Để tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp trong điều kiện dịch Covid- 19 vẫn đang lan rộng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm, đời sống, thu nhập của đoàn viên, CNLĐ… Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết tiếp nối từ các năm trước năm 2022 sẽ tổ chức 14 lớp đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, NLĐ.
Đối tượng các lớp học là Đoàn viên, CNLĐ đang làm việc tại các đơn vị cơ sở trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam (Công đoàn Dệt May) có nhu cầu được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và được Ban chấp hành công đoàn và người sử dụng lao động doanh nghiệp đồng ý, cử tham gia.
Theo Công đoàn Dệt May trước ảnh hưởng của dịch Covid- 19 và sự tác động của cuộc CMCN 4.0, các khóa đào tạo hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng thích ứng của NLĐ thúc đẩy phong trào học tập, trau dồi kĩ năng nghề nghiệp, phát huy sức sáng tạo, sự thích nghi, sẵn sàng chuyển đổi nghề của người lao động.
Hoạt động này nằm trong nội dung triển khai các Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động” (theo Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Dệt May Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023); Kế hoạch triển khai Chương trình đào tạo “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động” năm 2022 (Công đoàn Dệt May Việt Nam ban hành).
Đồng thời là nội dung thực hiện Đề án số 668/ĐA-TLĐ ngày 7/7/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc “Công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho đoàn viên, người lao động, giai đoạn 2020-2023 và định hướng đến năm 2030”.
Thực tế trong sản xuất của ngành Dệt May Việt Nam đòi hỏi công nhân không chỉ giỏi kỹ năng nghề tại vị trí sản xuất mà còn biết thêm những kỹ năng khác nhất là phải liên tục cập nhật cho để không bị tụt lại phía sau, đáp ứng được yêu cầu, biến động của các mã đơn hàng Dệt May (theo từng đơn đặt hàng), đảm bảo có thể chuyển đổi được vị trí sản xuất đảm bảo việc làm và thu nhập…
Qua việc hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ, Công đoàn Dệt May hướng tới mục tiêu góp phần tăng năng suất lao động, giúp các doanh nghiệp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, người lao động ổn định việc làm và đảm bảo thu nhập.
Đến nay gần 460 học viên đăng ký tham gia trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó mỗi lớp sẽ có ít nhất từ 40 học viên trở lên, trải dài trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam; với khung giờ, thời gian học linh hoạt bố trí lệch nhau.
Công đoàn Dệt May cũng cho biết thêm để đảm bảo hiệu quả các lớp đào tạo tập trung vào việc nâng cao năng lực, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng làm việc của đoàn viên, người lao động, phù hợp với nhu cầu, điều kiện, đặc điểm của Ngành, từng đơn vị, trong từng giai đoạn cụ thể.
Cụ thể tập trung vào 2 nội dung: đoàn viên, công nhân lao động có trình độ, tay nghề phù hợp, có khả năng phát triển, đảm nhiệm công việc Quản lý tổ sản xuất ngành may; Đào tạo đoàn viên, công nhân lao động có trình độ, tay nghề phù hợp, có khả năng phát triển, đảm nhiệm công việc Kỹ thuật chuyền ngành may.
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ TP.HCM là đơn vị đảm nhận tổ chức các khóa đào tạo Công đoàn Dệt May Việt Nam hỗ trợ chi phí đào tạo, phí tổ chức, quản lý lớp học, giáo trình, tài liệu học tập… Các đơn vị cơ sở hỗ trợ chi phí tiền lương, văn phòng phẩm, địa điểm, cơ sở vật chất, các khoản bồi dưỡng khác (nếu có) cho học viên ...