Theo đánh giá mới đây của các chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã cổ phiếu VDS - sàn HoSE), trong 4 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô vẫn đối mặt nhiều thách thức. Trong đó, tác động lan toả của đầu tư công sang toàn bộ nền kinh tế vẫn còn rất yếu. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công có dấu hiệu chững lại do “sự mờ dần” của hiệu ứng mức nền thấp.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/4 đạt xấp xỉ 115.907 tỷ đồng, tương đương 16,4% tổng kế hoạch. Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao hơn so với cùng kỳ, dù vậy, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư công đã thu hẹp đáng kể, chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm 2024, thấp hơn mức tăng 22,7% của quý 1/2024.
Báo cáo chi tiết cho thấy việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chỉ tích cực ở một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…
Về địa phương, bên cạnh một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Long An giải ngân được khoảng 3.213 tỷ đồng, tương đương 38,3% vốn kế hoạch, Thanh Hoá giải ngân được 3.045 tỷ đồng, tương đương 25,8% vốn kế hoạch thì các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tốc độ giải ngân vẫn rất chậm.
Tính đến 30/04, quy mô vốn đầu tư công tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh lần lượt đạt 10.323,3 tỷ đồng, tương đương 12,7% vốn kế hoạch và 7.948,7 tỷ đồng, tương đương 10% vốn kế hoạch. Đồng thời, dự án Vành Đai 4 của Hà Nội và Vành đai 3 của TP.Hồ Chí Minh chỉ mới hoàn thành được 7,9% vốn kế hoạch đề ra và 3,3% kế hoạch tính đến 31/03/2024.
“Trong khi đó, kỳ vọng về tác động lan toả của hoạt động đầu tư công sang toàn bộ nền kinh tế hiện chưa có triển vọng rõ ràng”, các chuyên gia thuộc Chứng khoán Rồng Việt đánh giá.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp và chi tiêu của nền kinh tế đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Cụ thể, theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4/2024 của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 4/2024 đạt 6,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4,8% trong tháng trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 6,3%, cao hơn mức tăng 5,9% trong quý 1/2024.
Tương tự, chỉ số PMI ngành sản xuất cũng cải thiện từ mức 49,9 điểm trong tháng 3/2024 lên 50,3 điểm trong tháng 4/2024. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh hơn số lượng đơn hàng xuất khẩu mới hàm ý nhu cầu trong nước tích cực hơn so với bên ngoài.
Đối với sức chi tiêu của nền kinh tế, tốc độ tăng của doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ thể hiện mức tăng tốt nhất theo tháng kể từ tháng 10/2023, tăng 2,0% so với tháng trước. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ổn định ở mức 9% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 8,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 8,2% trong quý 1/2024. Hiện sức chi tiêu của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi các điều kiện kinh tế vĩ mô được cải thiện.