Cộng đồng Islam hỗ trợ nhau tiếp cận và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế

Sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, của các tổ chức chính trị-xã hội đã cộng hưởng với tư tưởng tương trợ nhau trong mọi hoạt động xã hội, trong đó có hỗ trợ nhau làm kinh tế, đã giúp công đồng người Islam ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho họ tiếp cận và thụ hưởng những thành quả của sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội.

cong dong islam

Mây, cô gái Việt sinh ra ở Huế. Cô gặp chồng tương lai, là tín đồ Islam giáo, khi theo học chương trình Thạc sĩ ngành quản trị du lịch tại trường đại học Westminster ở trung tâm London. Cô cho biết, thông thường, người theo đạo Islam sẽ trích 20 phần trăm số tiền kiếm được mỗi năm, sau khi trừ mọi khoản chi phí tiêu dùng trong năm đó, để làm từ thiện. Ví dụ, hàng năm gia đình tôi đóng góp cho tổ chức Orison một khoản tiền để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở Pakistan hoặc Bangladesh. Không ai kiểm tra việc làm từ thiện cả, chúng tôi làm vì cảm thấy nên làm mà thôi.

Đó cũng là cách nghĩ và cánh hành xử phổ biến của một tín đồ Islam giáo. Kinh Qur’ran viết: “Ai làm nhẹ nỗi đau khổ của một người nghèo khó, Allah sẽ làm nhẹ sự đau khổ của y ở đời này lẫn Ðời Sau. Ai che chở một người Muslim, Allah sẽ che chở cho y ở đời này lẫn Ðời Sau. Allah sẽ trợ giúp người bề-tôi của Ngài nếu y trợ giúp người anh em của y”.

Mục tiêu của Islam là khơi dậy và duy trì tinh thần tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng tín đồ Muslim, qua đó, người nghèo khó sẽ được cải thiện cũng như vượt qua được thời điểm khó khăn đói khát, còn người giàu sẽ được tẩy sạch tâm hồn khỏi sự keo kiệt, ích kỷ và hẹp hòi, đồng thời người nghèo cũng được tẩy sạch tâm hồn khỏi sự ganh ghét và hận thù khi họ nhìn thấy người giàu giúp đỡ, tương trợ và cư xử tốt với họ. Đồng thời xây dựng được nếp sống “Tốt đời đẹp đạo”.

Với tư tưởng ấy, người Islam tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình, hết sức đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Sự giúp đỡ của một tín đồ Islam mang tính toàn diện, không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất, mà còn tạo thuận lợi cho những người anh em khác trong làm ăn, hoạt động kinh tế, hoặc lựa lời an ủi, động viên nhau vượt lên khi ai đó rơi vào tình huống khó khăn.

Mặc dù vậy, tín đồ Islam giáo rất thẳng thắn và trách nhiệm. Họ sẵn sàng phê bình, chỉ trích những hành vi không lành mạnh. Từ nhiều năm nay, huyện An Phú, nơi cộng đồng người Chăm chiếm 50% tổng số người Chăm toàn tỉnh An Giang, đã trở thành địa bàn không rượu chè, không tiệc tùng hát hò thâu đêm suốt sáng. Khi nhà có việc, bà con vẫn cứ làm đám tiệc, nhưng gia đình nào tổ chức nhậu và hát hò thì vô họp bị phê bình, nhắc nhở. Còn tái phạm làng xóm sẽ tẩy chay, bà con sẽ không chơi hay ghé thăm nhà đó nữa. Vì vậy, trong làng ngoài xóm ai nấy đều chí thú làm ăn. Cộng đồng bình yên, yêu thương đoàn kết và đỡ đần nhau trong cuộc sống nên cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá.

người Chăm
Nỗ lực hỗ trợ cộng đồng đã giúp người Chăm Islam Việt Nam có cuộc sống ổn định

Tại tỉnh Bình Dương, mức sống của cộng đồng người Chăm Islam, ở mức trung bình so với mặt bằng chung của người dân trong tỉnh, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo không nhiều do mấy lý do sau. Thứ nhất, cộng đồng người Chăm Islam trên địa bàn tỉnh sống rải rác, đan xen với người Kinh nên ngoài những chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có cộng đồng người Chăm Islam được hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tính đến nay, hầu hết các hộ dân tộc Chăm Islam có cuộc sống ổn định, có đất sản xuất, đất ở. Mặc dù tỉnh Bình Dương không còn khu vực đặc biệt khó khăn, không có dự án phát triển riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện công tác hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thuộc diện nghèo và cận nghèo (theo tiêu chí của tỉnh) để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí; hằng năm tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây cao su, tiêu, trồng nấm, chăn nuôi gà thả vườn... cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, đồng bào Chăm theo đạo Hồi Islam trong tỉnh cũng được thụ hưởng các chính sách dân tộc như: đã đầu tư xây dựng cụm văn hóa, chợ; đường giao thông nông thôn vào khu vực đồng bào dân tộc; tổ chức thi sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh; cho vay vốn hộ cận nghèo; vốn nước sạch; vốn giải quyết việc; vốn tiết kiệm phụ nữ; vốn Ngân hàng chính sách; miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng, đồng phục cho các em trường tiểu học…

Người chăm

Thứ hai, bản thân người Chăm Islam chủ động giúp nhau trong cộng đồng như cho vay vốn, trao đổi tư liệu sản xuất (đất đai), hỗ trợ nhau thực hiện các chính sách khuyến nông của nhà nước như hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây cao su, tiêu, trồng nấm, chăn nuôi gà thả vườn...;  nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Thứ ba, cộng đồng người Chăm theo Islam giáo ở Bình Dương có mối quan hệ mật thiết và chịu ảnh hưởng rất lớn của cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Hằng năm Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu cho nhiều đoàn quốc tế từ nhiều quốc gia trên thế giới đến thăm, du lịch, hành hương …  và làm công tác từ thiện, hỗ trợ cho một số người du học và đi hành hương tại Mecca như Malaysia, Thái lan, Indonesia, Campuchia, Singapo, Ấn độ, Mỹ, UAE, A-Rập Xê-út … Thứ tư, hằng năm, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tập trung phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước như Quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật bảo vệ Môi trường, Luật bảo vệ và phát triển rừng… hoặc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của nhân dân để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, vận động đồng bào tham gia bảo vệ môi trường, ăn ở hợp vệ sinh, đã góp phần giúp đồng bào Chăm Islam nơi đây có ý thức đoàn kết, vươn lên, tương trợ nhau trong các hoạt động kinh tế, sống hòa đồng với các dân tộc trên địa bàn.

Có thể nói, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, của các tổ chức chính trị-xã hội đã cộng hưởng với tư tưởng tương trợ nhau trong mọi hoạt động xã hội, trong đó có hỗ trợ nhau làm kinh tế, đã giúp công đồng người Islam ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho họ tiếp cận và thụ hưởng những thành quả của sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội.

Kim Bảng và nhóm tác giả