Cơ quan thống kê Châu Âu (Eurostat) cho biết GDP quý 1/2020 của khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã giảm 3,8% so với quý 4/2019; đánh dấu mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ dữ liệu GDP hàng quý của Eurozone được ghi nhận vào năm 1995.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm trên do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại các quốc gia thành viên khối Eurozone. Mức sụt giảm này cũng cao hơn mức dự báo giảm 3,5% được các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra trước đó.
Các chuyên gia cảnh báo dữ liệu kinh tế quý 2/2020 có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi các tác động của đại dịch Covid-19 được phản ánh đầy đủ và hầu hết các quốc gia thành viên khối Eurozone bắt đầu thực hiện các biện pháp phong toả và hạn chế di chuyển trong quý 2/2020.
19 quốc gia thuộc khối Eurozone là khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nền nhất từ đại dịch Covid-19. Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy – 4 nền kinh tế lớn nhất khối Eurozone thuộc nhóm 6 quốc gia có số người nhiễm virus Covid-19 cao nhất thế giới. Các quốc gia khối Eurozone đã buộc phải áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt, hạn chế đi lại hoặc cách ly xã hội trong nhiều tuần qua để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, điều này đã khiến hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Sự bùng phát nghiêm trọng của dịch bệnh tại Châu Âu đã khiến nhiều quốc gia thuộc khối Eurozone đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Italy, nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Eurozone, là quốc gia đầu tiên thực hiện việc phong toả toàn quốc, bắt đầu từ ngày 10/3/2020. Nhiều chuyên gia lo ngại dịch bệnh đang khiến một nền kinh tế vốn đã rất yếu như Italy càng lún sâu vào suy thoái kinh tế trầm trọng.
Từ lâu nền kinh tế Italy đã gặp những vấn đề nghiêm trọng về năng lực cạnh tranh, yếu tố khiến cho tăng trưởng GDP chậm và thậm chí chưa thể hồi phục trở lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Fitch vừa qua đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Italy từ mức BBB xuống còn BBB-, chỉ cao hơn 1 bậc so với mức xếp hạng tín dụng “rác” – không đáng đầu tư.
GDP quý 1/2020 của Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai khối Eurozone, đã giảm mạnh 5,8% so với quý 4/2019. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi dữ liệu GDP hàng quý của nước này được ghi nhận vào năm 1949. GDP quý 4/2019 của Pháp đã giảm 0,1% so với quý 3/2019. Do đó, Pháp đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật với hai quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng GDP âm.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire vừa cho biết dự kiến GDP của Pháp trong năm 2020 sẽ giảm 6%. Pháp dự kiến sẽ bắt đầu nới lỏng một số biện pháp phong toả kể từ ngày 11/5.
Các chuyên gia phân tích nhận định nền kinh tế Pháp sẽ gặp nhiều thử thách lớn hơn so với Đức, nền kinh tế lớn nhất khối Eurozone do nền kinh tế Pháp phụ thuộc nhiều hơn vào khối dịch vụ và quy mô gói kích thích tài khoá của nước này bé hơn so với Đức.
Dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ tại Đức trong tháng 3/2020 đã sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2007. Mặc dù Đức đã cho phép một số cơ sở bán lẻ được phép hoạt động trở lại kể từ cuối tháng 4/2020 nhưng nước này vẫn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II. Đức đã hạ dự báo GDP năm 2020 của nước này xuống mức -6,3% thay vì tăng 1,1% như dự báo hồi tháng 1/2020.
Tại Tây Ban Nha, GDP quý 1/2020 của nước đã giảm 5,2%, cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 4,4% được giới chuyên gia đưa ra.