Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cắt giảm khẩn cấp lãi suất cơ bản xuống còn mức 0% - 0,25% vào ngày 15/3 đã cho thấy tình trạng khẩn cấp của nền kinh tế Hoa Kỳ trong bối cảnh đại dịch virus Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Giới chức điều hành nền tài chính Hoa Kỳ nhận định đại dịch virus Covid-19 là một trường hợp khẩn cấp về tài chính, đây cũng là lý do tại sao FED chọn phương án đưa mức lãi suất cơ bản về gần bằng không. Lần gần nhất và cũng là duy nhất trong lịch sử, Hoa Kỳ áp dụng mức lãi suất cực thấp 0% là khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào cuối năm 2008.
Trong lần này, ngoài việc hạ lãi suất xuống mức cực thấp, FED cũng tung ra hàng loạt chính sách như đưa ra gói định lượng kinh tế lớn và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong nỗ lực cố gắng ổn định thị trường. Tuy nhiên, lãi suất vẫn là công cụ có tác động mạnh nhất tới người tiêu dùng – bộ phận tạo ra sự tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ và các doanh nghiệp nhỏ của nước này. Mức lãi suất ảnh hưởng đến việc người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng tiền, vay nợ và tiếp cận các khoản tín dụng.
Khó có khả năng FED đưa lãi suất về mức âm
Nhiều chuyên gia phân tích và các nhà kinh tế học hiện đang cân nhắc viễn cảnh FED có thể mạnh tay hơn nữa trong việc điều hành lãi suất bằng cách đưa mức lãi suất về vùng âm như cách mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã từng làm để kích thích chi tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Về mặt lý thuyết, một mức lãi suất âm có thể khuyến khích mọi người vay nhiều hơn nhưng những người gửi tiền sẽ chịu thiệt hại, phải trả phí cho ngân hàng giữ tiền. Tính đến thời điểm hiện tại, FED chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc thảo luận phương án đưa ra mức lãi suất âm, đặc biệt là trong bối cảnh chưa có những bằng chứng rõ ràng cho thấy mức lãi suất âm đã hỗ trợ đến tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản và Châu Âu.
Phát biểu sau việc cắt giảm khẩn cấp lãi suất vào ngày 15/3, Chủ tịch FED Jerome Powell đã khẳng định FED sẽ không áp dụng chính sách lãi suất âm như một số nước đang sử dụng.
Ông Marvin Loh, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu của tập đoàn tài chính State Street Global Market, nhận định “Tôi cho rằng FED sẽ muốn tránh việc đưa ra mức lãi suất âm bằng mọi giá, chúng (lãi suất âm) không hiệu qủa và dường như không cần thiết”.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là FED sẽ giữ mức lãi suất cực thấp trong bao lâu?
Khi nào FED nâng lại mức lãi suất?
Khi FED đưa mức lãi suất về 0% vào tháng 12/2008 thì phải đến tận tháng 12/2015, mức lãi suất mới được nâng trở lại. Vẫn chưa có những dấu hiệu cho thấy FED sẽ cần tiếp tục giữ mức lãi suất như hiện tại đến tận năm 2027 nhưng điều này là hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh đại dịch virus Covid-19 diễn biến phức tạp và nền kinh tế Hoa Kỳ chưa trải qua bất kỳ thách thức kinh tế nặng nề nào như lần này kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 2008.
Việc điều hành mức lãi suất của FED sẽ còn phụ thuộc nhiều vào mức độ kích thích tài chính do Quốc hội Hoa Kỳ và Nhà Trắng đưa ra. Trong ngày 15/3, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết FED sẽ kiên trì chờ đợi các dấu hiệu chắc chắn cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ hoàn toàn phục hồi trước khi quyết định nâng mức lãi suất trở lại.
Ông Marvin Lo kỳ vọng FED sẽ không cần đến 7 năm nữa mới nâng mức lãi suất trở lại nhưng cũng thừa nhận khả năng FED giữ mức lãi suất cực thấp như hiện nay trong dài hạn là điều có thể trong bối cảnh sự bùng phát của đại dịch virus Covid-19 khiến nền kinh tế Hoa Kỳ đối mặt với những thách thức khác đáng kể so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Nếu như dịch virus Covid-19 kéo dài hơn vài tháng thì tình trạng thất nghiệp có thể diễn ra trầm trọng và gây nhiều thiệt hại hơn đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Tình trạng bán tháo vốn đang diễn ra trên thị trường chứng khoán hiện nay cũng sẽ diễn ra sâu rộng hơn”, ông Marvin Lo nhận định.
Thà nhầm còn hơn không làm
"Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện từng bước để đảm bảo nền kinh tế sẽ vận hành trơn tru nhất có thể. Tác động thực sự của những bước đi của FED sẽ không được cảm nhận cho đến sau khi đại dịch virus Covid-19 đạt mức đỉnh và chúng ta (nền kinh tế Hoa Kỳ) bước vào trạng thái phục hồi”, ông Robert Frick, chuyên gia kinh tế của tập đoàn tài chính Navy Federal Credit Union nhận định.
Ông Robert Frick cũng cho biết mặc dù hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ đang ở trong trạng thái tài chính tốt hơn so với năm 2008 nhưng nhiều ngành công nghiệp khác đang gánh số nợ lớn hơn; việc sử dụng đòn bẩy tài chính lớn sẽ khiến cho bất kỳ việc nâng mức lãi suất nào sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp và FED nhận thức được điều này.
"Ngay khi FED có động thái bình thường hoá mức lãi suất trở lại, chúng ta sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn cho các khoản vay nợ lớn. Điều này đang là luận điểm lớn nhất để FED khó có thể tăng lãi suất sớm trở lại”, theo ông Charlie Smith, giám đốc điều hành đầu tư của tập đoàn tài chính Fort Pitt Capital.
Cũng chung quan điểm, chiến lược gia đầu tư của tập đoàn Ally Invest bà Lindsey Bell nhận định “Các động thái gần đây của FED là nhằm bảo vệ nền kinh tế trước những điều có thể xảy ra trong tương lai chứ không phải những điều đang xảy ra hiện nay”.
Do đó FED sẽ cần phải thận trọng trong việc nâng mức lãi suất, việc nâng lãi suất quá sớm có thể khiến triển vọng phục hồi kinh tế kết thúc và có khả năng Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ không nâng lãi suất trở lại cho đến khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2028.