Chất lượng tăng trưởng công nghiệp Việt Namquan điểm và tiêu chí đánh giá

1. Quan điểm chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện Việt Nam Yêu cầu về tính bền vững của phát triển kinh tế gần đây đã được các nhà kinh tế học thừa nhận và khuyến cáo, đặc biệt cho các

Lượng cao là tốt. Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore trước đây liên tục tăng trưởng 10%. Nhưng rồi những chuyển biến của kinh tế xã hội đã làm nảy sinh nhiều vấn đề mà quan trọng nhất là kết quả của sự tích lũy của cải rơi vào một nhóm người.

Tăng trưởng theo quan niệm cũ là sự tăng theo hình Kim tự tháp. Hiệu ứng từ sự dư thừa của nhóm người ở đỉnh tháp sẽ tạo ra lợi ích cho nhóm ở đáy tháp. Vì vậy, cứ tăng trưởng cao, nghiễm nhiên xã hội sẽ phát triển. Tuy nhiên, quan điểm này là sự ngộ nhận khi mà tài sản cứ đọng ở đỉnh tháp khiến tình trạng đói nghèo ở các giai tầng dưới vẫn tiếp tục gia tăng. Đây chính là động lực làm xuất hiện quan điểm về “chất” bên cạnh quan điểm về “lượng” của tăng trưởng.

Chất lượng tăng trưởng là một khái niệm mới, đã có nhiều tác giả nghiên cứu với nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng chất lượng tăng trưởng kinh tế là cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả. Quan điểm khác lại cho rằng, chất lượng tăng trưởng kinh tế là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp hoặc hàng hoá sản xuất trong nước... Năm 2004, nhóm nghiên cứu Thomas, Dailami và Dhareshwar đưa ra quan điểm mới “chất lượng tăng trưởng kinh tế đạt được khi tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong dài hạn và phải đóng góp trực tiếp vào phát triển bền vững và xoá đói giảm nghèo”. Đây là quan điểm khá phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay.

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ cao trong một giai đoạn khá dài, vì vậy diện mạo quốc gia đã thay đổi một cách rõ rệt. Chúng ta cũng đang thực hiện tốt một trong các mục tiêu lớn của công cuộc CNH, HĐH là cải thiện đáng kể trong việc xoá đói giảm nghèo, lấp dần hố ngăn cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là sứ mệnh này có thể được duy trì trong bao lâu, khi mà dấu hiệu “phình to” của đỉnh tháp tăng trưởng và các vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng rõ rệt. Vấn đề chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam hơn bao giờ hết cần được quan tâm đúng nghĩa. Gần đây, các chương trình nghị sự, nhiều hội nghị khoa học và dư luận trong nước đã và đang luận bàn nhiều đến vấn đề này.

Đối với các quốc gia phát triển thông qua con đường công nghiệp hóa, sản xuất công nghiệp là lĩnh vực quan trọng nhất, tạo động lực chính đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việt Nam cũng vậy, công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, hơn 15%/năm trong giai đoạn 2001-2008. Năm 2010 ước tính chiếm 33,29% tỷ trọng toàn nền kinh tế, tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động (chưa tính lao động thời vụ và hộ gia đình). Tuy vậy, liệu tăng trưởng của công nghiệp Việt Nam đã thực sự có “chất”?

Cùng với sự phát triển công nghiệp là những nguy cơ lớn về sự vấy bẩn môi trường và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng trong vài năm gần đây, nhiều quan điểm cho rằng tăng trưởng công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường và đảm bảo đời sống xã hội như là những điều kiện tiên quyết cho chất lượng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Luồng quan điểm này đã có tác động mạnh đến hàng loạt các quyết sách kinh tế vĩ mô, một loạt các quy định về môi trường theo tiêu chí cao (EU) đã được áp dụng trong quá trình xem xét các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Trên thực tế, điều này lại là tác nhân làm cản trở tốc độ tăng trưởng công nghiệp.

Tất nhiên, chúng ta sẽ không phát triển công nghiệp bằng mọi giá. Đánh đổi môi sinh lấy tốc độ tăng trưởng cao không phải là bài toán đặt ra. Vậy thì sự cân bằng nào giữa ba yếu tố: tốc độ tăng trưởng cao, tiêu chí môi trường cao và an sinh xã hội là tối ưu? Có nhiều lúc chúng ta đồng nhất hai khái niệm là phát triển bền vững và chất lượng tăng trưởng. Rõ ràng tăng trưởng có chất lượng mới đảm bảo phát triển bền vững. Hay nói khác đi, chất lượng tăng trưởng là một thành tố của phát triển bền vững chứ không hoàn toàn là phát triển bền vững. Nếu như vậy thì phải chăng, chúng ta nên có cái nhìn bớt “nặng nề” hơn đối với các tiêu chí môi trường trong chất lượng tăng trưởng công nghiệp Việt Nam. 

