Công tác truyền thông - Công cụ nền tảng tư tưởng

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các quan điểm sai trái, thù địch được xác định là nhiệm vụ tất yếu hiện nay và đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Trong đó, báo chí, truyền thông là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa có vai trò quan trọng trong cuộc chiến đầy cam go, phức tạp này.

Truyền thông phát huy vai trò chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh

Tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng Búa liềm vàng lần thứ 6 (năm 2021), đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban bí thư (nay là Chủ tịch nước) nhấn mạnh: ''Sứ mệnh của người làm báo cách mạng và tác phẩm báo chí về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không chỉ dừng lại ở việc phản ánh, mô tả, mà còn tham dự sâu sắc, hiệu quả, trách nhiệm hơn vào giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng giá trị, phản biện xã hội, truyền thông chính sách, đấu tranh sắc bén với các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng và góp phần cải tạo xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”. Đây cũng là kim chỉ nam cho đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay.

Báo chí cách mạng chính là công cụ tuyên truyền nội dung, giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, là vũ khí sắc bén để đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân. Do đó, mỗi cơ quan báo chí cần quán triệt sâu sắc tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh cao cả của mình; mỗi nhà báo cần phát huy vai trò là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay.

Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ người làm báo, truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong bài viết “Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà báo cách mạng lại càng phải có bản lĩnh cách mạng, giữ vững vai trò định hướng thông tin. Nói cách khác, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của Nhân dân; là tinh thần tự đổi mới, tự hoàn thiện chính bản thân mình. Đặc biệt, báo chí phải làm sao để góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của Nhân dân.

Quán triệt tinh thần đó, thời gian qua, các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ Công Thương luôn chủ động, tăng cường xây dựng, phát triển chuyên trang, chuyên mục, chương trình, thời lượng thông tin tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 35, cơ quan chức năng để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất nội dung tuyên truyền, đáp ứng cao nhất yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...

Các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ Công Thương hiện nay gồm: Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương, Truyền hình Công Thương, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại… và rất nhiều các Trang Thông tin điện tử do các Cục, Vụ thuộc Bộ quản lý, vận hành. Tuy nhiên, xác định vai trò của thông tin, truyền thông trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu mỗi đơn vị, mỗi đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phải tự xác định trách nhiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Trên cơ sở Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, ngày 20/9/2019, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 47-QĐ/BCSĐ ngày 20/9/2019 và Quyết định số 02-QĐ/BCSĐ ngày 07/01/2020 thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35).

Ngay sau khi thành lập, Ban chỉ đạo 35 đã triển khai nhiều nội dung, trong đó tập trung vào việc xây dựng chuyên trang, chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các đơn vị báo chí trực thuộc. Từ đó, triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền nhằm quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong ngành về các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin trái chiều liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Đến nay, sau 4 năm thành lập, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng đảng” của Cổng Thông tin điện tử Bộ, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương thường xuyên cập nhật các bài viết lan tỏa thông tin chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; phản ánh kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, kết quả thực hiện những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến Ngành; đi sâu, phân tích, cung cấp những thông tin cần thiết ở những điểm mới, điểm khó, điểm nhạy cảm cả trong nhận thức và hành động mà xã hội quan tâm; có thể đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái hoặc đấu tranh gián tiếp thông qua cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác…

Tuân thủ sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt của Đảng đối với hoạt động thông tin, tuyên truyền

Thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương trong công tác thông tin, truyền thông, thời gian qua, Chi ủy, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã luôn sâu sát trong chỉ đạo, điều hành; đồng thời, quán triệt các đảng viên nâng cao nhận thức, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng đảng, nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Chi ủy, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai công tác thông tin, tuyên truyền của Cục bám sát chỉ đạo theo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương, đảm bảo các yêu cầu: Thứ nhất, tuân thủ sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt của Đảng đối với công tác tư tưởng nói chung và hoạt động thông tin, tuyên truyền nói riêng; Thứ hai, tuân thủ định hướng đúng đắn của Đảng đối với công tác dư luận xã hội. Thứ ba, kiên trì giữ vững mục tiêu đoàn kết, ổn định chính trị - xã hội; đồng thời, khuyến khích sự tham gia tích cực của đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Cục trong hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng; Thứ tư, coi trọng việc đổi mới nội dung và hình thức cung cấp thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội…

Là đơn vị tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thương mại điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ngành Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thời gian qua đăng tải nhiều thông tin quan trọng liên quan đến lĩnh vực phụ trách trên Trang thông tin điện tử của Cục (www.idea.gov.vn); viết bài gửi Ban chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, đăng tải chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương. Các bài viết có lượt truy cập cao, nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả, trong đó, có đối tượng nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông, từ đó, bài viết lại tiếp tục được lan toả đến đông đảo bạn đọc trong cả nước.

