Ngành công nghiệp Sơn La đã xác định rõ, giai đoạn 2006 – 2010 là phát triển các khu công nghiệp, khai thác lợi thế tiềm năng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tham gia đầu tư vào các khu công nghiệp, khuyến khích các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, chú trọng thị trường trong Tỉnh, nhất là thị trường nông thôn, phục vụ thi công công trình thủy điện Sơn La và các tỉnh lân cận... Về giá trị sản xuất, phấn đấu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 123,3%. Các chỉ tiêu cụ thể: Công nghiệp khai thác có mức tăng trưởng cao nhất, bằng 138,2%; công nghiệp chế biến tăng 118,1%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước tăng 124,6%.

Về cơ cấu các ngành công nghiệp, phấn đấu đến năm 2010, ngành công nghiệp khai thác chiếm tỷ trọng 14%; công nghiệp chế biến chiếm 69,8% và công nghiệp điện nước chiếm 16,2%. Những con số trên cho thấy, cơ cấu ngành công nghiệp khai thác chiếm tỷ trọng cao nhất, nhằm tận dụng lợi thế, tiềm năng sẵn có phục vụ nhu cầu của địa phương. Trong thời gian tới, tập trung khai thác chủ yếu các mỏ than ở Quỳnh Nhai, Tô Pan và Suối Bằng; đồng thời tiến hành khai thác đồng – niken tại mỏ Bản Phúc với quy mô khoảng 130.000 tấn/năm.

Đối với công nghiệp chế biến nông – lâm sản, thực phẩm: Tập trung phát triển vùng nguyên liệu chế biến mía đường, tinh bột sắn, chè, cà phê, chế biến thức ăn gia súc, chế biến gỗ, công nghiệp rượu – bia – nước giải khát... Hiện nay, Sơn La có Nhà máy Đường Mai Sơn, với công suất 1.500 nghìn tấn đường/năm. Sau năm 2008, sẽ tiếp tục nâng công suất lên 2000 tấn mía cây/ngày, sản lượng đường đạt 20 – 22.000 tấn/năm. Từ năm 2007 – 2010, Tỉnh còn đầu tư xây dựng các xưởng chế biến bã sắn, cung cấp một phần cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc và chế biến phân vi sinh hữu cơ... Về công nghiệp chế biến chè, Tỉnh sẽ tập trung trồng mới chè có chất lượng cao, thâm canh các vùng chè hiện có, phấn đấu đến năm 2010 đưa diện tích trồng chè lên 10.000 ha, trong đó 7.000 ha cho sản phẩm; phát triển 5.000 ha chè đặc sản trên cao nguyên Mộc Châu. Công nghiệp chế biến chè đen, chè xanh được coi trọng, sử dụng dây chuyền chế biến chè đen có công suất 42 tấn búp tươi/ngày, còn chè xanh là 12 tấn búp tươi/ngày. Sắp tới, Tỉnh sẽ tiến hành đầu tư thêm 16 dây chuyền sản xuất chè, với tổng công suất chế biến là 282 tấn búp tươi/ngày... Chế biến cà phê xuất khẩu cũng là lĩnh vực quan trọng của ngành công nghiệp chế biến. Hiện nay, Tỉnh đã đầu tư 3 cơ sở xát cà phê tươi, với công suất chế biến là 8.000 tấn quả/vụ và một cơ sở xay xát, tuyển chọn đánh bóng cà phê nhân xuất khẩu với công suất 2.000 tấn/năm tại thị xã Sơn La. Từ nay đến năm 2010, Ngành sẽ tập trung, củng cố phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị xuất khẩu của cà phê, dự kiến đến năm 2010, sản lượng sẽ đạt 3.000 tấn/năm. Ngoài nhà máy chế biến thức ăn gia súc hiện có, sắp tới, tỉnh Sơn La còn đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến dầu thực vật với công suất 5.000 tấn/năm với vốn đầu tư khoảng 22,5 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Sơn La có 5 cơ sở sản xuất và kinh doanh bia, với tổng công suất là 7 triệu lít/năm. Để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân, Tỉnh sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất bia tại thị xã Sơn La, với công suất 10 triệu lít bia/năm.

Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những ngành được Tỉnh đặc biệt coi trọng. Một nhà máy sản xuất xi măng tại Mai Sơn đã được xây dựng, với công suất 25.000 tấn clinker/ngày, tương đương với 0,907 triệu tấn xi măng/năm. Để phục vụ cho công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La, Tỉnh còn xây dựng một trạm nghiền xi măng với công suất 100 nghìn tấn xi măng/năm. Ngoài ra, còn sản xuất, phát triển gạch tuynel, khai thác cát phục vụ xây dựng cho các công trình trên địa bàn. Về ngành điện lực, Tỉnh dự kiến phát triển 10 – 20 cơ sở thủy điện nhỏ và vừa, phát triển hệ thống lưới điện phục vụ tái định cư, đưa tỷ lệ các hộ dân được sử dụng điện lưới lên 95% vào năm 2010.

Trong kế hoạch 5 năm tới, ngoài việc củng cố các cụm công nghiệp hiện có, Tỉnh còn phát triển một số cụm, điểm công nghiệp quan trọng như tam giác phát triển kinh tế: thị xã Sơn La – Mai Sơn – Mương La; phát triển khu kinh tế đa mục tiêu Mộc Châu, vùng kinh tế động lực trục quốc lộ 6, vùng kinh tế Sông Đà, vùng kinh tế cửa khẩu... Đồng thời, triển khai xây dựng một khu công nghiệp tại Tà Sa, xã Mường Bằng (huyện Mai Sơn), với tổng diện tích là 300 ha, và xây dựng thêm cụm công nghiệp tập trung Mộc Châu, có quy mô 50 ha...

Để thực hiện thành công kế hoạch trên đây, tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp như thu hút đầu tư, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh... Tỉnh đề ra các công việc mà ngành công nghiệp cần thực hiện đó là: Lập kế hoạch hằng năm, triển khai xây dựng các cơ sở công nghiệp; lập quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp và các làng nghề; công bố rộng rãi các chủ trương, chính sách về xây dựng công nghiệp; xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp; triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững.

Với những lợi thế nêu trên, cùng với các mục tiêu, phương hướng rõ ràng, chắc chắn trong thời gian tới, ngành công nghiệp Sơn La sẽ có bước phát triển mới và tỏa sáng cùng Nhà máy Thủy điện Sơn La.

  • Tags: