Chỉ số công khai Ngân sách tỉnh (POBI) 2018: Vĩnh Long đứng đầu

Sáng nay 12/6/2019, “Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2018” đã chính thức được công bố, đứng đầu là Vĩnh Long (90,52/100 điểm), Hải Phòng ở mức thấp nhất (5,14/100 điểm).

Kết quả xếp hạng Chỉ số POBI 2018 do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) công bố giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) và mức độ thực thi Luật NSNN, giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với quản lý ngân sách tại địa phương.

Đây cũng là công cụ giúp cho Việt Nam thực hiện ngày càng tốt hơn nỗ lực cải cách hành chính và tài khóa góp phần thực hiện cam kết với mục tiêu phát triển bền vững SDG 16 về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân.

Bà Ngô Minh Hương - Giám đốc CDI cho biết, mặc dù năm 2018 mới là năm thứ 2 khảo sát POBI được thực hiện ở Việt Nam, song có rất nhiều ý nghĩa. POBI 2018 cho thấy chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 51/100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn rất nhiều so với năm ngoái.

POBI 2018 được thực hiện theo thang điểm với 4 mức. Mức A từ 75 - 100 điểm quy đổi, được hiểu là mức độ công khai “Đầy đủ”; mức B từ 50 - 75 điểm quy đổi là mức công khai “Tương đối”; mức C từ 25 - 50 điểm là mức “Chưa đầy đủ”; Mức D từ 0 - 25 điểm là mức “Công khai ít”.

Chỉ số công khai Ngân sách tỉnh (POBI) 2018
Năm 2018, không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Điều này cho thấy đã có sự dịch chuyển đáng kể trong việc tuân thủ công khai ngân sách trên cấp độ toàn quốc

Kết quả khảo sát 63 tỉnh thành cho thấy, nhóm A gồm 6 tỉnh, trong đó đứng đầu là Vĩnh Long (90,52 điểm); nhóm B gồm 27 tỉnh đứng đầu là Trà Vinh (74,88 điểm); nhóm C gồm 21 tỉnh, đứng đầu là Hà Nội (49,72 điểm), TP Hồ Chí Minh (48,98 điểm); nhóm D gồm 9 tỉnh, Hải Phòng đứng ở mức thấp nhất (5,14 điểm).

Xét từng vùng, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt 60,9 và 59,16 điểm/100 điểm.

Tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ 54,37/100 điểm, vùng Đồng bằng sông Hồng 50,55/100 điểm. Khu vực Tây Nguyên 46,3/100 điểm, vùng miền núi Bắc bộ 42,9/100 điểm, vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất chỉ đạt 40,33/100 điểm.

Khác với năm 2017, không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Điều này cho thấy đã có sự dịch chuyển đáng kể trong việc tuân thủ công khai ngân sách trên cấp độ toàn quốc. Tuy nhiên vẫn còn 32 tỉnh thành nằm dưới mực hạng trung bình.

Kết quả khảo sát POBI 2018 về mức độ tham gia của người dân cho thấy nhìn chung, các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình công khai minh bạch ngân sách.

Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh thành phố là 34,6 điểm. Tỉnh Bắc Ninh đạt điểm số cao nhất với 66,6 điểm. Các tỉnh Bắc Giang, Bến Tre, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên và Thái Bình là các tỉnh có số điểm bằng nhau và là các tỉnh có số điểm thấp nhất cả nước (16,6 điểm).

Cụ thể hơn, chỉ có 3 trong số 63 tỉnh thành phản hồi qua thư mục hỏi đáp, bao gồm Bắc Ninh, Bình Thuận, Lào Cai. Chỉ có 6 trong số 63 tỉnh thành phản hồi qua email liên hệ, bao gồm Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Lào Cai, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Thu Thủy