Thị giá cổ phiếu gạo tăng bằng lần chỉ trong 2 tuần
Trong hai tuần vừa qua, việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng kỷ lục lên mức cao nhất kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử năm 2008 đã thúc đẩy sự quan tâm của một bộ phận các nhà đầu tư đến nhóm cổ phiếu gạo trên thị trường chứng khoán.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tính đến chiều ngày 9/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện đạt 618 USD/tấn, tăng gần 18% so với trung tuần tháng 7, chỉ còn thấp hơn giá gạo Thái Lan cùng phẩm cấp 7 USD/tấn. Thậm chí, giá gạo xuất khẩu 25% tấm của Việt Nam đạt 598 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với mức 579 USD/tấn của giá gạo Thái Lan cùng phẩm cấp.
Cùng với đà tăng của giá gạo xuất khẩu, thị giá của các cổ phiếu gạo như cổ phiếu VSF của Vinafood 2 (Tổng Công ty Lương thực Miền Nam), cổ phiếu TAR của Gạo Trung An (Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An), cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời, cổ phiếu AGM của Angimex (Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang)… cũng “nổi sóng” với mức tăng vài chục phần trăm thậm chí bằng lần chỉ trong 2 tuần – vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường.
Trong đó, cổ phiếu VSF của Vinafood 2 đã tăng giá gấp gần 4 lần, chạm mức cao nhất lịch sử kể từ khi cổ phiếu này được niêm yết vào cuối tháng 4/2018. Cổ phiếu AGM của Angimex cũng tăng gấp 2 lần.
Sóng cổ phiếu gạo đã đến hồi kết?
Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch hôm nay ngày 9/8, trong bối cảnh thị trường điều chỉnh chung, cổ phiếu VSF của Vinafood 2 trên sàn UPCoM đã giảm hết biên độ, xuống còn 31.800 đồng/cổ phiếu với 392.000 cổ phiếu được sang tay; trong đó, khối lượng bán chủ động chiếm 63%. Khối lượng dư bán ở mức giá sàn lên tới hơn 540.000 cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch ngày 9/8, thị giá cổ phiếu VSF đã có lúc đạt mức 42.860 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu VSF tại mức giá này thì đến cuối phiên giao dịch đã lỗ ngay lập tức 26%.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Như Ngọc là vợ của ông Trần Tấn Đức – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Vinafood 2 vừa đăng ký bán ra 100.000 cổ phiếu VSF trong tổng số 116.500 cổ phiếu VSF đang nắm giữ nhằm “cơ cấu danh mục đầu tư”. Thời gian giao dịch diễn ra từ ngày từ ngày 9/8 đến 31/8/2023, theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Tạm tính theo mức giá đóng của ngày 9/8, thương vụ này có thể giúp bà Nguyễn Thị Như Ngọc thu về hơn 3,1 tỷ đồng.
Với việc giảm sàn trong phiên giao dịch hôm nay, chuỗi tăng giá “không ngừng nghỉ” kéo dài 11 ngày với 10 phiên tăng kịch biên độ và 1 phiên suýt soát trần của cổ phiếu VSF đã chấm dứt.
Tương tự, cổ phiếu AGM của Angimex cũng “nằm sàn” trong phiên giao dịch ngày 9/8 với thanh khoản đạt hơn 1,5 triệu đơn vị. Trong đó, khối lượng bán chủ động chiếm gần 67% và đến cuối phiên vẫn còn dư bán sàn 1,28 triệu đơn vị. Qua đó, chuỗi tăng giá kéo dài 12 ngày liên tiếp với 7 phiên tăng trần và 2 phiên gần kịch biên độ của cổ phiếu AGM đã chấm dứt.
Vinafood 2 hiện là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 14% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong năm 2022. Trong khi đó, Angimex cũng là một trong những doanh nghiệp đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo với năng lực sản xuất khoảng 250.000 tấn/năm.
Cuối tuần trước, cả Vinafood 2 và Angimex đều đã cùng có văn bản giải trình với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc cổ phiếu tăng trần liên tục nhiều phiên. Lãnh đạo cả hai doanh nghiệp đều nhấn mạnh doanh nghiệp không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường và việc giá cổ phiếu tăng mạnh là do kỳ vọng của nhà đầu tư trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng cao.
Các cổ phiếu gạo khác như TAR của Gạo Trung An và LTG của Tập đoàn Lộc Trời cũng chịu áp lực điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 9/8.