Chốt phiên giao dịch Thứ Sáu (ngày 1/5, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 7/2020 chỉ giảm nhẹ 4 cents tương ứng 0,2% xuống mức 26,44 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tháng 6/2020 đã hết hạn vào Thứ Năm (ngày 30/4, theo giờ Việt Nam) và đạt giá 25,27 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2020 chốt phiên giao dịch đã tăng thêm 94 cents tương ứng 5% lên mức 19,78 USD/thùng; trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô WTI bật tăng lên trên mốc 20 USD/thùng.
Sau 3 tuần liên tục giảm giá, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã bật tăng trở lại với mức tăng lần lượt là 23% và 17% trong tuần giao dịch này (từ ngày 27/4 đến ngày 1/5). Trong tháng 4/2020, cú sốc kép gồm nhu cầu sụt giảm mạnh vì đại dịch Covid-19 và tình trạng dư cung đã đẩy giá dầu thô WTI sụp đổ, lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới mức 0 USD/thùng và giá dầu thô Brent chạm ngưỡng thấp nhất trong vòng 21 năm trở lại đây.
Đà tăng của giá dầu thô trong phiên giao dịch Thứ Sáu chủ yếu đến từ việc thoả thuận cắt giảm khoảng 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu của liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh bắt đầu chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/5. Theo đó, liên minh OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng khai thác khoảng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020 nhằm giảm bớt tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ.
Giá dầu thô WTI được nâng đỡ bởi dữ liệu của hãng dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co. cho biết số lượng giàn khoan dầu hoạt động tại Hoa Kỳ đã giảm tuần thứ 7 liên tiếp xuống còn 325 giàn khoan, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016. Điều này cho thấy sản lượng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ đang trong quá trình giảm mạnh.
Trong tuần vừa qua, Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước chỉ tăng thêm 9 triệu thùng, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 10,6 triệu thùng được giới phân tích dự báo. Đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp, lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ tăng thấp hơn so với dự báo, phản ánh thị trường dầu mỏ tại nước này có thể đã tạo đáy.
Trong khi đó, một số nền kinh tế lớn trên toàn cầu và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống dịch bệnh nhằm tái khôi phục các hoạt động kinh tế; điều này có thể giúp nhu cầu sử dụng dầu thô dần phục hồi.
Ban nghiên cứu thị trường toàn cầu của Ngân hàng Hoa Kỳ (BofA) nhận định lượng tồn trữ dầu thô trên toàn cầu có thể đã đạt đỉnh trong tháng 4 vừa qua khi tình trạng dư cung lên tới gần 25 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2019 và các quốc gia, hiện tại, đang chuẩn bị nới lỏng các biện pháp phong toả, qua đó giúp nhu cầu sử dụng dầu thô tăng lên trùng với thời điểm liên minh OPEC+ và một số nhà khai thác dầu thô khác tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác.
Bất chấp các thông tin lạc quan, phần lớn giới phân tích cảnh báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ khó có thể phục hồi nhanh chóng trở lại cùng với đó là các nghi ngờ xung quanh vấn đề cắt giảm sản lượng khai thác của các quốc gia. Hãng tin Reuters cho biết một số quốc gia khai thác dầu thô đang đối mặt với các khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu cắt giảm sản lượng khai thác.
Iraq, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ hai khối OPEC, đang không chắc chắn có thể cắt giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng/ngày tương đương 23% tổng sản lượng khai thác của nước này do các hãng khai thác dầu thô nước ngoài lớn tại đây chưa có phản hồi về vấn đề cắt giảm sản lượng.
Ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích tại hãng môi giới chứng khoán OANDA, nhận định giá dầu thô sẽ còn tiếp tục ở mức cực thấp và trong hai tuần tới, thị trường có thể sẽ chứng kiến sự dao động mạnh trong quá trình giá dầu thô phục hồi.