Nằm ở cửa ngõ nối liền khu vực Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh những bứt phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Long An còn là một trong những địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước hướng tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Theo đó, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An được giao tham mưu các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện, làm tốt vai trò là Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Võ Kim Thuần - Giám đốc Chi cục chia sẻ: Năm 2023 có thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 02 xã NTM kiểu mẫu. Có thêm 01 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; 01 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 127 xã (chiếm 78,88% tổng số xã toàn tỉnh); 40 xã NTM nâng cao (chiếm 31,49% tổng số xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy giao); 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu/KH 02 xã, đạt 100% kế hoạch được giao. Toàn tỉnh sẽ có 05 đơn vị đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (gồm: Châu Thành, Tân An, Tân Trụ, Kiến Tường, Cần Đước) và 01 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (huyện Châu Thành).
Trong xây dựng nông thôn mới, cùng với nỗ lực thực hiện các tiêu chí liên quan đến hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, chợ nông thôn, tỉnh Long An đặc biệt chú trọng việc cải thiện, nâng cao thu nhập cho người nông dân khi xác định mục đích của xây dựng nông thôn mới chính là làm cho đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2023-2025; tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT văn bản triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2023-2025.
Chi cục tham mưu đề xuất kinh phí hỗ trợ hạ tầng cho 06 HTX điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2023-2025 với tổng kinh phí đầu tư là 9.865 triệu đồng, trong đó vốn hỗ trợ ngân sách là 7.250 triệu đồng, vốn đối ứng là 2.615 triệu đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An: Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và UBND các cấp, sự phát triển của HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dần thể hiện được vai trò và vị trí trong sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể.
Hoạt động của HTX bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của thành viên và góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Hoạt động chính của các HTX là dịch vụ hỗ trợ, kỹ thuật, giống và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, ngoài ra HTX còn làm dịch vụ bơm tưới, vật tư, thu hoạch... Hoạt động của một số HTX có đa dạng và phong phú hơn từ dịch vụ cung ứng đầu vào đến tiêu thụ đầu ra, tham gia liên kết tiêu thụ xây dựng cánh đồng lớn đối với lúa và một số sản phẩm chủ lực như rau, chanh, thanh long… HTX thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất ngày càng tăng, qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá.
Chỉ tiêu trong năm 2024, Long An phấn đấu có thêm 08 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 04 xã NTM kiểu mẫu; có thêm 03 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.
Để đạt được mục tiêu trên, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền và thực hiện hiệu quả cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với từng nhóm xã. Đơn vị nâng cao hiệu quả đầu tư của các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, không lãng phí các nguồn lực đầu tư trong xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Đặc biệt coi trọng hình thức hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong xây dựng hạ tầng thiết yếu ở nông thôn (giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế xã,...), tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn./.
Long An ưu tiên thu hút đầu tư vào nhiều dự án logistics và cụm công nghiệp