Năm 2023, Nhà máy Thủy điện Sơn La cán mốc sản lượng 100 tỷ kWh phát lên lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sản lượng 100 tỷ kWh của Nhà máy Thủy điện Sơn La là một thành tích đáng tự hào của tập thể Công ty Thủy điện Sơn La. Đây là động lực để Công ty Thủy điện Sơn La tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cùng EVN thực hiện sứ mệnh “Thắp sáng niềm tin”.
Để đạt được những thành tích trong năm qua, Công ty Thủy điện Sơn La đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Ảnh hưởng của hiện tượng El nino dẫn tới khô hạn, nắng nóng kéo dài, lưu lượng nước về 2 hồ thấp hơn trung bình nhiều năm (năm 2023 tổng lượng nước về hồ chỉ đạt 61,59% đối với hồ Sơn La và đạt 61,73% đối với hồ Lai Châu so với trung bình nhiều năm). Đặc biệt vào tháng 6/2023 ở thời điểm cung ứng điện khó khăn, khi mực nước thượng lưu 02 hồ giảm dưới mực nước chết, 02 nhà máy đã phải vận hành dưới mực nước chết giúp phần nào giảm cắt điện cũng như tránh sự cố hệ thống điện.
Tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục gặp nhiều khó khăn do biến động tăng cao của chi phí nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN không có lãi, các quỹ sau lợi nhuận không được phân phối nên thu nhập, hoạt động hỗ trợ người lao động và hỗ trợ địa phương bị ảnh hưởng không nhỏ.
Khó khăn là vậy, nhưng Công ty Thủy điện Sơn La vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ban ngành và chính quyền địa phương đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự đoàn kết thống nhất từ Ban lãnh đạo Công ty đến toàn thể CBCNV giúp cho Công ty ổn định tập trung sản xuất.
Đội ngũ Lãnh đạo Công ty là tập thể có kinh nghiệm trong công tác điều hành sản xuất điện, đã đưa ra chủ trương đúng đắn, kịp thời nên trong năm qua Công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết thúc năm 2023, sản lượng điện sản xuất của Công ty Thuỷ điện Sơn La đạt 9,166 tỷ kWh. Trong đó: Nhà máy thủy điện Sơn La: 6,286 tỷ kWh; Nhà máy thủy điện Lai Châu: 2,880 tỷ kWh. Quan trọng hơn cả, trong năm 2023, Công ty đã không để xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng đến người và thiết bị trong quá trình sản xuất.
Công ty Thủy điện Sơn La luôn đảm bảo phương thức vận hành các tổ máy theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia. Thực hiện tốt nhiệm vụ điều tần và điều áp đảm bảo ổn định hệ thống điện Quốc gia. Chủ động điều chỉnh tổ máy khi có sự cố hệ thống điện để đảm bảo hệ thống ổn định; chủ động đề xuất phương thức vận hành tổ máy hợp lý theo yêu cầu công suất huy động để nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho phát điện, vào giờ thấp điểm đề xuất phương thức chạy bù hợp lý để vừa thực hiện biểu đồ điện áp được giao vừa tiết kiệm tự dùng cho nhà máy. Công bố công suất khả dụng tuần, ngày đúng và kịp thời để A0 lập lịch huy động đúng theo điều kiện vận hành thực tế. Vận hành an toàn và thực hiện các chế độ kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng định kỳ theo yêu cầu của Nhà sản xuất và thực trạng thiết bị.
Vào tháng 6/2023, ở thời điểm cung ứng điện khó khăn Công ty đã chủ động đề xuất vận hành dưới mực nước chết giúp phần nào giảm cắt điện cũng như tránh sự cố hệ thống điện, để thực hiện công tác này Công ty đã tiến hành đánh giá mức độ an toàn thiết bị các tổ máy để đảm bảo giảm tác động tối đa do hiện tượng xâm thực các tổ máy để đảm bảo phát điện an toàn, tin cậy.
Ngoài ra, Công ty Thủy điện Sơn La thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện, xã trên địa bàn 03 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thực hiện rà soát, kiểm tra và sửa chữa các mốc hành lang bảo vệ hồ chứa thuộc phạm vi hồ thủy điện Sơn La và Lai Châu. Công ty liên tục tổ chức tuyên truyền cho chính quyền và người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ và không vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa.
