Chậm giải ngân, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%

Tại phiên họp của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm có tổng quy mô tối đa 40 nghìn tỷ đồng được giải ngân thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

gói hỗ trợ lãi suất 2%
Tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục thanh, kiểm tra là một trong những nguyên nhân khiến gói hỗ trợ này chậm giải ngân

Tuy nhiên, đến hết tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, các ngân hàng thương mại mới thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 681 tỷ đồng, tức mới giải ngân được khoảng 1,7% tổng quy mô gói hỗ trợ. Doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 140.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ước tính đến hết năm nay, số tiền hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước với 40.000 tỷ đồng dự kiến chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng.

Với  nguồn lực còn rất lớn, Chính phủ đề xuất tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chọ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đối với số vốn không thực hiện hết khi kết thúc thời gian thực hiện chính sách (dự kiến 38.592 tỷ đồng), trình Quốc hội hủy dự toán, kê hoạch vốn, không huy động nguồn lực, không làm tăng bội chi.

Ngọc Châm