Đạm Cà Mau (DCM): Sản lượng tiêu thụ cả năm nay tăng 20%, riêng tiêu thụ NPK tăng 92%

Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) vừa cho biết sản lượng tiêu thụ phân bón các loại trong năm 2023 ước đạt hơn 1,3 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2022. Đặc biệt, riêng tiêu thu NPK bằng 192% so với cả năm 2022.
Đạm Cà Mau
Ông Văn Tiến Thanh - Tổng giám đốc Đạm Cà Mau cho biết tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 của Đạm Cà Mau ước tăng 20% so với năm 2022.

Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức khi giá nguyên liệu tăng, giá phân bón giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp, cạnh tranh với phân bón nhập khẩu ngày càng cao,… nhưng Đạm Cà Mau đã hoàn thành tốt, xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2023.

Cụ thể, sản lượng sản xuất urê quy đổi ước đạt 954.000 tấn (so với kế hoạch điều chỉnh 951.000 tấn), NPK ước đạt 150.000 tấn (so với kế hoạch 147.000 tấn).

Tổng sản lượng tiêu thụ phân bón các loại trong năm 2023 của Đạm Cà Mau ước đạt hơn 1,3 triệu tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 866.000 tấn. Đặc biệt, Đạm Cà Mau đã thâm nhập và phát triển thành công thị trường NPK với sản lượng tiêu thụ trong năm ước đạt 160.000 tấn, bằng 192% so với năm 2022.

Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cũng cho biết, trong bối cảnh thị trường trong nước trầm lắng, công ty đã chủ động đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và hợp tác với một số đối tác nước ngoài như Tập đoàn Vân Thiên Hóa (Trung Quốc), Tập đòn Yatek (Campuchia)…, giúp giảm áp lực tồn kho và cải thiện doanh số.

Trong năm 2023, Đạm Cà Mau đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 18 quốc gia với sản lượng ước đạt 344.000 tấn, chiếm 26% tổng sản lượng tiêu thụ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 136 triệu USD, chiếm 25% tổng doanh thu các sản phẩm phân bón. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đạm Cà Mau với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.

Theo Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau, trong năm nay, doanh thu của Đạm Cà Mau ước đạt 13.572 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.031 tỷ đồng.

Về triển vọng kinh doanh trong năm 2024, hiện một số tổ chức tài chính nhận định hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau có thể phục hồi đáng kể trong thời gian tới khi giá phân bón đã qua đáy và đang phục hồi. Đặc biệt, Chính phủ Nga vừa có quyết định kéo dài hạn chế xuất khẩu phân bón thêm 6 tháng, từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024.

Giá cổ phiếu DCM Đạm Cà Mau
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Nga tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân bón, Đạm Cà Mau (DCM) có thể ghi nhận lãi đột biến" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngoài ra, theo đánh giá của Maybank Investment Bank, Đạm Cà Mau có thể có yếu tố bất ngờ tích cực về mặt hạch toán lợi nhuận cho năm 2022 và năm 2023 khi giá khí đầu vào cho năm 2022 vẫn chưa được quyết toán xuất phát từ việc giá khí cho cả cụm PM3 - Cà Mau chưa được quyết toán. Với việc hạch toán ở mức thận trọng trong năm 2022, Đạm Cà Mau có thể ghi nhận hoàn nhập dự phòng trong thời gian tới.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Đạm Cà Mau cũng áp dụng phương pháp hạch toán thận trọng cho tỷ lệ khí cung cấp giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Petronas (Malaysia). Do đó, nhiều khả năng khi quyết toán chi phí thực tế sẽ thấp hơn, giúp lợi nhuận của Đạm Cà Mau tăng lên so với dự kiến, Maybank Investment Bank nhận định.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 18/12, thị giá cổ phiếu DCM đạt 30.900 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 28% so với hồi đầu năm nay.

Duy Quang