Truyền thông là công cụ để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng

Từ khi thành lập đến nay, cùng với xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng. Suy cho cùng, công tác tư tưởng chính là hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bởi không thể có quyết định đúng nếu không cơ sở lý luận đúng, tư tưởng không thông.

Do đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chi ủy, công tác truyền thông của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số gắn liền với các nhiệm vụ chính trị, các hoạt động chuyên môn như: Tập trung xây dựng Đề án chuyển đổi số và kinh tế số ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030; Tăng cường công tác đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên Thương mại điện tử; Bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Chính phủ số Bộ Công Thương; Tập trung chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ngành Công Thương; Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bán hàng qua sàn thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới… Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã và sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, coi đây là công cụ để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng.

Công tác truyền thông - Công cụ nền tảng tư tưởng
Phiên chợ nông sản Việt trực tuyến trên sàn Thương mại điện tử 

Xác định việc hỗ trợ nông dân đưa nông sản qua kênh phân phối sàn thương mại điện tử và môi trường số là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, địa phương tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn và triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hợp tác xã, hộ kinh doanh… tiếp cận với mô hình kinh doanh qua sàn thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới. Nhờ đó, trong những giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid-19 hoặc trước nỗi lo “được mùa mất giá”, nông sản Việt đã ổn định đầu ra, mở đường chinh phục người tiêu dùng trong nước và bạn bè quốc tế.

Thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ưu điểm, hoạt động thương mại điện tử cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khiến người tiêu dùng cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình mua hàng qua mạng. Tình hình tiếp nhận yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng tại Bộ Công Thương trong những năm gần đây cho thấy, các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực Thương mại điện tử đang gia tăng liên tục. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trung bình mỗi năm đã tiếp nhận và xử lý trên 200 khiếu nại, yêu cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Một số hành vi bị phản ánh, khiếu nại thường xuyên bao gồm: Hàng nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng; tự động hủy đơn hàng; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo hoặc hàng khuyến mãi đi kèm; bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại…

Phiên chợ nông sản Việt trực tuyến trên sàn Thương mại điện tử 
Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt

Trước sự gia tăng về số lượng các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng, trong những năm gần đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức các hội thảo chuyên đề và xây dựng ấn phẩm tuyên truyền với nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Thông qua đó, cộng đồng doanh nghiệp ý thức rõ hơn về lợi ích của doanh nghiệp khi thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, người tiêu dùng được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi giao dịch qua mạng.

Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt
Hội nghị định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững tỉnh Sơn La

Bên cạnh việc tổ chức hội thảo tuyên truyền, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đăng tải các tin, bài về thực trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, đồng thời đưa ra các khuyến cáo, lưu ý cho người tiêu dùng thông qua Trang thông tin điện tử của Cục (www.idea.gov.vn) hoặc Cổng thông tin Quản lý hoạt động Thương mại điện tử (www.online.gov.vn). Mục tiêu của hoạt động này nhằm giúp người tiêu dùng có được các kỹ năng cần thiết trên môi trường mạng, từ việc nhận biết website thương mại điện tử đã đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương, đọc - hiểu các điều kiện, điều khoản của website, nhận biết nhận xét có dấu hiệu giả về hàng hóa,… cho đến việc phản ánh, khiếu nại hiệu quả khi nhận thấy quyền lợi bị vi phạm.

Nhằm xây dựng chế tài để quản lý hoạt động thương mại điện tử, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hoàn thiện khung khổ pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng trong Thương mại điện tử, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật. Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng Tổng cục Quản lý thị trường tham mưu, trình ban hành Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong Thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án này đã được Chính phủ phê duyệt vào ngày 29/3/2023 vừa qua.

Như vậy, nhờ chú trọng và xác định đúng vai trò của công tác truyền thông, Bộ Công Thương nói chung, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói riêng đã góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng đảng, bảo vệ những thành tựu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và ngành Công Thương.

Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã chỉ rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của mỗi đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên và các cơ quan truyền thông, báo chí. Đây là định hướng quan trọng, khẳng định vai trò, trách nhiệm của công tác truyền thông trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng này. Nhằm phát huy vai trò sứ mệnh của công tác truyền thông, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương thống nhất trong chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Bộ, quyết tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Nhóm Truyền thông, Cục TMĐT và KTS