Chuyển dịch từ tăng trưởng về lượng sang lượng - chất

Năm 2020 đã diễn ra với nhiều khó khăn. Khi nhiều quốc gia công bố các mức tăng trưởng kinh tế âm, thì Việt Nam nằm nhóm các nước tăng trưởng cao nhất với 2,91%. Nhưng quan trọng hơn, nền kinh tế đã chuyển dịch từ tăng trưởng về lượng sang bảo đảm giữa lượng và chất.

Để có được kết quả tương đối tích cực của ngày hôm nay, không thể không nói đến sự quyết tâm và những hành động cải cách, đổi mới mạnh mẽ của Chính phủ thể hiện trong suốt nhiệm kỳ qua, bắt nguồn từ chính thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo của Chính phủ Khóa XIV.

Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh bốn nội dung chính trong Chính phủ kiến tạo là:

Chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế;

Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm;

Kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD; và

Nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt, nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử …

Theo đánh giá gần nhất của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được đánh giá thăng hạng cả ở chỉ số Môi trường kinh doanh và chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0.

Chỉ số Môi trường kinh doanh từ vị trí 90 (trên 190 quốc gia) khi Chính phủ bước vào nhiệm kỳ mới (2016) lên vị trí 70 (trên 190 quốc gia) vào năm 2020.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0, dù không được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá vào năm 2020 do dịch COVID-19, nhưng đã được ghi nhận tăng 10 bậc từ vị trí 77 (trên 140 quốc gia) ở năm 2018 lên vị trí 67 (trên 141 quốc gia) vào năm 2019.

Kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín này là những chỉ dấu tích cực phản ánh kết quả mà Chính phủ kiến tạo đã và đang đạt được thông qua sự chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, việc kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, và việc xây dựng chính quyền điện tử…

Bên cạnh việc chuyển dịch nền kinh tế từ tăng trưởng về lượng sang việc vừa bảo đảm giữa lượng và chất, Chính phủ cũng xác định tầm nhìn dài hạn dựa trên việc nuôi dưỡng, phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước cùng với quá trình thu hút có chọn lọc đối với các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam.

Những chính sách và hành động cải cách của Chính phủ kiến tạo tập trung mạnh mẽ vào doanh nghiệp – động lực phát triển và xây dựng một nền kinh tế tự cường - thể hiện ở những quyết sách đáng lưu ý như tạo lập môi trường và nền tảng kinh doanh thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp;

Liên tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi hóa thương mại, cắt giảm và đơn giản hóa nhiều quy định và chi phí tuân thủ, thiết lập các cơ chế đối thoại công - tư liên tục và cởi mở; và,

Nỗ lực đặc biệt lớn trong việc hiện đại hóa cung cấp dịch vụ công, trọng tâm là các dịch vụ công trực tuyến với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị đầu tiên của năm 2020, Chỉ thị 01/CT-TTg, hướng vào thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, cho thấy trọng tâm phát triển của Việt Nam phải là chuyển đổi số để Việt Nam có thể đột phá và nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng đang bước đầu thực hiện chuyển đổi số.

Chỉ thị 01 đã trở thành động lực để hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số được thành lập mới trong 12 tháng  bất chấp những khó khăn và đầy biến động ở cả trong và ngoài nước vừa qua.

Mức tăng trưởng này tương đương với mức tăng 28% của giai đoạn suốt 30 năm trở về trước và chỉ riêng ngành CNTT đã sử dụng 1,03 triệu lao động, đóng góp đến 14,3% GDP và 33,7% tỷ trọng xuất khẩu của cả nước .

Không chỉ có doanh nghiệp công nghệ số được quan tâm thúc đẩy, những năm trước đó Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp nói chung để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Cụ thể, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; các Nghị quyết số 19/NQ-CP qua các năm 2015, 2016, 2017 và 2018 với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;

Các Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 và 2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với mục tiêu môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN trong năm 2020.

Lương Sơn