Đảm bảo cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021 – 2030

Trong giai đoạn 2021 - 2030, để đảm bảo cân đối cung cầu điện, Bộ Công Thương cho rằng cần nghiên cứu các giải pháp vận hành để sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và giải pháp tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể triển khai xây dựng nhanh.

Cung ứng điện vẫn được đảm bảo

Theo tính toán cập nhật của EVN, nhu cầu phụ tải điện của hệ thống điện quốc gia trong năm 2020 dự kiến đạt 255,6 tỷ kWh, tăng 6,5% so với năm 2019, thấp hơn khoảng 4 tỷ kWh (do ảnh hưởng của dịch Covid-19) so với mức dự báo tại Quyết định số 3733/BCT-QĐ ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Bộ Công Thương về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2020.

Bộ Công Thương đánh giá, việc cung ứng điện năm 2020 của toàn hệ thống điện quốc gia nhìn chung sẽ vẫn được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra.

Để có được kết quả này, Bộ Công Thương cho biết thời gian qua đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu chiến lược phát triển ngành điện, các cơ chế đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách, cụ thể hóa các chính sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo tiến độ các dự án điện, đảm bảo cân đối cung cầu điện.

Bộ Công Thương cũng thường xuyên cập nhật nhu cầu phụ tải, rà soát tiến độ các dự án điện, tính toán cân bằng cung cầu hệ thống điện,... để đề xuất kịp thời các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giai đoạn 2021 – 2030 sắp tới, theo kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng tính toán cho đề án Quy hoạch Điện VIII, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030 với điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

Nhiều giải pháp cân đối cung cầu điện

Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, bình quân mỗi năm Việt Nam cần đưa thêm khoảng 5.000MW đến 6.000MW công suất nguồn điện và hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối tương ứng đi vào vận hành, tổng vốn đầu tư ước tính bình quân khoảng 8 tỷ USD/ năm.

Trong khi đó nguồn năng lượng sơ cấp đang cạn dần và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến tăng nhập khẩu nhiên liệu cho phát điện.

cung cap dien

Vì vậy, để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ năm 2021, cần nghiên cứu các giải pháp vận hành để sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và giải pháp tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể triển khai xây dựng nhanh.

 “Các nguồn điện này cần được bổ sung sớm để đưa vào vận hành trong các năm từ 2021 - 2023 để bù lại phần điện năng không cung cấp được của các nhà máy nhiệt điện bị chậm tiến độ”, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.

Mặt khác, đề xuất tiếp tục ký kết các hợp đồng mua bán điện để nhập khẩu điện từ Lào phù hợp với Biên bản ghi nhớ đã ký giữa Việt Nam và Lào, đảm bảo tổng công suất nhập khẩu từ Lào năm 2025 khoảng 3.000MW; Xem xét tăng sản lượng nhập điện qua cấp điện áp 220 kV từ Trung Quốc.

Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Điện VIII

Bộ Công Thương hiện cũng đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII để trình Thủ tướng Chính phủ. Tại Quy hoạch này, quan điểm nhất quán vẫn là “Điện lực phải phát triển trước một bước để đảm bảo cung ứng điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước”, tuy nhiên đã có những thay đổi cơ so với cách thức cũ.

Quy hoạch Điện VIII sẽ có tính mở, xác định danh mục những nguồn điện lớn, quan trọng cấp quốc gia, danh mục lưới điện truyền tải quan trọng ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên và những dự án ưu tiên đầu tư; định hướng phát triển nguồn điện theo hướng đa dạng hơn để đảm bảo an ninh cung cấp điện, cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn trong từng miền, theo vùng và trên toàn quốc.

Trong thời gian Quy hoạch điện VIII chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ liên tục rà soát để báo cáo, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.

Việc bổ sung quy hoạch được thực hiện theo thứ tự ưu tiên lưới điện trước, nguồn điện sau. Đối với các dự án nguồn điện, ưu tiên các khu vực có khả năng giải tỏa công suất, các khu vực có phụ tải lớn, các địa phương còn khó khăn và chưa có nhiều dự án được phê duyệt.

Đặc biệt, để đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, song song việc quy hoạch đồng bộ nguồn và lưới điện, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nguồn NLTT (cơ chế giá điện, cơ chế đấu thầu), đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện quy hoạch.

Dự kiến đến năm 2030, nhiệt điện than đạt khoảng gần 50 ngàn MW chiếm khoảng 33,6% tổng công suất lắp đặt nguồn điện (giảm 9% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh), nhiệt điện khí đạt khoảng 27,8 ngàn MW, chiếm 19% (tăng 4% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh), thủy điện lớn trên 30 MW đạt khoảng 19,2 ngàn MW chiếm 13%, thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo đạt khoảng 38,3 ngàn MW chiếm 27% (cao hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh 6%).

Về cơ cấu điện năng, nhiệt điện than chiếm 42% (thấp hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh 11%), nhiệt điện khí chiếm 27,5% (tăng 10% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh), thủy điện chiếm 12,5%, thủy điện nhỏ và NLTT chiếm 14% (cao hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh 4%), nhập khẩu điện 4% (tăng 3% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Tổng điện năng của điện gió và điện mặt trời đến năm 2030 đạt 55 tỷ kWh (vượt mục tiêu tại Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo 4 tỷ kWh).

Bộ Công Thương sẽ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quy hoạch Điện VIII và Dự thảo Đề án đánh giá môi trường chiến lược để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định vào cuối tháng 10/ 2020.

Nguyễn Văn