Trong ngày 7/4, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã ra quyết định “chưa từng có tiền lệ” nới lỏng các quy định về thế chấp tài sản nhằm thúc đẩy các ngân hàng cho vay vốn, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đương đầu với khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo ECB, quyết định trên nhằm "giảm thiểu việc thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro – Eurozone”, trong đó bao gồm cả việc chấp nhận các khoản vay từ các công ty nhỏ cũng như trái phiếu chính phủ Hy Lạp làm tài sản thế chấp. ECB cũng sẽ chấp nhận có khoản vay “có chất lượng tín dụng thấp hơn” và các khoản vay ngoại tệ.
Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua, ECB chấp nhận việc nhận thế chấp trái phiếu chính phủ Hy Lạp – vốn thường bị đánh giá ở mức “không đáng đầu tư” và rủi ro tài chính cao.
ECB cũng đồng ý “chấp nhận mức rủi ro cao hơn” bằng việc giảm lượng tài sản thế chấp cần thiết cho hoạt động tái cấp vốn, qua đó thúc đẩy các ngân hàng cho vay vốn với mức lãi suất cực thấp do ECB ấn định.
Xem thêm tại: FED có khả năng duy trì mức lãi suất cực thấp đến năm 2028
Hội đồng quản trị ECB cho biết việc nới lỏng các điều kiện thế chấp tài sản như trên là “chưa từng có” và chỉ diễn ra “tạm thời” trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Các biện pháp này được xem là những bước đi quyết liệt nhất của ECB trong việc khơi thông dòng vốn tại khu vực Châu Âu nhằm giải cứu nền kinh tế khu vực trước các tác động nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra.
Trong tháng trước, ECB đã tung ra chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá lên tới 750 tỷ EUR (820 tỷ USD) nhằm gia tăng thanh khoản trên thị trường tài chính vốn chao đảo mạnh trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Đồng thời, ECB cũng thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 120 tỷ EUR (135 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế Châu Âu, đặc biệt là các ngân hàng gặp khó khăn do dịch bệnh.