Do các tổ máy của 2 nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu có công suất lớn nhất trên hệ thống nên phải vận hành liên tục để điều chỉnh tần số và điện áp để đảm bảo ổn định hệ thống điện. Hệ thống thiết bị đã vận hành thời gian dài nên tiềm ẩn sự cố nhưng năm 2023 Công ty đã có nhiều giải pháp, đặc biệt ngay từ đầu năm Công ty đã xây dựng chương trình nâng cao độ ổn định tổ máy nên đã thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được EVN giao.
Trước những khó khăn chung về tình hình tài chính năm 2023 của EVN, trên cơ sở kế hoạch chi phí giá thành sản xuất điện của Công ty được Tập đoàn giao, Công ty Thủy điện Sơn La đã chủ động, tích cực đề ra nhiều giải pháp để sử dụng tối ưu chi phí, vừa đảm bảo nguồn kinh phí cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo chỉ tiêu nhiệm vụ tối ưu hóa chi phí Tập đoàn quy định. Kết quả thực hiện nhiệm vụ tối ưu hóa chi phí đạt và vượt chỉ tiêu Tập đoàn giao. Theo đó, năm 2023 Công ty tiết kiệm được khoảng 11,3% chi phí vật liệu, dịch vụ mua ngoài, bằng tiền khác và 20% chi phí sửa chữa lớn tương ứng với số tiền tiết kiệm là khoảng 47,7 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Công ty là doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế và tiếp tục dẫn đầu trong việc nộp ngân sách nhà nước tại địa phương. 100% các khoản thuế, phí phải nộp ngân sách Nhà nước đều được kê khai và nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định. Năm 2023 Công ty đã nộp ngân sách: 2.063 tỷ đồng (Trong đó nộp tại tỉnh Sơn La: 952 tỷ đồng, tại tỉnh Lai Châu: 649,6 tỷ đồng, tại tỉnh Điện Biên: 124,7 tỷ đồng và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam 336,7 tỷ đồng). Giá trị và tỷ trọng đóng góp ngân sách lớn đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc. Năm 2023, Công ty Thủy điện Sơn La vinh dự là 01 trong số 138 doanh nghiệp trên cả nước được biểu dương, đặc biệt Công ty là doanh nghiệp tiêu biểu và duy nhất tại tỉnh Sơn La được Tổng Cục Thuế lựa chọn.
Năm 2024, Công ty Thủy điện Sơn La đã xác định sẽ tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi. Cụ thể nổi bật là tình hình thế giới có nhiều biến động, hiện tượng El nino tiếp tục ảnh hưởng; Tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo đưa vào vận hành ngày càng nhiều nên các tổ máy của 02 nhà máy phải đáp ứng điều tần điều áp làm ảnh hưởng đến độ ổn định của thiết bị; Tình hình cung cấp điện và tài chính của EVN tiếp tục gặp nhiều khó khăn; Lực lượng lao động có tay nghề cao có thể tiếp tục nghỉ, chuyển công tác, đặc biệt tại thủy điện Lai Châu .... sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của toàn Công ty. Vì vậy, mục tiêu năm 2024 Công ty sẽ tập trung vào các mục tiêu, giải pháp cụ thể như: Cách thức tổ chức phải quyết liệt, hiệu quả hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm quyết tâm vượt khó, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ để hoàn thành kế hoạch Tập đoàn giao.
Công ty sẽ thường xuyên kiểm tra, rà soát tình trạng thiết bị, công trình để luôn đảm bảo khai thác tối đa nguồn nước. Không để xảy ra sự cố, tai nạn lao động do nguyên nhân chủ quan và khách quan gây thiệt hại cho người, thiết bị và công trình.
Công tác chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Sơn La cũng là một vấn đề trọng tâm của 2024 như: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu hệ thống PMIS có khả năng phân tích dữ liệu thông minh. Di động hóa phần mềm này để cung cấp mọi lúc, mọi nơi dữ liệu phục vụ vận hành hệ thống điện cho các cấp; khai thác hiệu quả tài nguyên nước trên cơ sở năng lực dự báo khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Hồng.
Ông Lưu Khánh Toàn - Phó Giám đốc, chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Để đạt được các chỉ tiêu và hoàn thành kế hoạch năm 2024 đòi hỏi toàn thể CBCNV trong toàn Công ty phải nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số tốt nhằm nâng cao hiệu quả lao động, hiệu quả sản xuất, tập trung tham mưu cho lãnh đạo Công ty giải quyết các khó khăn trong quá trình quản lý, vận hành 02 nhà máy và các nhiệm vụ quan trọng khác được Tập đoàn giao.