Cập nhật phương án phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII

Bộ Công Thương mới đây đã tiếp tục có công văn gửi các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để lấy ý kiến về Báo cáo giải trình và Dự thảo Tờ trình Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Cụ thể, Công văn số 5321/BCT ngày 30/8/2021 cho hay, Bộ Công Thương đã cập nhật tình hình tiêu thụ điện trong các tháng đầu năm 2021 và rà soát lại các kết quả dự báo. Về cơ bản, các thông số đầu vào phục vụ dự báo nhu cầu phụ tải không thay đổi, do đó kết quả dự báo nhu cầu phụ tải trong Quy hoạch điện VIII giữ nguyên so với Tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021 mà Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ trước đó.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết những khó khăn, vướng mắc của tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh, những nguyên nhân chính dẫn tới việc triển khai các phương án phát triển điện lực không đáp ứng được quy hoạch dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình điều hành, đảm bảo an ninh cung cấp điện giai đoạn 2016-2020.

Trong điều kiện có tính đến phương án xác suất kỳ vọng mất tải (LOLE) của hệ thống điện vào năm 2030 là 24 giờ/năm so với phương án cũ là 12 giờ/năm dẫn đến giảm công suất một số nguồn điện xây mới trong tổng công suất lắp đặt hệ thống, kết quả rà soát và tính toán cho thấy, phương án phát triển nguồn điện với LOLE 24 giờ/năm giúp giảm đầu tư chung cho hệ thống và vẫn đảm bảo tiêu chí cung cấp điện ổn định. Phương này này cũng đáp ứng các ràng buộc đặt ra trong các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, phù hợp với các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về mức ràng buộc giảm phát thải khí CO2 (khoảng 9% vào năm 2030) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua nội dung “Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)” cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc tế về biến đổi khí hậu.

Bộ Công Thương đồng thời đã chuẩn xác kết quả tính toán, tính toán phương án phát triển nguồn điện để đảm bảo an ninh cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với kịch bản phụ tải cơ sở và kịch bản phụ tải cao, ngoài ra dự phòng một số nguồn điện có thể đưa vào phát triển trong trường hợp xảy ra các bất lợi xếp chồng, gồm có phụ tải tăng trưởng cao và một số nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh, một số nguồn điện than bị chậm tiến độ sau 2030.

Theo tính toán, tổng công suất lắp đặt hệ thống năm 2030 khoảng 130.170-143.829 MW, trong đó: thủy điện lớn, vừa, nhỏ và thủy điện tích năng khoảng 17,7-19,5%; nhiệt điện than khoảng 28,3-31,2%; nhiệt điện khí và dầu (tính cả LNG) đạt khoảng 21,1-22,3%; nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…) đạt 24,3-25,7%; nhập khẩu điện khoảng 3-4%.

Điện năng sản xuất và nhập khẩu năm 2030 khoảng 551,3-595,4 tỷ kWh, trong đó: thủy điện lớn, vừa, nhỏ và thủy điện tích năng khoảng 15,4-16,8%; nhiệt điện than khoảng 44-45,5%; nhiệt điện khí và dầu (tính cả LNG) đạt khoảng 23-23,8%; nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…) đạt 11,9-13,4%; nhập khẩu điện khoảng 2,9-3,6%.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tiến hành so sánh về khối lượng và tổng vốn đầu tư nguồn điện, lưới điện giữa phương án sau khi hiệu chỉnh so với phương án đã trình tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021. 

Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu và tham gia ý kiến đối với Dự thảo Tờ trình của Bộ Công Thương và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII trước ngày 15/9/2021. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ hoàn chỉnh và báo cáo Hội đồng thẩm định xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII trong thời gian tới. 

Thy Thảo