Trong điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay, có thể nói rằng, cố gắng đạt tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng cao, được duy trì trong dài hạn là mục tiêu cao nhất, đồng thời đảm bảo hài hòa các yêu cầu về môi trường để tiến tới mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta sẽ không thể thực hiện các vấn đề công bằng xã hội, an sinh xã hội nếu như thiếu đi các nguồn lực vật chất. Trong từng thời kỳ phát triển nhất định, các nước đã và sẽ phải chấp nhận hy sinh một phần của mục tiêu môi trường sạch thay vì sự phát triển của công nghiệp.

2. Xây dựng tiêu chí đánh giá

Với cách tiếp cận như trên, một số tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tăng trưởng công nghiệp Việt Nam được nêu ra như sau:

Nhóm 1: Các tiêu chí kinh tế công nghiệp

(1) - Cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp

Cơ cấu công nghiệp phản ánh cấu trúc bên trong của ngành công nghiệp, biểu hiện qua tỷ trọng của các thành tố tạo nên cơ cấu và qua các quan hệ chặt chẽ hay lỏng lẻo giữa các thành tố hợp thành. Cơ cấu công nghiệp quyết định sự phát triển hài hòa, nhịp nhàng của tất cả các thành tố tạo nên cơ cấu và cuối cùng đem lại kết quả tăng trưởng chung cho toàn ngành công nghiệp. Cơ cấu công nghiệp có thể được xem xét từ ba góc độ: ngành, lãnh thổ/phân bố không gian công nghiệp và sở hữu.

(2) - Giá trị sản xuất công nghiệp (GO) và giá trị tăng thêm (VA)

Nếu GO phản ánh quy mô sản xuất công nghiệp, thể hiện mặt lượng của tăng trưởng thì VA lại phản ánh rõ nét mặt chất của tăng trưởng dưới góc nhìn kinh tế. Nó là phần giá trị mới tăng thêm bao gồm cả lợi nhuận trong nền kinh tế, trong một ngành hay một doanh nghiệp. Đây là chỉ tiêu đang rất được quan tâm vì phần lớn các ngành công nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đạt được yêu cầu đối với chỉ số VA, trong khi chỉ số GO liên lục tăng với tốc độ gia tăng khá nhanh, làm cho chỉ số VA/GO có xu hướng giảm dần.

(3) - Hiệu quả sử dụng vốn/hệ số ICOR

Hiệu suất sử dụng vốn đầu tư (ICOR) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đơn vị vốn đầu tư để tạo ra được một đơn vị GDP gia tăng. Hệ số này phản ánh hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư dẫn tới tăng trưởng kinh tế.

Đối với một ngành kinh tế - kỹ thuật cụ thể, ví dụ như ngành công nghiệp điện tử, các chỉ số phản ánh hiệu quả sử dụng vốn như tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản... cũng có thể được coi là chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng của ngành qua đánh giá từ góc nhìn kinh tế.

(4) - Năng suất lao động

Năng suất lao động của ngành công nghiệp = GO/số lao động (giờ lao động). Chỉ tiêu này phản ánh trình độ lao động và sự phù hợp đối với quá trình sản xuất công nghiệp, đồng thời phản ánh được mức độ hiệu quả khi sử dụng lao động của ngành/doanh nghiệp. Giá và lực lượng lao động hiện đang là lợi thế cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam so với nhiều nước. Tuy nhiên, năng suất lao động công nghiệp thì vẫn là điều đáng bàn.

(5) - Mức độ phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT)

Chúng ta đang bàn nhiều về sự cấp thiết phải phát triển CNHT. Đây không chỉ là đòi hỏi chủ quan để bảo đảm tính chủ động cho nền kinh tế, chống nhập siêu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, phát triển hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà còn là đòi hỏi mang tính khách quan từ các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam. Khi chuyển đổi cơ chế, Việt Nam mở cửa, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, thì các nhà sản xuất trong nước không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Mức độ phát triển CNHT sẽ giúp cho công nghiệp Việt Nam tạo ra được những ưu thế từ gốc, các giá trị từ gốc của quá trình sản xuất và thương mại.

