Mỏ vàng của các CLB
Theo quy định của UEFA, mỗi đội bóng có mặt tại vòng bảng đều sẽ được nhận một khoản tiền 12 triệu euro. Bên cạnh đó mỗi chiến thắng ở vòng bảng sẽ mang về cho mỗi CLB một khoản tiền thưởng 1,5 triệu euro, trận hòa là 500 nghìn euro. Càng đi sâu vào vòng trong, các ứng cử viên vô địch sẽ nhận được những khoản tiền nhiều hơn là 5,5 triệu euro khi tới vòng 1/8, 6 triệu vào tứ kết, 7 triệu vào bán kết và 15 triệu khi lên ngôi vô địch giải đấu.
CLB Real Madrid là đội bóng kiếm 38,5 triệu euro dẫn đầu danh sách "kiếm tiền" tại UEFA Champions League 2016-2017. Lần lượt là Bayern Munich: 38 triệu euro, Atletico Madrid: 37 triệu euro, Man City: 36,5 triệu euro, Barca: 30,5 triệu euro, PSG: 30 triệu euro.
Bóng đá châu Âu đã thay đổi rất nhiều kể từ ngày Michel Platini lên làm chủ tịch UEFA từ 2007. Trong 8 năm tại nhiệm (ông từ chức năm 2015), ông đã thay đổi thể thức thi đấu của Champions League, giúp giải đấu này tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những khoản thu khổng lồ tăng lên đều đặn mỗi mùa. Do đó số tiền mà các đội bóng nhận được cũng tăng theo.
Champions League 2018-2019, Liverpool đăng quang C1, thầy trò HLV Jurgen cũng gặt hái thành công về mặt tài chính. Số tiền khổng lồ mà Liverpool nhận được sau trận chung kết là 97,5 triệu bảng (~110 triệu euro) cho chức vô địch C1. Mùa bóng 2017-2018, Klopp thu về 72 triệu bảng (81.3 triệu euro) cho vị trí Á quân, cao hơn rất nhiều so với số tiền mà CLB Real Madrid nhận được mùa bóng 2016-2017.
Trước khi Champions League 2019-2020 khởi tranh, UEFA công bố kế hoạch tăng mức tiền thưởng cho hai đấu trường Champions League và Europa League ở mùa giải 2019/2020. Theo đó, mọi đội bóng có mặt trong vòng bảng Champions League đều nhận được số tiền 15 triệu Euro. Nếu có thành tích tốt, các đội bóng có cơ hội "bỏ túi" một số tiền rất lớn - lên tới 100 triệu Euro.
Bản quyền truyền hình
Với sự góp mặt của các CLB hàng đầu thế giới nên Champions League là giải đấu có tính chuyên môn cao. Khán giả của UEFA theo dõi trực tiếp và gián tiếp ước lên đến 4 tỷ người. Nhờ đó mà chiến dịch quảng cáo thương hiệu sẽ dễ dàng tiếp cận đến công chúng hơn. Do đó Champions League là giải đấu luôn thu được những khoản tiền tài trợ khổng lồ. Kênh truyền hình BT Sport đã phải trả 1,18 tỷ USD để giành quyền phát sóng Champion League độc quyền tại Anh tới năm 2021. Năm 2016, trận chung kết Champion League giữa Real Madrid và Atletico Madrid thu hút khoảng 350 triệu người thuộc 200 quốc gia theo dõi trực tiếp. Tiền bản quyền truyền hình cho trận đấu này đã có giá trị 1,6 tỷ USD.
BT Sport là một trong hàng trăm đối tác mua bản quyền phát sóng của Champion League, do đó có thể ước lượng số tiền khổng lồ mà UEFA thu về. Tại Việt Nam, có hai kênh truyền hình thường mua bản quyền phát sóng Champion League là VTVcab, K+,... thông qua một đơn vị ký trực tiếp với UEFA. Tuy nhiên trước mỗi mùa bóng đại diện các đơn vị này đều than trời với số tiền bản quyền của UEFA.
Mặc dù đã bán bản quyền cho các đối tác nhưng UEFA vẫn bảo vệ tuyệt đối bản quyền hình ảnh các trận đấu tại Champion League và có những quy định về bảo hộ quyền khi bán bản quyền cho các đơn vị nhằm bảo vệ “túi tiền” của mình.
Do các khoản tiền thưởng cho các đội bóng tham dự Champion League có liên quan đến bản quyền truyền hình là lí do thời gian qua UEFA muốn mở rộng qui mô giải đấu bằng cách tăng số lượng các đội bóng tham dự, đặc biệt là muốn mở rộng giải đấu về phía Đông, nơi đang có ít đại diện tham gia giải đấu hàng năm. Việc gia tăng các đội bóng tham dự, không ngoài mục đích gia tăng mức ảnh hưởng của giải đấu, giúp tiền chảy vào tài khoản của UEFA nhiều hơn.
Các nhà tài trợ
Chính việc UEFA Champions League thu hút hàng tỉ lượt người theo dõi qua truyền hình và Internet tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã liên tục giúp cho các nhà tài trợ phát triển thương hiệu. Đồng thời việc có các nhà tài trợ lớn giúp cho cuộc đua tại UEFA Champions League trở nên phổ biến hơn.
Hãng bia Hà Lan vừa gia hạn hợp tác UEFA Champions League thêm ba năm nữa, từ năm 2021 đến năm 2024. Heineken có mối quan hệ hợp tác hiệu quả với UEFA Champions League từ năm 1994. Năm 1994, Heineken ký hợp đồng tài trợ đầu tiên có trị giá là 70 triệu USD/năm với UEFA để gắn hình ảnh của mình với Champions League. Những lần ký sau đó thì số tiền cũng tăng lên.
Gazprom, Tập đoàn chuyên khai thác nhiên liệu thiên nhiên của Nga. Gazprom đã chính thức ký hợp đồng trở thành nhà tài trợ chính của UEFA Champions League để thương hiệu Gazprom xuất hiện trong suốt mùa giải. Không công bố giá trị tài trợ, nhưng với vai trò nhà tài trợ chính, để được gắn hình ảnh của Gazprom với UEFA Champions League trong suốt giải đấu, số tiền mà Gazprom phải trả cho UEFA không dưới 100 triệu USD.
Trong nỗ lực vượt Toyota để trở thành thương hiệu ô tô châu Á bán chạy nhất ở châu Âu, Nissan đã chọn tài trợ cho Champions League để phủ sóng hình ảnh thương hiệu. Nissan không công bố chi tiết số tiền tài trợ, nhưng theo tạp chí Marketing Week, hãng xe hơi Nhật Bản phải bỏ ra không dưới 75 triệu USD một năm. Tổng giá trị hợp đồng tài trợ cho Champions League các mùa giải 2014/2015 đến 2017/20184 năm trên 300 triệu USD. Đây được xem là hợp đồng tài trợ lớn nhất từ trước đến nay của Nissan.
MasterCard, là nhà tài trợ chính trong nhiều mùa giải của Champions League những năm qua. MasterCard luôn đồng hành cùng giải đấu. Đây là một công ty đa quốc gia với lĩnh vực kinh doanh chính là thực hiện các nghiệp vụ thanh toán qua thẻ có liên kết đến nhiều ngân hàng. Để hình ảnh của thương hiệu phủ sóng trong suốt mỗi mùa giải, MasterCard cũng phải trả cho UEFA con số không nhỏ.