Năm viện nghiên cứu kinh tế lớn nhất Đức vừa đồng thời cho biết sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đang đẩy Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng với mức thất nghiệp tăng cao. Dự báo tổng GDP của Đức trong năm 2020 sẽ giảm 4,2% dưới các tác động sâu rộng của dịch bệnh.
Các nhà kinh tế học cho biết mức GDP quý 1/2020 của Đức sẽ giảm 1,9% và tác động của đại dịch Covid-19 sẽ được phản ánh rõ nét hơn trong sự sụt giảm GDP quý 2/2020. Dự báo GDP quý 2/2020 của Đức sẽ giảm 9,8% - mức giảm mạnh nhất kể từ khi dữ liệu GDP hàng quý của nước này được ghi nhận kể từ năm 1970.
Viện nghiên cứu Ifo nhận định mức tụt giảm GDP quý 2/2020 của Đức sẽ cao gấp đôi so với thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra hồi năm 2008. Viện nghiên cứu Ifo cũng cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp tại Đức có thể tăng lên đến 5,9% trong năm nay vì đại dịch Covid-19.
Các viện nghiên cứu kinh tế của Đức cho biết các biện pháp mà Chính phủ Đức đang tung ra để cứu nền kinh tế có thể khiến thâm hụt ngân sách của nước tăng lên mức cao kỷ lục 159 tỷ EUR (173 tỷ USD) và tổng nợ sẽ lên mức 70% GDP của nước này trong năm 2020.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cũng nhận định nước Đức có các nguồn lực thuận lợi để tung ra các biện pháp can thiệp kinh tế sâu rộng, giúp bù đắp tổn thất trong ngắn hạn cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình và nước này sẽ phục hồi tốt sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Dự kiến nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2021.
Các viện nghiên cứu cũng cảnh báo việc Chính phủ Đức dỡ bỏ lệnh phong toả từng phần nhằm tái khởi động nền kinh tế có thể khiến đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Đức đã áp dụng biện pháp phong toả toàn quốc kể từ ngày 22/3 và đang xem xét kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong toả kể từ ngày 19/4 tới đây.
Nhằm giảm thiểu các tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ Đức đã tung ra gói cứu trợ kinh tế khổng lồ nhằm giúp các doanh nghiệp nước này tồn tại và giảm thiểu việc sa thải người lao động; thậm chí, Chính phủ Đức đã xé rào các quy định về kiểm soát thâm hụt ngân sách.
Tính đến hết ngày 12/4, Đức hiện là ổ dịch Covid-19 lớn thứ ba thế giới và lớn thứ hai tại Châu Âu, sau Tây Ban Nha, với hơn 125.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, số ca tử vong vì dịch Covid-19 tại nước này ở mức rất thấp với hơn 2.800 ca.