Chợ nổi Cái Bè

Chợ nổi Cái Bè là một trong nhiều “chợ nổi” nổi tiếng khác ở miền Tây Nam bộ. Theo sách Đại Nam Nhất Thống chí soạn vào đời Tự Đức, thì Cái Bè thuở ấy đã là nơi buôn bán sầm uất. Tất cả hàng hoá đều đ

Chợ Cái Bè họp trên sông, ghe thuyền đi lại như mắc cửi. Chợ họp suốt cả ngày trên quy mô lớn, có đủ các ghe thuyền từ miệt vườn xa xôi về đây bán hàng và mua hàng. Vì vậy, chợ nổi Cái Bè rất đa dạng và phong phú, từ hàng vải may mặc, đồ gia dụng cho đến heo, gà, vịt, cá, tôm, rắn, rùa … và ngay cả đồ ăn thức uống cũng chẳng thiếu.
Khu vực buôn bán trái cây nằm ở vàm chợ nổi, dọc theo cù lao Tân Long trải dài cả cây số. Ghe thuyền từ thành phố Hồ Chí Minh, Long An, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau… đến để mua hàng. Ghe tam bản từ các vườn Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công, Hoà Khánh, An Hữu… ăm ắp  trái cây theo con nước ròng, từ ba, bốn giờ sáng đã có mặt ở chợ nổi, cân hàng cho các ghe thương lái để đưa lên bán ở chợ đất liền hoặc sang hàng cho các ghe nhỏ, chở đi phân phối dọc theo các kênh rạch vùng sâu của Đồng Tháp Mười.
Ban mai, mặt trời vừa ửng đỏ ở phương Đông, khu chợ nổi đã nhộn nhịp như thành phố nổi trên sông. Những chiếc xuồng nhỏ bán hàng rong như phở, cơm, hủ tiếu, đồ tạp hoá chạy luồn lách theo các mạn ghe, mạn tàu như những chú cá Kình chạy đi tìm mồi. Những chiếc phà nhỏ chở chừng vài, ba chục người đưa khách chạy qua chạy lại như con thoi. Tam bản chở chôm chôm đỏ rực, tàu chở xoài màu vàng ửng, xuồng sầu riêng thơm nồng, ghe dưa hấu xanh tươi… ở đây, giá rẻ đến bất ngờ.
Khu chợ nổi Cái Bè là trạm trung chuyển trái cây và tôm, cá đi khắp nơi. Đây là một trong các chợ đầu mối lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ.
Khu vực bán các loại củ quả chạy dài từ ngã ba nhà thờ đến cửa vàm Long Hải. Khu này bao gồm các loại ghe lớn, từ 5-10 tấn từ các tỉnh khác ở miền Tây chở khoai lang, dưa hấu, bầu bí, mía, than củi… đến trao đổi hàng hoá cho các tỉnh, rồi mua hàng chở về tỉnh mình. Bí rợ Hậu Giang dẻo như sáp, khoai lang Vĩnh Long thơm ngon.  Ghe thuyền bán món gì thì treo củ quả đó lên một cây sào dài dựng trước ghe để chào hàng.
Khu bán gạo, cám thì nằm riêng biệt ở một khúc sông. Những chiếc “chẹt” bán đồ tạp hoá thì nằm ìm lìm sóng đôi, to lù lù như con cá mập phơi mình trên sông nước.
Ngay từ vàm Long Hải là một cảng nhỏ. Các loại xe tải lớn nhỏ nằm chờ ăn hàng. Các thuyền ghe trái cây sau khi no hàng, có thể  theo sông Tiền lên thẳng thành phố Hồ Chí Minh, cũng có thể sang lại cho các xe tải đi theo đường bộ.
Mỗi nơi mỗi vẻ, trên bến dưới thuyền, tiếng nói cười ầm ĩ, xôn xao cả một vùng sông nước. Buổi chiều, khi mặt trời khuất, sau rặng cây phía xa xa thì “thành phố nổi” lên đèn. Ban đêm, chợ nổi đèn sáng như sao sa, những chiếc đèn lồng nho nhỏ treo ở phía trước mũi thuyền nhấp nháy. Văng vẳng tiếng hát vọng cổ nghe sầu thương, não ruột và xuống giọng cũng rất  “mùi” làm sao!
Mùa nào củ quả ấy, nhất là vào các dịp lễ, tết, ngày mồng 5 tháng 5 nă, âm lịch, chợ nổi Cái Bè càng sinh động lạ thường. Cũng vào dịp này, khách phương xa về Tiền Giang đi chợ nổi mới thấy thú vị và sẽ khám phá ra những điều mới lạ của chốn sông nước miền Tây…

  • Tags: