Công ty FECON (FCN) thực hiện tuyến cáp treo của dự án 1.700 tỷ đồng tại Hoà Bình

Công ty FECON (mã cổ phiếu FCN) và Tập đoàn Thái Bình Dương vừa chính thức ký hợp đồng triển khai Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình.
Công ty Fecon
Đại diện Công ty FECON và Tập đoàn Thái Bình Dương ký kết hợp đồng.

Cuối tuần vừa qua, Công ty Cổ phần FECON (mã cổ phiếu FCN - sàn HoSE) và Tập đoàn Thái Bình Dương đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng thi công hạng mục nhà ga Hà Nội tại Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình.

Dự án tuyến cáp treo Hương Bình là dự án kết nối khu vực Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) với Chùa Tiên (xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) do Công ty TNHH MTV Du lịch Thái Bình - đơn vị thành viên của Tập đoàn Thái Bình Dương làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục, như: tuyến cáp treo (chiều dài gần 3 km), nhà ga hai đầu, khu dịch vụ khách hàng, bến thuyền, nhà hàng, khu biệt thự nghỉ dưỡng… 

Trong đó, riêng gói dự án tuyến cáp treo có mức đầu tư 600 tỷ đồng. Công ty FECON sẽ phụ trách thi công xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị nhà ga, hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ đầu Hà Nội, với tổng giá trị hợp đồng hơn 200 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến trong 9 tháng.

Sau khi hoàn thành, tuyến cáp treo này sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển tối đa 16.000 lượt người/ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 1,5 triệu du khách tham gia lễ hội Chùa Hương, Chùa Tam Chúc hàng năm.

Cáp treo Hương Bình
Tuyến cáp treo Hương Bình có công suất phục vụ tối đa 16.000 lượt người/ngày. (Nguồn: Tập đoàn Thái Bình Dương)

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Nguyễn Duy Lập Quốc - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương cho biết: “Hạng mục thi công nhà ga Hà Nội là mảnh ghép quan trọng của Dự án tuyến cáp treo Hương Bình. Trước đó hạng mục tuyến cáp treo và hạng mục nhà ga Hòa Bình đã tiến hành thi công, đến nay tiến độ lần lượt đạt 30% và 10%. Việc công ty FECON tham gia thi công hạng mục nhà ga Hà Nội muộn hơn đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, phải nỗ lực nhiều hơn để về đích cùng lúc với 2 mảnh ghép còn lại và đưa dự án đi vào hoạt động trong quý 4/2024. Chúng tôi lựa chọn công ty FECON với niềm tin rằng công ty hoàn toàn có thể giải quyết bài toán khó khăn ấy.”

Ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc công ty FECON nhấn mạnh: “Công ty FECON cam kết sẽ huy động nguồn lực tối đa từ nhân sự quản lý đến công nhân thi công trực tiếp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ của chủ đầu tư.” 

Xem thêm: "Công ty FECON (FCN) “bắt tay” với Tập đoàn Stavian trong phát triển các khu công nghiệp, trung tâm logistics" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Được biết, đây là lần hợp tác thứ ba giữa công ty FECON và Tập đoàn Thái Bình Dương. Trước đó, hai bên đã hợp tác thành công tại Dự án Điện gió Thái Hòa (tỉnh Bình Thuận) vào năm 2020 và Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II (tỉnh Hà Tĩnh) vào năm 2021.

Việc chính thức ký kết hợp đồng với Tập đoàn Thái Bình Dương sẽ giúp gia tăng nguồn công việc cho công ty FECON trong thời gian tới. Theo ban lãnh đạo công ty, tổng giá trị hợp đồng ký mới trong quý 3/2023 đạt khoảng 1.058 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần trong quý 2/2023 và nhiều phần việc tại các dự án lớn đã hoàn thành 80% - 99%.

Như vậy, tổng giá trị các gói thầu ký mới trong 9 tháng đầu năm 2023 của doanh nghiệp này đạt khoảng 2.088 tỷ đồng, nâng tổng giá trị khối lượng công việc tồn đọng (backlog) lên hơn 5.000 tỷ đồng; giúp đảm bảo nguồn công việc trong cả năm 2024.

Duy Quang