì mắc một sai lầm lớn (9 tháng năm 2002 tăng 14,2%, 9 tháng năm 2003 tăng 15,9% và 9 tháng năm 2004 tăng 15,5%). Bởi tăng trưởng GDP của toàn Ngành 9 tháng đầu năm nay ở mức 10,3% lại là mức thấp nhất. Và như vậy, mới thực hiện được phần chỉ tiêu định lượng của kế hoạch, còn chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, tức tăng GDP ở mức 11% như Quốc hội đã phê duyệt là chưa hoàn thành.

Tình hình nêu trên cũng cho thấy, năng lực cạnh tranh của Công nghiệp nước ta đã tụt hạng. Cũng không cần phải đi tìm báo cáo mới đây của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) để xem năng lực cạnh tranh của Công nghiệp Việt Nam đã giảm sút bao nhiêu bậc, mà ngay những chỉ số thống kê do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố đã đủ minh chứng điều đó. Cụ thể là, 9 tháng năm 2004, GTSXCN đạt 264.554 tỷ đồng, trong đó có 81.359 tỷ đồng giá trị mới được tạo ra (đều theo giá so sánh năm 1994), còn trong 9 tháng đầu năm nay đạt tương ứng là 308.622 tỷ đồng và 89.837 tỷ đồng. Nghĩa là trong 9 tháng đầu năm 2004 giá trị gia tăng chiếm 31,1% giá trị sản xuất, thì trong 9 tháng đầu năm nay chỉ số này đã giảm xuống còn 28,4%. Đây là một dấu hiệu báo động về khả năng thua lỗ trong hoạt động công nghiệp Việt Nam năm 2005 sẽ gia tăng hơn các năm trước, mà thua lỗ chủ yếu diễn ra trong khối DNNN. 

Trong 3 tháng còn lại của năm 2005, toàn ngành Công nghiệp đang đứng trước nhiệm vụ hết sức nặng nề là vừa phải giữ vững tốc độ tăng trưởng của giá trị sản xuất, vừa phải nâng cao năng suất lao động, tức là tốc độ tăng GDP toàn Ngành cần đạt 11% so với năm trước, như mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Nếu không hợp lý hoá toàn bộ quá trình sản xuất - lưu thông thì chắc chắn, ngành Công nghiệp khó vượt qua được thách thức. Và cũng như năm 2004, trước những cảnh báo của WEF mới đây, việc thực hiện chuyển giao công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vẫn chưa được đẩy mạnh thực sự thì sang năm 2006, Công nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục bị lão hoá, tốc độ già nua càng nhanh và sự tụt hạng tiếp về năng lực cạnh tranh sẽ là điều không tránh khỏi.
  • Tags: