Thứ Hai – 27/4
Kết thúc phiên họp chính sách ngày 27/4, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cảnh báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm tài chính 2020 (3/2020 – 3/2021) sẽ giảm mạnh từ 3% - 5%; trái ngược với mức dự báo tăng 0,8% - 1,1% được đưa ra trước đó.
BOJ cũng cho biết vẫn giữ nguyên mức lãi suất siêu thấp như hiện nay nhưng sẽ đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Theo đó, BOJ sẽ mua vào không khống chế trái phiếu chính phủ, thay vì giới hạn lượng mua vào hàng năm ở mức 80.000 tỷ Yên Nhật (745 tỷ USD) như trước đây. BOJ cũng tăng gấp đôi lượng mua vào trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm bớt áp lực tài chính lên các doanh nghiệp nước này khi sự bùng phát của đại dịch khiến hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù giới phân tích hoài nghi tính hiệu quả của các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới của BOJ nhưng các động thái này cho thấy quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản trong việc bảo vệ nền kinh tế nước này bằng mọi giá. Trong đầu tháng 4/2020, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ với tổng trị giá lên tới 988 tỷ USD tương đương 20% tổng GDP của nước này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân Nhật Bản vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thứ Ba – 28/4
Uỷ viên thương mại Liên minh Châu Âu Phil Hogan cho biết khối này sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc về vấn đề thương mại sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Động thái này cho thấy ngày càng nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang đẩy nhanh tiến trình di chuyển các cơ sở kinh doanh ra khỏi Trung Quốc.
Trong tuần trước, Nhật Bản đã công bố chương trình hỗ trợ trị giá 2,2 tỷ USD để kêu gọi các doanh nghiệp của nước này di chuyển nhà máy, dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Động thái này được đưa ra sau khi ông Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết Hoa Kỳ đang xem xét việc hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp nước này khi tái bố trí các cơ sở kinh doanh ra khỏi Trung Quốc.
Trong thời gian vừa qua, nhiều công ty của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu đã bắt đầu chuyển cơ sở kinh doanh ra khỏi Trung Quốc khi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bùng phát và chi phí hoạt động tại Trung Quốc ngày càng tăng cao. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến quá trình này được đẩy nhanh hơn khi ngày càng nhiều quốc gia muốn giảm mức độ phụ thuộc vào các nhà máy đặt tại Trung Quốc.
Các công ty của Hoa Kỳ trong năm ngoái cũng đã chủ động xem lại về chuỗi cung ứng của mình, hoặc là thuyết phục các đối tác phía Trung Quốc chuyển địa điểm về Đông Nam Á để tránh thuế quan từ cuộc chiến thương mại, hoặc là từ chối hoàn toàn nguồn cung từ Trung Quốc.
Thứ Tư – 29/4
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất tại mức 0% - 0,25% như hiện nay; mức lãi suất này đã được duy trì kể từ giữa tháng 3/2020.
FED cho biết cuộc khủng hoảng y tế do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đang tạo ra những tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thị trường việc làm và lạm phát của Hoa Kỳ trong thời gian tới cũng như tạo ra những “rủi ro đáng kể” cho triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong trung hạn.
Trong buổi họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell đã từ chối trả lời câu hỏi liệu mức lãi suất siêu thấp như hiện nay sẽ được duy trì trong bao lâu nhưng lưu ý “FED sẽ không vội vàng trong việc ngưng các biện pháp hiện đang hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ”. Ông Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ sụt giảm mạnh trong quý 2/2020 dưới các tác động của dịch bệnh và khó có thể nhanh chóng phục hồi trở lại như trước khi khủng hoảng xảy ra.
Chủ tịch FED Jerome Powell cũng lưu ý có những yếu tố không chắc chắn trong việc mất bao lâu để kiểm soát được đại dịch Covid-19 và liệu có thêm đợt bùng phát nào hay không hoặc tìm ra vaccine cho dịch bệnh. Nếu dịch bệnh kéo dài thì các thiệt hại mà nền kinh tế Hoa Kỳ phải hứng chịu sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Thứ Năm – 30/4
Cơ quan Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ (BEA) cho biết GDP quý 1/2020 của Hoa Kỳ ước giảm 4,8% - mức sụt giảm GDP theo quý mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.
Theo BEA, sự sụt giảm GDP của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong quý 1 vừa qua một phần do nước này áp dụng các biện pháp cách ly xã hội vào tháng 3/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19; điều này đã dẫn đến sự thay đổi mạnh về nhu cầu khi các hoạt động kinh tế đã phải huỷ bỏ hoặc chuyển sang hình thức làm việc từ xa và người tiêu dùng thay đổi mức chi tiêu.
Một số chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ đối mặt với các số liệu kinh tế tiêu cực hơn nữa trong quý 2/2020 khi các tác động của đại dịch Covid-19 được phản ánh đầy đủ hơn.Nhà kinh tế học Kevin Hassett thuộc đội ngũ cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh báo GDP quý 2/2020 của Hoa Kỳ có thể giảm đến 40% - mức giảm mạnh nhất trong lịch sử kinh tế nước này. Việc ghi nhận 2 quý liên tiếp có mức tăng trưởng GDP âm sẽ khiến Hoa Kỳ rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật.
Cơ quan quản lý ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ phục hồi nhanh trong nửa cuối năm nay với mức GDP dự báo tăng mạnh 23,5% trong quý 3/2020 và tăng 10,5% trong quý 4/2020 với kịch bản các biện pháp cách ly xã hội tại Hoa Kỳ được nới lỏng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo Hoa Kỳ có thể đối mặt với rủi ro bùng phát dịch lần thứ hai khi các biện pháp phòng chống dịch bệnh được nới lỏng.
Thứ Sáu – 1/5
Dữ liệu mới nhất cho thấy GDP quý 1/2020 của khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã giảm 3,8% so với quý 4/2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất mà 19 quốc gia thuộc khối Eurozone ghi nhận kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 1995; con số này cũng giảm mạnh hơn so với mức giảm 3,5% được giới chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra.
Khối Eurozone là một trong những khu vực kinh tế chịu tác động mạnh nhất từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy là 4 nền kinh tế lớn nhất khối Eurozone đều nằm trong nhóm 6 quốc gia có số người nhiễm virus Covid-19 cao nhất toàn cầu. Hầu hết các quốc gia thuộc khối Eurozone đã phải áp đặt các biện pháp phong toả chặt chẽ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trong nhiều tuần liên tiếp nhưng điều này cũng khiến hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Pháp, đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật, với mức GDP quý 1/2020 giảm 5,8% so với quý 4/2019; GDP quý 4/2019 của nước này đã giảm 0,1%. Mức sụt giảm GDP quý 1/2020 là mức giảm mạnh nhất của Pháp kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 1949.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), cho biết GDP của khối Eurozone năm 2020 có thể dao động ở mức -5% đến -12% trước các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. ECB hiện vẫn giữ nguyên mức lãi suất nhưng cho biết sẵn sàng gia tăng quy mô các biện pháp kích thích kinh tế trong trường hợp cần thiết nhằm hỗ trợ nền kinh tế khu vực Eurozone vượt qua các khó khăn do dịch bệnh gây ra.