(6) - Các chỉ tiêu phản ánh năng lực cạnh tranh/xuất khẩu

Trong quá trình nghiên cứu về cạnh tranh, người ta đã sử dụng khái niệm năng lực cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh được xem xét ở các góc độ khác nhau như năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Năng lực canh tranh tốt sẽ là nền tảng của việc khai thác và phát triển thị trường nước ngoài, qua đó có thể gia tăng quy mô sản xuất công nghiệp.

Nhóm 2: Các tiêu chí đảm bảo các vấn đề về môi trường

Tăng trưởng công nghiệp và sử dụng tài nguyên môi trường có quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau. Đối với các nước có nguồn tài nguyên phong phú để phát triển công nghiệp, không sớm thì muộn sẽ làm mất dần đi môi trường tự nhiên và vấy bẩn môi trường sống. Chất lượng tăng trưởng công nghiệp Việt Nam cần thiết phải tính đến các yếu tố này.

Nhóm 3: Các tiêu chí đảm bảo các vấn đề xã hội

(1) – Tăng trưởng công nghiệp và giải quyết việc làm

Thông thường, tăng trưởng công nghiệp đi đôi với tạo thêm việc làm mới. Tuy nhiên, trong những điều kiện nhất định, điều đó lại hoàn toàn ngược lại, bởi cực tăng trưởng hướng hoàn toàn vào lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Có một số nước có tốc độ tăng trưởng GDP hơn 2%/năm, nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại cao hơn, lúc này bài toán chất lượng tăng trưởng đã được đặt ra một cách nghiêm túc.

(2) – Tăng trưởng công nghiệp đảm bảo các vấn nạn xã hội

Trong một thời gian dài, phân bố không gian công nghiệp Việt Nam bất hợp lý. Quá trình tích tụ phát triển công nghiệp với tốc độ cao đã làm nẩy sinh nhiều vấn nạn xã hội từ sự bất hợp lý đó. Điển hình là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Chúng ta sẽ phải tốn rất nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn nạn này. Đây là một trong những thành tố quan trọng của chất lượng tăng trưởng công nghiệp.

(3) - Tăng trưởng công nghiệp và xóa đói giảm nghèo

Đối với một quốc gia CNH, tăng trưởng công nghiệp có chất lượng phải kéo theo xóa đói giảm nghèo. Việc phân bổ nguồn lực phải được tính toán và thực hiện một cách tối ưu nhằm tới mục tiêu giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo.

Ngoài ra, còn một số tiêu chí khác không kém phần quan trọng như: tăng trưởng công nghiệp và tiến bộ xã hội, tăng trưởng công nghiệp và công bằng xã hội...

3. Vấn đề đặt ra với công nghiệp Việt Nam

Cùng với tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp vào nền kinh tế quốc dân, công nghiệp Việt Nam đang tạo ra những hiệu ứng rất tích cực đến các vấn đề xã hội. Thế hệ lao động công nghiệp với phong cách chuyên nghiệp và thu nhập ngày càng cao. Đời sống xã hội được cải thiện rõ rệt. Tuy sự vấy bẩn lên môi sinh đang dấy lên sự bức xúc của dư luận, song với những quy định khắt khe hơn, quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn, các vấn đề môi trường sẽ được giải quyết căn bản.

Có lẽ điều đáng lo ngại nhất về công nghiệp Việt Nam là chất lượng tăng trưởng của một số chỉ tiêu kinh tế. Cơ cấu ngành công nghiệp đang được dịch chuyển theo hướng hợp lý nhưng lại khá chậm chạp. GO tăng trưởng tốt nhưng VA lại có xu hướng giảm. Giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng VA công nghiệp là 10,11%, đến năm 2008 giảm xuống 8,14%, 6 tháng đầu năm 2009 chỉ còn 2,4%. Cùng với chỉ số VA, hệ số ICOR công nghiệp (theo giá hiện hành) cũng đang xấu đi. ICOR tăng từ 2,29 năm 2000 lên 2,34 năm 2005, 3,14 năm 2006 và 3,56 năm 2007. Điều này chứng tỏ hiệu quả đầu tư ngày càng giảm sút.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng cái căn bản nhất, có lẽ là sự kém phát triển của ngành CNHT. Rõ ràng đây là những vấn đề hết sức quan ngại đối với công nghiệp Viêt Nam, cần phải được tập trung giải quyết một cách nghiêm túc.

  • Tags: